Hiệu quả tín dụng chính sách đối với hộ nghèo ở vùng biên Quảng Nam

30/03/2021
(VBSP News) Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bức tranh giảm nghèo ở huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) đã có nhiều điểm sáng, nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay chính trên mảnh đất của mình.
quang nam

Từ vốn vay chính sách, nhiều hộ nghèo ở huyện Tây Giang xây dựng thành công mô hình nông nghiệp khép kín từ trồng trọt, chăn nuôi tập trung

Hỗ trợ vay vốn làm kinh tế, thoát nghèo
Những ngày đầu năm 2021, chúng tôi đến thăm gia đình anh Alăng Bôn ở thôn Nal, xã Lăng, huyện Tây Giang. Anh Bôn là một điển hình thoát nghèo của huyện. Anh chia sẻ, trước đây gia đình mới ra ở riêng còn nhiều khó khăn. Nhờ các cán bộ NHCSXH huyện đến tận nhà vận động, hỗ trợ cho vay vốn, đến nay, anh Alăng Bôn đã làm được ngôi nhà gỗ ba gian vững chãi. Rồi anh sắm ti vi, tủ lạnh, xe máy…
Vợ anh Alăng Bôn, chị Agiêng Thị Bing tuy có con nhỏ nhưng vẫn đảm đang mọi việc. Từ chăm sóc con đến thu hoạch mủ cao su, chăm sóc đàn bò. Chị chia sẻ: “Khi mới tách hộ, gia đình khó khăn lắm. Nhưng với sự trợ giúp bên ngân hàng đến nay gia đình đã vay vốn mua keo giống về trồng, rồi trồng thêm cây cao su, nuôi bò, heo, gà, vịt”. Đến nay, nhà anh chị đã có 5ha vườn keo lai, 2,4ha ba kích và 2ha cao su đang ở tuổi thu hoạch. Gia đình cũng nuôi 7 con bò và 1 ao cá khoảng 3 nghìn con. Riêng cây cao su, bình quân mỗi tháng gia đình thu nhập 1 triệu đồng từ tiền bán mủ.
Chủ tịch xã Lăng Alăng Rất cho biết: Thôn Nal có 162 hộ thì hầu hết đã thoát nghèo. Để có được kết quả này, trước hết là sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và đặc biệt là sự hỗ trợ nguồn vốn vay của NHCSXH huyện Tây Giang. “Tôi rất mừng khi chứng kiến nhiều hộ thoát nghèo, không còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước như trước đây nữa. Nhiều hộ đã đến xã đăng ký thoát nghèo, rất cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình của NHCSXH huyện”, ông Alăng Rất phấn khởi nói.
Từ nguồn vốn vay này, đã có nhiều hộ gia đình trở nên khá giả nhờ biết cách làm kinh tế. Hộ anh Rađêl Vui ở thôn Tưr, xã Lăng là trường hợp như vậy. Năm 2018, anh được NHCSXH huyện cho vay 50 triệu đồng mua máy cày làm lúa nước, máy cắt cỏ để dọn cỏ cho cây keo lai. Hiện nay, gia đình anh trồng được 8ha keo và nhiều loại cây ăn quả khác. Anh Vui đã thành công với mô hình nông nghiệp khép kín gồm trồng trọt, chăn nuôi và làm thêm nghề đan lát. Đặc biệt, anh còn đào ao nuôi cá trắm cỏ, cá chim vừa phục vụ cho gia đình vừa bán cho bà con. Hằng năm, gia đình anh thu nhập từ mô hình kết hợp này khoảng 60 triệu đồng.
Gia đình anh đã làm được ngôi nhà gỗ khang trang, sắm được xe máy, ti vi, tủ lạnh, con cái được lo học hành bài bản, có người tốt nghiệp đại học. Hôm gặp chúng tôi anh tươi cười bảo, năm nay đã trả hết nợ ngân hàng rồi và còn dư để gửi tiết kiệm nữa. Nếu không có nguồn vốn vay, chắc gia đình khó thoát nghèo được.
Trước đây, gia đình anh Zơrâm Nên cũng như những gia đình khác ở thôn Achiing, xã Atiêng sản xuất theo tập quán cũ, dù làm cật lực nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám. Sau nhiều lần suy nghĩ, anh quyết định chọn nghề mộc để học. Sau hai năm học nghề anh trở về quê và được NHCSXH cho vay vốn phát triển nghề. Lúc đầu, cơ sở mộc của anh thành lập chỉ sản xuất hàng mộc dân dụng quy mô nhỏ. Sau đó, anh vận động người dân trong thôn tham gia tổ mộc của mình, vừa mở rộng quy mô sản xuất vừa nhận thi công nhà ở cho bà con. Mỗi năm, gia đình anh thu nhập khoảng 100 triệu đồng, năm 2019 anh viết đơn đăng ký thoát khỏi hộ nghèo. “Với việc đầu tư máy móc ban đầu cả trăm triệu thì làm gì có tiền, nhờ nguồn vốn của ngân hàng mà mình mới có cơ ngơi như hôm nay. Nhiều gia đình thấy mình làm giàu, họ cũng tự giác làm theo, đến nay, nhiều hộ đã thoát nghèo”, anh Nên tâm sự.
Hiệu quả từ nguồn vốn vay
Giám đốc NHCSXH huyện Tây Giang Vũ Định cho biết: Là công cụ của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo đó, thước đo đánh giá của hiệu quả tín dụng chính sách không chỉ là con số tăng trưởng cao mà hơn hết là chất lượng cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách ở huyện vùng biên này.
Tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện Tây Giang đến hết năm 2020 đạt trên 166 tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2019. Trong năm 2020, đơn vị làm khá tốt trong công tác nhận vốn ủy thác, lãi tồn giảm, chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn được nâng lên rõ rệt. Đến nay, đã có 99/102 Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt loại tốt, chiếm tỷ lệ 97%.
Mỗi cán bộ đều mong muốn “Nơi nào có người nghèo, nơi đó có mạch nguồn tín dụng chính sách”. Chúng tôi luôn làm việc với tâm niệm “Thấu hiểu - tận tâm phục vụ nhân dân”. Mỗi Điểm giao dịch là một cánh tay vươn dài của NHCSXH để vốn tín dụng chính sách đến nhanh, kịp thời hơn với hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình chính sách khó khăn”, ông Định nói.
Những năm qua, huyện Tây Giang thực hiện khá thành công công tác giảm nghèo, trong đó NHCSXH huyện đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xóa nhà tạm. Tỷ lệ hộ nghèo từ 84,64% (năm 2003) giảm xuống còn khoảng 32,53% (năm 2020). Nhiều hộ gia đình trẻ biết cách làm giàu ngay trên quê hương mình. Từ năm 2017 - 2019, có 288 hộ đăng ký thoát nghèo. Năm 2020, có 203 hộ đăng ký thoát nghèo.
Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Nguyễn Văn Lượm nhận xét: Những năm qua, NHCSXH huyện đã làm tốt công tác hỗ trợ các hộ nghèo, chính sách vay vốn phát triển kinh tế. Đặc biệt nhiều hộ gia đình trẻ đã mạnh dạn vay vốn làm giàu ngay chính quê hương mình. Từ nguồn vốn vay đã đóng góp tích cực cho công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện miền núi Tây Giang. Lo miếng cơm, manh áo đối với người bình thường đã không đơn giản, với người nghèo, đối tượng chính sách còn vất vả gấp bội phần. Vì thế, mỗi đồng vốn cho vay của NHCSXH đều có thêm ý nghĩa lớn lao đối với hộ nghèo và các gia đình chính sách.

Bài và ảnh Đình Hiệp - Công Bính

Các tin bài khác