Điểm tựa của những người yếu thế ở Ba Vì

29/03/2021
(VBSP News) Đã có hàng nghìn hộ nghèo và gia đình chính sách thoát khỏi đói, nghèo, làm chủ cuộc sống; hàng trăm hộ khó khăn có điều kiện mở rộng sản xuất và vươn lên thành hộ khá giả... Mỗi người một hoàn cảnh nhưng điểm chung là các đối tượng yếu thế đều đổi đời dưới sự tận tâm phục vụ của NHCSXH huyện Ba Vì (TP Hà Nội) và họ coi đó là điểm tựa quan trọng của mình!
ba vi

NHCSXH huyện Ba Vì giải ngân tại Điểm giao dịch xã Yên Bài

Trao sự tự tin
Khoảng 5 năm trước, ngày quốc tế Phụ nữ 8/3 còn là thứ gì đó thật xa xỉ đối với những phụ nữ nghèo huyện miền núi Ba Vì; đến nay đã trở thành ngày hội lớn và là dịp để các chị em phụ nữ gặp gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi và mách nhau những bí quyết sinh lời từ đồng vốn của NHCSXH. Quan trọng hơn, những ngày vui như thế không chỉ có một mà đã nhân lên thành nhiều lần trong tháng, trong năm theo những đợt sinh hoạt của Tổ tiết kiệm và vay vốn, theo các đợt giải ngân các chương trình cho vay.
Một điển hình về sử dụng hiệu quả vốn vay tín dụng chính sách là chị Nguyễn Thị Duyên, hội viên phụ nữ xã Vân Hòa, huyện Ba Vì. Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Duyên thuộc diện hộ nghèo của xã, nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ trông vào mấy sào ruộng. Từ ngày được Hội Phụ nữ xã giúp đỡ vay vốn, chị đã đầu tư nuôi bò sữa, dần tăng thu nhập và vươn lên làm giàu. Chị Duyên cho biết: “Trung bình mỗi năm gia đình tôi thu nhập gần 400 triệu đồng. Tôi rất vui khi thoát cảnh nghèo khó và thấy tự tin khi tham gia bất cứ việc gì với các chị em trong Hội Phụ nữ.”.
Chính sự tiếp sức của nguồn vốn vi mô do NHCSXH huyện Ba Vì thực hiện đã giúp nhiều chị em phụ nữ vượt qua chính mình, tự tin tham gia vào lĩnh vực của đời sống xã hội. Chị Nguyễn Thị Hương ở thôn Ké Mới, xã Tản Lĩnh trước đây là hộ nghèo, điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn nhưng được vay 50 triệu đồng của NHCSXH huyện để đầu tư sản xuất chăn nuôi trâu, bò và trồng cây ăn quả, đến nay, gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Hay chị Nguyễn Thị Nụ ở thôn Hà Tân khi mới xây dựng gia đình rất khó khăn, 2 vợ chồng công việc không ổn định, chị được vay 50 triệu đồng vốn giải quyết việc làm để đầu tư chăn nuôi bò sữa. Ban đầu chỉ có 1 con, đến nay chị đã phát triển được 8 con, mỗi ngày thu trên 100kg sữa, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho cả 2 vợ chồng.
Đánh giá về tác động của nguồn vốn tín dụng chính sách, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ba Vì Đỗ Thị Thúy Hằng cho biết: Những năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã mang đến làn gió mới, làm thay đổi diện mạo của toàn huyện nói chung, đời sống chị em phụ nữ nói riêng. Nguồn vốn không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo… mà còn tham gia phát triển kinh tế, ổn định trật tự xã hội tại địa phương, đưa Ba Vì sớm hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Chủ động giải ngân, hỗ trợ kịp thời
Tác động tiêu cực của các đợt Covid-19 đã khiến nền kinh tế ngày càng trở nên khó khăn. Trong đó, hộ nghèo và gia đình chính sách bị tổn thương nhiều nhất. Để bảo vệ người dân, NHCSXH Trung ương đã chỉ đạo các chi nhánh bám sát các chủ trương, chính sách của Chính phủ, NHNN, Tổng Giám đốc NHCSXH trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế; hỗ trợ kịp thời nhu cầu vay vốn khôi phục sản xuất cho người dân, nhất là sau dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua.
Thực hiện chủ trương trên, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Ba Vì Phùng Đăng Toàn cho biết: Ngay sau khi kết thúc nghỉ Tết Nguyên đán, NHCSXH huyện Ba Vì tổ chức trực giao dịch liên tục từ ngày 17/2/2021 đến ngày 25/2/2021. Mỗi ngày tổ chức bình quân từ 2 - 3 Điểm giao dịch lưu động tại UBND các xã; dự kiến giải ngân gần 15 tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động ở nông thôn, hộ gia đình SXKD ở các xã thuộc vùng khó khăn; giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn để đầu tư chăn nuôi, SXKD phát triển kinh tế, góp phần giảm bớt khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.
Tại Điểm giao dịch xã Yên Bài, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã đã tích cực phối hợp với NHCSXH huyện tổ chức giải ngân kịp thời cho 64 hộ gia đình SXKD tại vùng khó khăn với số tiền 3,2 tỷ đồng. Đây là đợt giải ngân đầu năm nhưng với số tiền tương đối lớn, vì vậy, bà con Yên Bài yên tâm tập trung khôi phục sản xuất. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoàng Công Thiện, ngay sau khi nhận được chỉ tiêu cho vay từ NHCSXH huyện, Ban giảm nghèo xã đã chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội xã phối hợp với Trưởng thôn tổ chức rà soát nhu cầu vay vốn từ cơ sở sau đó tổ chức họp Tổ tiết kiệm và vay vốn ở các thôn để tiến hành xét duyệt cho vay được 64 hộ đợt này. Mỗi hộ được vay với số tiền 50 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà và phát triển vườn chè, cây ăn quả, buôn bán tạp hóa….
“Khi các Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét được người vay, chúng tôi lập tức phối hợp với NHCSXH huyện nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để giải ngân kịp thời tại Điểm giao dịch UBND xã vào ngày 13/3 vừa qua, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi nhận tiền”, ông Thiện cho biết thêm.
Tại nhiều xã khác trên địa bàn, hoạt động của các Điểm giao dịch cũng tấp nập không kém. Đơn cử như xã Cổ Đô, NHCSXH huyện Ba Vì đã thực hiện giải ngân trực tiếp cho 12 hộ gia đình có nhu cầu vay vốn với số tiền 600 triệu đồng để đầu tư sản xuất chăn nuôi và kinh doanh dịch vụ, nhằm tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn. Nhờ sự trợ lực kịp thời của những đồng vốn vi mô, Ba Vì không phát sinh thêm hộ nghèo và cận nghèo tính đến thời điểm hiện tại.

Bài và ảnh Bình Nhi

Các tin bài khác