Hà Tĩnh vẫn đi lên hát bài ca Đảng bắt nhịp cho ta
Nâng niu những cuộc đời
Quyển Sổ vay vốn màu xanh truyền thống của NHCSXH của bà Nguyễn Thị Kim, sinh năm 1955 ở khối 3, phường Đức Thuận, TX Hồng Lĩnh chỉ còn trang cuối cùng để trắng. Hơn 10 năm vay vốn tại NHCSXH TX, cuốn sổ ghi kín đặc các chương trình cho vay từ hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, NS&VSMTNT đã nâng cao mức sống gia đình và gây tạo sự nghiệp cho con cái qua con đường đèn sách. Ba lần vay vốn cho 3 người con học đại học với tổng số tiền 101 triệu đồng. Nay đã trả được 78 triệu đồng, vẫn còn 30 triệu đồng cho thấy con đường thoát nghèo của gia đình bà là cả quá trình gian nan. Hai ông bà cũng chẳng thể nghĩ nổi nếu không có nguồn vốn vay ấy sẽ làm thế nào để nuôi được 7 đứa con chỉ với 7 xào ruộng. Bà kể, đói thì không có, bởi ông vốn là người tháo vát, trước thì xe thồ, nay xe máy cứ chiều đến đi khắp các huyện bán nông cụ cho bà con đổi lấy lá chè và rau cho bà sớm mai xuống chợ. Song, chi phí sinh hoạt, gánh nặng ấy không có nguồn vốn của NHCSXH giúp đỡ để giúp bà nuôi lợn, nuôi gà, buôn bán nhỏ; cộng thêm nguồn tích cóp tiền cùng vay mượn thêm bà con họ hàng gửi cho các con thì bà khẳng định chỉ có cậu con trai đầu được đi học đại học, còn 3 cô con gái sau cũng phải tiếp bước “vết xe đổ” của 3 chị trước đó, hết cấp 3 nghỉ học, phụ giúp cha mẹ kiếm miếng cơm rồi đi lấy chồng.
Từ năm 2015 đến nay khi 2 con ra trường có việc làm, đã giúp bà trả nợ ngân hàng, nuôi cô út đang học đại học và sửa sang cho vợ chồng bà căn nhà che mưa nắng lúc tuổi già. Cái nghèo cũng từ đây đoạn tuyệt.
Với anh Mai Thanh Hưng ở xã Kỳ Phương, TX Kỳ Anh thì vốn vay chính sách là cứu cánh với gia đình anh sau sự cố môi trường biển. Sinh nhai bằng đánh bắt gần bờ, trước khi có thảm họa, đời sống vợ chồng anh rất khấm khá. Song, thảm họa môi trường biển, môi trường ô nhiễm khiến việc đánh bắt gần bờ bị cấm, như bao gia đình vùng quê này, gia đình anh chị cũng trong cảnh thuyền phơi, ngư cụ dồn góc nhà tự mục rách. Không có việc làm, anh đành phải vào Nam đi làm thuê, làm mướn kiếm vài ba triệu mỗi tháng gửi về cho vợ và 4 đứa con. Bởi vậy, khi nghe tin NHCSXH cho vay vốn giúp người dân chuyển đổi sinh kế, anh vội trở lại quê nhà. Nhờ 50 triệu đồng vay vốn từ NHCSXH, anh tu sửa thuyền và ngư cũ lại để ra khơi đánh bắt. Đã 3 năm trôi qua, đời sống gia đình tạm ổn, dù không được như cũ nhưng thu nhập cũng được 70 - 80% so với trước đây. “Nếu không có NHCSXH cho vay vốn khi ấy thì gia đình tôi càng ngày càng khó khăn. Kể từ đó đến giờ, gia đình tôi làm ăn khá hơn, các cháu học hành đến nơi đến chốn”, anh Hưng tâm sự. Thuyền của anh cũng tạo việc làm và thu nhập cho 2 - 3 bạn thuyền khác ổn định cuộc sống.
Tạo đà phát triển bền vững
Không chỉ tạo sinh kế bền vững cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nguồn vốn ưu đãi đang chắp cánh cho những ước mơ và ý chí góp sức xây dựng chính quê hương của những người dân cùng đất hiếu học Hà Tĩnh. Như ở thôn Nam Thành, xã Cẩm Nam, huyện Cẩm Xuyên, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Đặng Thị Trinh cho biết: Hiện thôn có 2 tổ với 40 hộ vay vốn chương trình HSSV. 10 năm qua, có gần 60 HSSV được vay vốn để trang trải chi phí đi học đại học và cao đẳng.
Đơn cử như hộ của CCB Nguyễn Đình Tâm, nếu không có nguồn vốn chính sách của NHCSXH thì 4 người con của ông không thể học đại học được. Vì gia đình thuần nông, thu nhập từ lúa: Trước hơn 1ha, cách đây 3 năm thu hẹp chỉ còn 0,5ha. Dù vay vốn chính sách nuôi thêm trâu nái mỗi năm được 1 con nhưng vào thời điểm 3 cháu học cùng một lúc, sinh hoạt phí tối thiểu 7 - 8 triệu đồng/tháng. Trừ gạo và thực phẩm, gia đình sẽ chẳng thể gánh nổi nếu không có nguồn vốn cho vay của NHCSXH. Đến nay, 4 con của ông đều đã học xong đại học; trong đó, con trai lớn trở về góp sức xây dựng quê hương Hà Tĩnh, 2 người con sau cũng đang góp công xây dựng đất nước tại Vũng Tàu và Bình Dương. “Tôi nghĩ mình nghèo vì không được đi học đến nơi, đến chốn nên gắng sức giúp con không như cha mẹ phải bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ông Tâm tâm sự. Làm Trưởng thôn 15 năm nay, ông càng cảm nhận tính nhân văn trong chính sách của Đảng và Nhà nước. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp những người dân Hà Tĩnh bước qua con đường nghèo khó và xây đắp một tương lai sáng rạng.
“Ở Hà Tĩnh có thể khác một số địa phương khác, cho vay HSSV rất nhiều. Hiện nay, có 37.000 HSSV được vay vốn học tập và có khả năng tiếp cận sau này để trưởng thành giúp cho địa phương”, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho biết.
Ngay từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã có những chỉ đạo chung và đưa vào trong những chương trình, kế hoạch 05 năm, hàng năm và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để tổ chức thực hiện hoạt động tín dụng chính sách, xem đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Với quan điểm cho người dân “cái cần câu” là nguồn vốn và người dân tự lực mình làm, thông qua sự giúp đỡ của các hội, đoàn thể; đặc biệt là cán bộ ngân hàng hướng dẫn họ sử dụng một cách hiệu quả nguồn vốn vay. “Bài học quan trọng để sử dụng hiệu quả đồng vốn tín dụng là chính cán bộ phải biết tổ chức cho người dân. Coi việc vượt nghèo được cho người nghèo là sản phẩm, là thước đo lãnh đạo, chỉ đạo của cán bộ. Đời sống người dân còn khổ thì chứng tỏ cán bộ chúng ta chưa hoàn thành”, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định.
Từ việc gắn tránh nhiệm vào công việc của từng cán bộ lãnh đạo, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,6%. Đặc biệt, với quan điểm dù chưa phải tỉnh giàu nhưng Tỉnh ủy đã xác định việc vay ủy thác nguồn vốn sang NHCSXH để cho người nghèo vay là rất cần thiết. Hiện, nguồn vốn của địa phương ủy thác sang đạt trên 110 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng tại Hà Tĩnh đến nay trên 4.700 tỷ đồng, doanh số cho vay đạt trên 6.795 tỷ đồng, với trên 216.000 lượt hộ vay vốn, qua đó đã giúp gần 37.000 hộ thoát nghèo.
Bài và ảnh Minh Ngọc
Các tin bài khác
- » Gala Cặp lá yêu thương Tết Canh Tý - Con là nắng
- » Tín dụng chính sách ở miền biên viễn Tây Nam
- » Hưng Hà đẩy mạnh phát triển làng nghề
- » Tiếp tục giảm lãi suất để tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển
- » Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2020
- » Góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại Bắc Kạn
- » Thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ vay vốn ưu đãi
- » Những chuyện mừng từ đồng vốn chính sách
- » Chư Pư hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất
- » Quảng Trạch sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40