Hưng Hà đẩy mạnh phát triển làng nghề

03/01/2020
(VBSP News) Để vươn tới mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, huyện Hưng Hà (Thái Bình) đã chọn con đường phát triển công nghiệp làng nghề. Cùng với những cơ chế, chính sách mở, huyện đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Anh Hà Văn Lái ở thôn Văn Quan, xã Duyên Hải chia sẻ kinh nghiệm làm hương bằng máy

Anh Hà Văn Lái ở thôn Văn Quan, xã Duyên Hải chia sẻ kinh nghiệm làm hương bằng máy

Năm 2015, Hưng Hà là huyện đầu tiên của tỉnh Thái Bình được công nhận huyện nông thôn mới. Hiện, toàn huyện có 384 doanh nghiệp, 53 làng nghề, 4 xã nghề truyền thống như may công nghiệp, bún bánh, thủ công mỹ nghệ… Cùng với kết quả phát triển kinh tế, nghề và làng nghề ở Hưng Hà đã giải quyết việc làm thường xuyên, tạo thu nhập ổn định cho trên 32.600 lao động; đã và đang góp phần tích cực vào mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Trong đó: nông nghiệp - thủy sản chiếm hơn 20,6%; công nghiệp - làng nghề gần 60%; dịch vụ hơn 20%.
Để khuyến khích các hộ dân duy trì và phát triển ngành nghề, ứng dụng KHCN, huyện Hưng Hà đã thực hiện nhiều chính sách khuyến công, hỗ trợ như: 3 triệu đồng/1 máy dệt khăn mới, 10 triệu đồng/1 máy dệt chiếu công nghệp, 20 triệu đồng/1 máy dệt khăn công nghiệp. Toàn huyện hiện có trên 3.000 máy dệt thủ công, 800 máy dệt khăn công nghiêp…
Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà Nguyễn Văn Trường khẳng định: Nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đã góp phần tích cực, hiệu quả, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 2,3%; nhiều hộ thoát nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng. Với 400 Tổ tiết kiệm và vay vốn, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn đều được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ. Trong năm 2019 có gần 16.000 lượt hộ được vay vốn.
Thái Phương là xã có nghề dệt truyền thống với 6 thôn được công nhận làng nghề với nhiều hộ lập nghiệp thành công từ vốn vay NHCSXH. Điển hình là anh Hoàng Văn Hoan đã có điều kiện mua máy dệt; gia đình có việc làm, thu nhập ổn định. Hay chị Đinh Thị Mây ở thôn Xuân La vay vốn NHCSXH đầu tư máy dệt, thu nhập 10 triệu đồng mỗi tháng.
Sản xuất hương bằng thảo mộc (không ảnh hưởng đến môi trường như các loại hương công nghiệp) ở thôn Văn Quan, xã Duyên Hải nổi tiếng xưa nay, được mọi miền ưa chuộng, đặc biệt là các tỉnh vùng cao Tây Bắc. Năm 2013, với quyết tâm phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê hương, thông qua Hội CCB xã, anh Hà Văn Lái được vay 50 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm đầu tư mở xưởng sản xuất hương. Sau khi vay vốn NHCSXH, anh Lái đầu tư mua máy móc, thiết bị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hình thức bao bì. Những năm qua sản phẩm hương thơm thảo mộc của gia đình anh đã khẳng định được thương hiệu, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Vào thời gian cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán, anh không đủ hàng để bán.
Hiện nay, anh Lái là chủ của 3 cơ sở sản xuất hương, tạo việc làm ổn định cho 7 - 10 lao động, chủ yếu là thanh niên trong xã với mức thu nhập 45 triệu đồng/người/tháng. Anh Lái còn là thành viên tích cực của CLB thanh niên phát triển kinh tế huyện Hưng Hà. “Tôi mong muốn Nhà nước ngày càng có nhiều vốn cho vay giải quyết việc làm để những thanh niên nông thôn an cư lập nghiệp ngay tại quê nhà”, anh Hà Văn Lái tâm sự.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Các tin bài khác