Cánh tay đắc lực giúp nông dân huyện Ba Vì thoát nghèo

26/03/2021
(VBSP News) Từ nguồn vốn vay ưu đãi, hàng nghìn hộ DTTS trên địa bàn huyện Ba Vì (TP Hà Nội) đã vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Đặc biệt, từ những mô hình nhỏ, nhiều hộ dần mở rộng sản xuất quy mô lớn, đạt hiệu quả kinh tế cao.
ha noi

Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo huyện Ba Vì đã mở rộng quy mô chăn nuôi

Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh
Gia đình bà Đinh Thị Hồng, dân tộc Mường ở thôn 7, xã Ba Trại là trong những điển hình sử dụng hiệu quả vốn vay NHCSXH. Năm 2011, bà được vay 20 triệu đồng vốn hộ nghèo, bà đã mở rộng diện tích trồng chè, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Quyết định này vừa giúp có việc làm ổn định, vừa đưa gia đình bà Hồng thoát khỏi diện hộ nghèo. Quan trọng hơn, sau khi thoát nghèo, gia đình bà Hồng tiếp tục được NHCSXH huyện Ba Vì cho vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Vì Đinh Thị Bích Hảo cho biết: Ba Vì có 7 xã miền núi với dân số 77.489 người/18.546 hộ; trong đó, đồng bào DTTS có 20.898 người/7.833 hộ (chiếm khoảng 37,1% dân số vùng dân tộc). Tổng số hội viên nông dân 7 xã miền núi là 9.089 người trong đó hội viên nông dân là người dân tộc 3.756 hội viên (chiếm 41%).
Phó Giám đốc NHCSXH TP Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết: Trong năm 2021, NHCSXH TP Hà Nội nhận được nguồn vốn ủy thác là 550 tỷ đồng, đơn vị sẽ tham mưu cho các Sở, ban ngành thành phố phân bổ cho quận, huyện, thị xã trên địa bàn, tập trung nguồn vốn vào địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, xã chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Để hội viên nông dân 7 xã miền núi có điều kiện phát triển kinh tế, Hội Nông dân các cấp huyện Ba Vì tích cực hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Theo đó, Hội tích cực phối hợp với NHCSXH thực hiện công tác uỷ thác. Hiện, tổng dư nợ ủy thác vốn vay ưu đãi NHCSXH qua tổ chức Hội Nông dân trên địa bàn huyện đạt trên 232 tỷ đồng tại 153 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 5.562 hộ vay vốn. Riêng 7 xã miền núi có 55 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 82 tỷ đồng với hơn 2.000 hội viên vay vốn, chiếm 35% dư nợ toàn huyện.
Thông qua các nguồn vốn vay, khu vực 7 xã miền núi huyện Ba Vì ngày càng nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả kinh tế cao như: Tổ hội chăn nuôi bò thịt, bò sữa ở các xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài với quy mô đạt trên 12.000 con; tổ hội sản xuất chè búp khô ở các xã Ba Trại, Vân Hòa, Yên Bài với tổng diện tích trồng chè trên 1.800ha, giữ vững và phát triển thương hiệu “Chè Ba Vì”; tổ hội sản xuất chè sạch với diện tích 40ha ở xã Ba Trại; mô hình sản xuất miến dong ở các thôn Minh Hồng (xã Minh Quang), Ninh (xã Khánh Thượng), Hợp nhất (xã Ba Vì); Tổ hội sản xuất thuốc Nam ở xã Ba Vì…
Các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, mà còn giải quyết việc làm cho 350 - 500 lao động mỗi năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 13,79% (2.458 hộ nghèo) cuối năm 2015, xuống còn 1,116% (207 hộ nghèo) cuối năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người vùng núi cuối năm 2020 đạt 40 triệu đồng/người/năm, mỗi năm tăng thêm bình quân trên 2 triệu đồng/người.
Phối hợp thực hiện ủy thác vốn vay chặt chẽ
Năm 2020, NHCSXH thành phố đã chủ động phối hợp với 4 tổ chức chính trị - xã hội thực hiện uỷ thác cho vay 10.155 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ, với hơn 245.000 hộ còn dư nợ tại 7.118 Tổ tiết kiệm và vay vốn, dư nợ bình quân đạt 41 triệu đồng/hộ. Thông qua 16 chương trình tín dụng chính sách, trên 114.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn Hà Nội đã có điều kiện để mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế.
Là năm cuối thực hiện chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 nên NHCSXH thành phố đã phối hợp với cơ sở triển khai hiệu quả các chương trình cho vay ưu đãi. Tổng số khách hàng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn là 13.000 hộ. Các đối tượng chính sách có đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn, đơn vị đã phối hợp với cơ sở rà soát và triển khai cho vay 100%, góp phần vào thành công chung của TP Hà Nội khi tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,9%.
Đặc biệt, trong chương trình tín dụng chính sách xây dựng nông thôn mới, NHCSXH TP Hà Nội cũng đã triển khai cho vay 7.317 tỷ đồng với 15 chương trình tín dụng như: Cho vay giải quyết việc làm, nước sạch vệ sinh môi trường… Các chương trình đã góp phần vào thành công chung của thành phố, giúp các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có vốn phát triển SXKD.

Đức Thịnh

Các tin bài khác