Đồng vốn ưu đãi đến tay, nhà nông chăn nuôi khấm khá
Xóa nghèo từ vốn vay ưu đãi
Nhiều năm trước, gia đình anh Ngọc Văn Tỵ và vợ là chị Đinh Thị Hoan, dân tộc Mường thuộc diện hộ nghèo ở xã Thượng Long, huyện Yên Lập. Năm 2013, được NHCSXH huyện cho vay 10 triệu đồng hộ nghèo, anh chị đầu tư mua máy xay xát. Làm máy xay xát, thấy dư nhiều cám, trấu, anh chị quyết định đầu tư chăn nuôi thêm lợn, gà. Thấy nuôi gà cho hiệu quả cao hơn nuôi lợn, anh Tỵ dồn vốn đầu tư tập trung nuôi gà. Từ 50 con nay đã lên đến hơn 2.000 con gà sinh sản.
Với mong muốn vươn lên khó khăn, gây dựng kinh tế khá giả cho gia đình, năm 2016 anh Tỵ tiếp tục vay 40 triệu đồng chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để đầu tư máy ấp trứng với công suất 8.000 trứng/mẻ ấp. “Nhờ vốn vay NHCSXH, tôi chủ động việc sản xuất giống gà. Cứ 3 ngày tôi gom được 1 khay đầy trứng cho vào máy ấp. Mỗi tháng tôi xuất bán 500 con gà giống với giá 10.000 đồng/con. Đồng thời, tôi thu về thêm 2 triệu đồng/tháng nhờ bán thịt gà ta thương phẩm”, anh Tỵ tâm sự.
Giống như gia đình anh Ty, gia đình chị Hà Thị Mức, dân tộc Mường cũng được NHCSXH cho vay vốn làm ăn. Chị Mức phấn khởi nói: “Vợ chồng tôi mới cưới nhau, vốn liếng không có nhiều nên rất cần vốn làm ăn. May mắn, năm 2018, được vay 40 triệu đồng chương trình hộ nghèo của NHCSXH. Có vốn, tôi đầu tư nuôi trâu. Tôi thấy nuôi con gì cũng tốn thức ăn, chỉ có nuôi trâu là ít tốn nhất mà ít bị rủi ro”.
Gần 700.000 lượt hộ nghèo được vay vốn
Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ, Trương Việt Phương cho biết: Đến nay, đã có 697.297 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn đầu tư SXKD, tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo. Doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh Phú Thọ đạt hơn 11.300 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt hơn 7.400 tỷ đồng.
Tính đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đạt trên 4.100 tỷ đồng, với 121.040 hộ còn dư nợ, bình quân đạt 33,94 triệu đồng/hộ. Tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,15% tổng dư nợ; cho thấy ý thức rất cao của người dân với việc sử dụng nguồn vốn ưu đãi này. Bà con nông dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào DTTS đã chủ động nguồn tài chính để mua sắm thiết bị, máy móc, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, chi phí học tập và đời sống sinh hoạt…
Nguồn vốn tín dụng chính sách từ NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã giúp 33.261 lao động được tạo việc làm; 15.076 căn nhà ở được xây mới; 96.733 HSSV có điều kiện trang trải chi phí học tập; 7.719 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; 134.867 công trình nước sạch và 134.148 công trình vệ sinh được sửa chữa, xây mới… Từ đó, đã góp phần làm giảm hộ nghèo của tỉnh từ 67.954 hộ năm 2003 xuống còn 28.667 hộ vào cuối năm 2018. |
Thu Hà/Báo NTNN
Các tin bài khác
- » Gala Cặp lá yêu thương Tết Canh Tý - Con là nắng
- » Nghiệm thu đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tự kiểm tra, khắc phục hạn chế, tồn tại sau kiểm tra của các chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh”
- » NHCSXH kỷ niệm 75 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam
- » Nghiệm thu đề tài “Giải pháp nâng cao vai trò của Chủ tịch UBND cấp xã - thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện trong thực hiện TDCSXH”
- » Mùa vàng ở Chế Tạo
- » Nông dân huyện nghèo Đam Rông phát triển sản xuất
- » Nâng tầm tín dụng chính sách xã hội trên quê lúa
- » Yên Mô phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Xã Chiến Thắng - thắng đói nghèo
- » Vốn ưu đãi giúp hàng nghìn hộ nghèo xứ Lạng thành triệu phú