Nhiều Chủ tịch xã giúp NHCSXH thu hồi nợ hiệu quả

23/03/2021
(VBSP News) Chủ trương bổ sung Chủ tịch UBND xã tham gia vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện ở tỉnh Hà Tĩnh từ năm 2015 lại nay được xem là giải pháp quản lý vốn vay và thu hồi nợ hiệu quả.
ha tinh

Các Chủ tịch UBND xã ở Hà Tĩnh thường xuyên kiểm tra các mô hình vay vốn trên địa bàn

Năm 2008, bà Nguyễn Thị Tuyết ở xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc vay vốn NHCSXH 15 triệu đồng theo chương trình HSSV. Sau đó, bà đi khỏi địa phương và “quên” món nợ. Mới đây, khi bà Tuyết trở về đề nghị giải quyết thủ tục hành chính, Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên - thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Can Lộc yêu cầu bà thanh toán hết nợ ngân hàng mới giải quyết. Nhờ vậy, món nợ (cả gốc và lãi) của bà Nguyễn Thị Tuyết đã được NHCSXH huyện Can Lộc tất toán. Đây là 1 trong những trường hợp chây ì nợ mà NHCSXH huyện Can Lộc phối hợp xã Khánh Vĩnh Yên thu hồi thành công.
Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên Nguyễn Văn Hùng cho biết: Vốn chính sách kịp thời giúp hộ nghèo, cận nghèo, và các đối tượng chính sách khác sửa chữa nhà cửa, SXKD, xây công trình nước sạch, vệ sinh, đầu tư con em học hành… Tuy vậy, một số khách hàng vay vốn cố tình chây ì trả nợ. Hơn nữa, các xã Khánh Lộc, Vĩnh Lộc, Yên Lộc (cũ) có trường hợp sử dụng vốn vay sai mục đích nên thu hồi nợ khó khăn.
Với tư cách là thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Can Lộc, ông Nguyễn Văn Hùng đã giao các cấp hội nhận ủy thác, giao các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn vào cuộc quyết liệt nhằm chấm dứt tình trạng trên. Nhờ vậy, nợ quá hạn của xã hiện còn 80 triệu đồng, trong khi giai đoạn sáp xã nhập (cuối tháng 12/2020) là 150 triệu đồng. Mặt khác, Khánh Vĩnh Yên hiện đang có dư nợ chính sách lớn nhất huyện (gần 53 tỷ đồng, tăng 5 tỷ so với cuối năm 2020).
Giám đốc NHCSXH huyện Can Lộc Lưu Tùng Dương chia sẻ: Không chỉ Khánh Vĩnh Yên mà nhiều địa phương đã giảm được nợ quá hạn nhờ sự vào cuộc của thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXHcấp huyện. Cụ thể, từ năm 2015 lại nay, khi chủ trương bổ sung Chủ tịch UBND xã tham gia vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện thì nợ quá hạn toàn địa bàn giảm còn 345 triệu đồng so với hàng tỷ đồng thời gian trước đó, đưa nợ quá hạn hiện nay xuống còn 0,076%/tổng dư nợ.
Bên cạnh đó, việc chính quyền hỗ trợ người dân tiếp cận vốn trên tinh thần đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng đã giúp tăng nguồn vốn vay. Theo đó, dư nợ của huyện Can Lộc hiện đạt 456,3 tỷ đồng, tăng 90 tỷ đồng so với năm 2015.
Tương tự, việc bổ sung Chủ tịch UBND xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện cũng được xem là “bàn đạp” để NHCSXH huyện Hương Sơn gỡ “nút thắt” trong thu hồi nợ đọng và phát triển vốn vay.
5 năm trước, ông Phạm Đình Liêm ở xã Sơn Mỹ cũ (nay là xã Tân Mỹ Hà) vay 50 triệu đồng theo chương trình hộ mới thoát nghèo. Món nợ này được xác định khó thu hồi do hộ vay nợ lãi. Tuy vậy, chính quyền địa phương hỗ trợ, vừa rồi NHCSXH đã thu hồi được tiền gốc lẫn lãi.
Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Hà Trần Kim Chi cho hay: “Sau khi sáp nhập từ 3 xã cũ, chúng tôi đã kiện toàn lại hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn và giao cho các tổ chức chính trị - xã hội quản lý nguồn vốn một cách minh bạch, thẩm định cho vay đúng đối tượng gắn với kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Trường hợp nợ quá hạn, xã thành lập tổ xuống tận hộ vay nắm bắt tình hình và có giải pháp động viên, thu hồi vốn. Tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện, tôi nắm vững tín dụng chính sách trên địa bàn, từ đó đề ra các biện pháp thu hồi nợ cũng như quản lý, phát triển được nguồn vốn vay, tạo điều kiện cho Nhân dân phát triển. Dư nợ toàn xã đã đạt trên 20,5 tỷ đồng, tăng trưởng so với giai đoạn mới sáp nhập”.
Giám đốc NHCSXH huyện Hương Sơn Đào Thị Thái Bình cho biết: Tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi của huyện hiện đạt trên 489 tỷ đồng. Trong đó, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,04% tổng dư nợ (trong khi năm 2014, tỷ lệ nợ quá hạn là 0,34%).
Không riêng Can Lộc, Hương Sơn mà hoạt động tín dụng của huyện khác tại tỉnh Hà Tĩnh đều đi vào chiều sâu nhờ chủ trương bổ sung Chủ tịch UBND xã vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện.
Thực tế cho thấy, công tác quản lý nguồn vốn vay tại các xã được nâng cao, vai trò của thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH được thể hiện rõ nét. Chủ tịch UBND cấp xã đã khẳng định được trách nhiệm của người đứng đầu và nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động tín dụng chính sách ở cơ sở. Đặc biệt, các chương trình tín dụng được gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… được nâng lên rõ rệt từ khi chủ trương bổ sung chủ tịch UBND xã tham gia vào Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện được triển khai.
Mặt khác, hoạt động của NHCSXH được triển khai ở cơ sở thiết thực, hiệu quả, chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao. Theo đó, tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh hiện đạt 4.921 tỷ đồng (tăng 1.520 tỷ đồng so với năm 2015), nợ quá hạn chiếm 0,044%/tổng dư nợ.

Bài và ảnh Thu Phương

Các tin bài khác