Thạch An phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

29/03/2021
(VBSP News) NHCSXH huyện Thạch An (Cao Bằng) luôn chủ động, đồng hành cùng người dân trong phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương, góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
cao bang

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều hộ dân ở huyện Thạch An đã vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống

Cùng cán bộ NHCSXH huyện Thạch An đến kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay, chúng tôi đến thăm nhà CCB Vũ Văn Hải ở tổ dân phố 1, thị trấn Đông Khê. Trước đây, gia đình ông Hải có cuộc sống khó khăn, chỉ trông chờ vào  trồng ngô, lúa. Không có vốn sản xuất, công việc không ổn định nên quanh năm túng thiếu. Thay đổi chỉ bắt đầu khi gia đình ông được các hội, đoàn thể xã tư vấn và được tiếp cận với nguồn vốn vay chính sách.
Năm 2016, ông được vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng cải tạo chuồng chăn nuôi trâu. Đến năm 2018, ông vay thêm 50 triệu đồng đầu tư mở rộng mô hình, trồng quế, hồi, chè, nuôi lợn, gà, vịt. Đến nay, gia đình ông trồng được hơn 3ha quế, 2ha hồi và nuôi 12 con trâu. Cuộc sống dần ổn định, gia đình ông Hải có thêm động lực, quyết tâm vươn lên bằng chính sức lao động của mình.
Hiện nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện đạt 206,1 tỷ đồng với trên 5.300 hộ còn dư nợ, tập trung chủ yếu vào các chương trình: cho vay đối với hộ nghèo 114 tỷ đồng, hộ cận nghèo 28,9 tỷ đồng, hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn 31,4 tỷ đồng, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 10,6 tỷ đồng. Doanh số cho vay năm 2020 đạt 58,3 tỷ đồng, doanh số thu nợ 52,5 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã giúp các hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện Thạch An có cơ hội đầu tư phát triển kinh tế, xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, đầu tư nuôi con ăn học, tạo điều kiện để nhiều hộ vượt qua khó khăn, chất lượng cuộc sống dần được nâng lên.
Xác định kinh tế tại địa phương chủ yếu vẫn là các hoạt động sản xuất nông nghiệp, do đó, NHCSXH huyện Thạch An luôn chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đưa đồng vốn chính sách tiếp cận với tất cả các đối tượng trong diện thụ hưởng. NHCSXH huyện đã thành lập 14/14 Điểm giao dịch tại các xã, thị trấn, niêm yết công khai các chủ trương, chính sách về chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất cho vay, danh sách hộ vay vốn…
Tích cực phối hợp với các cấp chính quyền, đơn vị, đoàn thể từ huyện đến cơ sở tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn cây, con  giống phù hợp để phát triển kinh tế gia đình. Tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai các giải pháp, quản lý, mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng. Hiện, dư nợ ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội huyện Thạch An đạt 206 tỷ đồng với 145 Tổ tiết kiệm và vay vốn, có 4.262 hộ còn dư nợ.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn vẫn được triển khai kịp thời. Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện đã phân bổ kế hoạch tăng trưởng tín dụng, chỉ tiêu, kế hoạch huy động tiền gửi tiết kiệm cho các xã; chỉ đạo NHCSXH huyện phối hợp với các xã, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác rà soát, giải ngân cho vay, xử lý nợ, thu lãi.
Trong các ngày giao dịch ở địa bàn, lãnh đạo NHCSXH huyện tham gia giao ban trực tiếp với các xã, thị trấn, tổ chức chính trị - xã hội để hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Giám đốc NHCSXH huyện Thạch An Hoàng Mạnh Hải cho biết: Để nguồn vốn tín dụng chính sách đến được đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả, thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Chú trọng kiểm tra, giám sát tại cơ sở cũng như các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, nâng cao chất lượng hoạt động các Điểm giao dịch xã và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tư vấn, hướng dẫn người vay vốn mở rộng sản xuất, cách sử dụng đồng vốn hiệu quả gắn với các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.

Phương Anh

Các tin bài khác