Tập trung nguồn lực thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách
Kể từ khi có Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), tổng nguồn vốn của NHCSXH TP Đà Nẵng đã đạt trên 2200 tỷ đồng, tăng 941 tỷ đồng so với năm 2014, trong đó nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 822 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 38%, tăng 731,6 tỷ đồng.
Giám đốc NHCSXH TP Đà Nẵng Đoàn Ngọc Chung cho biết, từ khi Chỉ thị số 40 ra đời, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể trên địa bàn thành phố đã thực sự quan tâm đến mọi hoạt động của tín dụng chính sách xã hội. Đó là việc thường vụ Thành ủy kịp thời ban hành công văn chỉ đạo và kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 40; UBND các cấp đã trích ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH 169,3 tỷ đồng, đảm bảo đủ nguồn lực để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo mức chuẩn nghèo mới do HĐND thành phố đề ra. Chính quyền cơ sở cũng tạo điều kiện cơ sở vật chất như hội trường, bàn ghế, đất đai để xây dựng trụ sở làm việc, đặt Điểm giao dịch xã của NHCSXH tại xã, giúp cho việc phục vụ người nghèo vay vốn chính sách nhanh chóng, thuận tiện.
Trong 05 năm qua, nhờ có Chỉ thị số 40, NHCSXH TP Đà Nẵng được các cấp ngành tại địa phương tăng thêm nguồn lực nên đã chuyển giao kịp thời dòng vốn về đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần giảm rõ rệt tỷ lệ nợ quá hạn còn có 0,22% nợ khoanh là 0,01%/tổng dư nợ. Các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước cũng được các cấp, các ngành tập trung vào một đầu mối là NHCSXH. Song song với thực hiện phương thức cho vay ủy thác trực tiếp thông qua 224 cấp hội đoàn thể và mạng lưới 56 Điểm giao dịch của NHCSXH trải rộng khắp thành phố xuống tận các xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận tới đồng vốn ưu đãi của Nhà nước.
Điển hình ở Hòa Vang, huyện ngoại thành duy nhất của TP Đà Nẵng trong giai đoạn 2014 - 2019, Ban thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo UBND các xã, ngành, đoàn thể chuyển một phần nguồn vốn bổ sung sang NCHSXH để tập trung nguồn lực cho vay các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tính đến nay, sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40, nguồn vốn hoạt động của NHCSXH huyện Hòa Vang đạt trên 410 tỷ đồng, tăng 223,6 tỷ đồng so với cuối năm 2014, trong đó nguồn vốn địa phương ủy thác điều chuyển cân đối là 95 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Trường - Bí thư huyện Hòa Vang cho biết: Việc đưa Chỉ thị số 40 vào cuộc sống được xem là bước đột phá trong chính sách giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đòi hỏi phải tập trung huy động nguồn lực, trong đó lấy nguồn vốn tín dụng chính sách làm nòng cốt. Nhờ vậy, nguồn vốn chính sách trên địa bàn huyện Hòa Vang đã phát huy, hỗ trợ thiết thực người nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội đầu tư SXKD, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống.
Gia đình ông Đinh Văn Nhơn, dân tộc Cơ Tu, ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú đã vay vốn NHCSXH huyện Hòa Vang để đầu tư nuôi bò sinh sản. Nhờ chịu khó chăm sóc và áp dụng KHKT, sau 3 năm gia đình ông đã thoát khỏi danh sách hộ nghèo, trả hết nợ vay. Đầu năm 2019, ông Nhơn lại được NHCSXH huyện cho vay tiếp 50 triệu đồng để làm chuồng trại kiên cố, mua thêm con giống tốt mở rộng cơ sở chăn nuôi. Hiện nay, đàn bò nhà ông Nhơn phát triển thành 8 con. Không chỉ nuôi bò làm sức kéo, ông còn chủ động cải tạo vườn tạp, áp dụng kỹ thuật vào trồng 4 sào rau sạch và quây lưới nuôi 200 con gà thịt, thu nhập bình quân đạt gần 100 triệu đồng/năm.
Cũng được vay vốn NHCSXH như ông Nhơn, bà Mai Thị Kim Hoa ở thôn 1, xã Hòa Ninh đã trồng, chăm sóc tốt 2ha rừng keo, 03 con heo nái, thu nhập 40 triệu - 50 triệu đồng/năm; từ đó, gia đình anh vươn lên thoát nghèo. Hay như gia đình ông Nguyễn Ngọc Nhị ở thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh cũng sử dụng vốn vay ưu đãi ủy thác của Hội nông dân đầu tư xây dựng trại gà giống, 3 dẫy chuồng chim bồ câu, trồng 500 cây chuối và đu đủ, hàng tháng cung cấp hàng chục tấn thực phẩm, trái cây sạch cho các trường học trên thành phố, đến nay kinh tế gia đình đã khấm khá, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động tại chỗ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ hỗ trợ cho nhiều hộ giải quyết việc làm, thoát nghèo bền vững mà đã góp phần thay đổi hẳn bộ mặt nông thôn ngoại ô TP Đà Nẵng trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tất cả các xã ở huyện Hòa Vang đã hoàn thành đầy đủ các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tiêu biểu ở Hòa Sơn tuy không phải là xã điểm của chương trình về xây dựng NTM nhưng lại trở thành một trong số xã đầu tiên về đích trước thời gian xây dựng nông thôn mới. Với một địa phương chủ yếu làm nông nghiệp, lâm nghiệp và chăn nuôi nhưng nhờ gần 40 tỷ đồng nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH đã giúp người dân nơi đây chủ động phát triển các mô hình sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai. Hiện, toàn xã Hòa Sơn có 1.338 lượt hộ được vay vốn ưu đãi đầu tư trồng rừng, thâm canh rau màu, phát triển đàn gia súc, gia cầm. Nhiều gia đình đã sử dụng vốn vay chương trình giải quyết việc làm đầu tư sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, đạt thu nhập 300 triệu đồng/năm.
Đồng chí Võ Công Trí - Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, Chỉ thị 40 là giải pháp rất sáng tạo, mang tính nhân văn sâu sắc. Việc thực hiện Chỉ thị số 40 tại Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả tính cực, điều đó sáng tỏ được hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Người nghèo và các đối tượng khác được vay vốn và thụ hưởng chính sách và nhiều hộ dân không những thoát nghèo mà còn giàu lên. Qua khảo sát cho thấy tất cả các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi kinh tế phát triển khá, phát huy được hiệu quả, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, góp phần đẩy lùi tín dụng phi chính thức.
Phát huy kết quả đạt được, TP Đà Nẵng tiếp tục tập trung chỉ đạo và tăng cường hơn nữa các giải pháp triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội; trong đó, chú trọng hiệu quả công tác tuyên truyền nội dung Chỉ thị số 40 trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và triển khai thực hiện, kết hợp kiểm tra, giám sát hàng năm, tổ chức tổng kết đánh giá kết quả triển khai. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng trong việc tập trung các nguồn lực từ ngân sách, gắn kết có hiệu quả với phát triển dịch vụ, thương mại, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững, giúp người dân ổn định đời sống, phấn đấu vươn lên làm giàu cho gia đình, cho xã hội.
Với sự ra đời của Chỉ thị số 40, thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Đà Nẵng giúp 114.789 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần giảm 6.946 hộ nghèo năm 2015, Đề án giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản về đích trước 2 năm giúp 20.293 hộ thoát nghèo. Đồng thời, tạo việc làm mới cho hơn 39.000 lao động; gần 8.000 HSSV được vay vốn để trang trải chi phí học tập; cho vay xây dựng hơn 24.000 công trình NS&VSMTNT được xây mới, cải tạo, nâng cấp giúp cải thiện môi trường sống cho người dân ở huyện Hòa Vang; 261 lượt hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn xây dựng nhà ở, phòng tránh bão, lụt khu vực miền Trung ở huyện Hòa Vang… |
Đông Dư
Các tin bài khác
- » Yên Mô phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Xã Chiến Thắng - thắng đói nghèo
- » Vốn ưu đãi giúp hàng nghìn hộ nghèo xứ Lạng thành triệu phú
- » Vốn chính sách lan tỏa ở những vùng khó khăn của Bình Thuận
- » Tín dụng chính sách kề vai, sát cánh hộ nghèo
- » Hỗ trợ hộ nghèo an cư lạc nghiệp
- » Tín dụng chính sách xã hội bứt phá từ tâm thế mới
- » Bắc Ninh tiếp sức cho cho những đam mê khởi nghiệp
- » Đà Bắc đổi thay từng ngày nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Chuyện những “Cặp lá yêu thương” ở Bạc Liêu