Nông dân huyện nghèo Đam Rông phát triển sản xuất
Những năm qua, nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn vay của NHCSXH, mà nhiều hộ nghèo trên địa bàn có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo. Điển hình gia đình chị Liêng Hot K’Linh, ở thôn Liêng Trang II, xã Đạ Tông trước đây cũng từ một gia đình nghèo khó, sau 2 năm được NHCSXH huyện cho vay vốn 30 triệu chị đã đầu tư mua heo đen địa phương về nuôi và chăm sóc cà phê. Đến nay, gia đình chị không chỉ thoát được nghèo mà còn vươn lên làm giàu. Hiện gia đình chỉ có 2 ha cà phê, trong đó có 1 ha đã cho thu hoạch, heo đen bán giá cao nên tổng thu nhập mỗi năm của gia đình lên đến 100 triệu đồng.
Còn gia đình ông Kon Sơ Ha Tuấn ở Thôn 4, xã Đạ Long trước đây cũng nằm trong danh sách hộ nghèo của thôn. Nhưng từ năm 2009, gia đình ông được Hội Nông dân tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để mua 1 con bò sinh sản về nuôi. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, nên đều đặn mỗi năm con bò cái lại sinh thêm 1 con bê. Từ số tiền bán bê ông lại tiếp tục đầu tư mua phân bón để chăm sóc cà phê, lúa nước, bắp để nâng cao năng suất cây trồng. Ông cho biết: “Trước đây, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn, nay được Nhà nước quan tâm đầu tư nguồn vốn vay, tôi đã sử dụng nguồn vốn vay của Nhà nước để đầu tư sản xuất. Giờ thì gia đình chúng tôi kinh tế đã tạm ổn định”.
Trong hoạt động tạo vốn vay, Hội Nông dân huyện đã ký kết liên tịch với NHCSXH cho 44 tổ/ 2.117 hộ vay với số tiền 71,120 tỷ đồng, huy động tiền gửi tiết kiệm qua các tổ vay vốn là 1,852 tỷ đồng.
Chỉ riêng thông qua Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân quản lý 12 tổ/280 khách hàng vay với tổng dư nợ 33,496 tỷ đồng.
Đến nay, trong toàn huyện có 40 Chi hội Nông dân xây dựng được quỹ với tổng số tiền là 426 triệu đồng. Đồng thời, Hội Nông dân đã tích cực vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân và đến nay tổng nguồn quỹ do Hội Nông dân huyện quản lý 2,873 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn Trung ương Hội ủy thác cho vay 500 triệu đồng, vốn vay ủy thác của Hội Nông dân tỉnh 1,570 tỷ đồng, nguồn vốn của huyện 803 triệu đồng) giúp cho 94 hộ vay thực hiện 17 dự án phát triển kinh tế.
Thông qua thực hiện ủy thác, một số hộ vay vốn đầu tư xây dựng mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế như: mô hình trồng rau sạch 40 ha trong đó 10 ha nhà kính ở Phi Liêng, Đạ K’Nàng, Đạ Rsal; mô hình chanh không hạt ở xã Liêng Srônh; mô hình VAC, nuôi bò, heo rừng, hươu sao, cam sành, sầu riêng, bưởi của ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Đạ Rsal thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm; mô hình cà phê, trồng dâu nuôi tằm ở Đạ K’Nàng, Đạ M’Rông, Liêng Srônh; chuối La ba 100 ha tại Đạ K’Nàng…
Nhờ nguồn vốn, nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi đưa vào thử nghiệm và nhân rộng các loại cây, con mới, góp phần đa dạng hóa sản xuất, phát triển các ngành nghề, dịch vụ mới trong kinh tế nông thôn. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn kết hợp sản xuất nông nghiệp và kinh doanh dịch vụ. Để từ đó, xuất hiện những mô hình và những tấm gương nông dân đổi mới tư duy sản xuất, dám nghĩ, dám làm, phát huy lợi thế của địa phương, khai thác mọi tiềm năng để phát triển những mô hình sản xuất có hiệu quả; trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi, điển hình.
Ông Ngô Xuân Diện - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, bên cạnh cho vay trực tiếp, Quỹ Hỗ trợ nông dân còn thực hiện cho vay các nguồn vốn ủy thác của Nhà nước và các ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hội Nông dân huyện đã xây dựng kế hoạch huy động vốn, nhằm đạt mức tăng trưởng nguồn vốn hàng năm trên 20% để đáp ứng tốt hơn nhu cầu vốn của bà con nông dân trong thời gian tới. Vốn tín dụng chính sách đã tạo điểm tựa giúp cho nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên trong sản xuất và đời sống, hạn chế tín dụng đen; giảm bớt tình trạng cho vay nặng lãi, bán non sản phẩm nông nghiệp; giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, hướng đầu tư, biết tính toán lợi ích kinh tế mà đồng vốn mang lại, tiết kiệm trong tiêu dùng. Từ đó, góp phần tham gia cùng huyện thực hiện giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2019 từ 19,22% xuống còn 12,17% (giảm 7,05%, thoát nghèo 889 hộ). Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực để người nông dân tổ chức lại sản xuất đạt hiệu quả cao, nhằm nâng cao đời sống cho nông dân là động lực, điều kiện để thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới.
Hàng năm đã có gần 75% hộ nông dân đăng ký được công nhận là nông dân SXKD giỏi với gần 3.000 hộ thu nhập hàng năm hàng trăm triệu đồng/hộ. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn của Chương trình 30a, đã có 5.705 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào DTTS của huyện được hỗ trợ hàng trăm tấn phân bón, hàng chục ngàn cây giống, con giống…
Bài và ảnh Phong Vân
Các tin bài khác
- » Nâng tầm tín dụng chính sách xã hội trên quê lúa
- » Yên Mô phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Xã Chiến Thắng - thắng đói nghèo
- » Vốn ưu đãi giúp hàng nghìn hộ nghèo xứ Lạng thành triệu phú
- » Vốn chính sách lan tỏa ở những vùng khó khăn của Bình Thuận
- » Tín dụng chính sách kề vai, sát cánh hộ nghèo
- » Hỗ trợ hộ nghèo an cư lạc nghiệp
- » Tín dụng chính sách xã hội bứt phá từ tâm thế mới
- » Bắc Ninh tiếp sức cho cho những đam mê khởi nghiệp
- » Tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách