Đà Bắc đổi thay từng ngày nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách

02/12/2019
(VBSP News) Các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước đã giúp những hộ đồng bào DTTS huyện Đà Bắc (Hòa Bình) ngày càng ổn định cuộc sống. Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm 2019, NHCSXH huyện Đà Bắc đã giúp gần 7 nghìn lượt hộ vay vốn với tổng nguồn vốn đạt hơn 205 tỷ đồng để phát triển sản xuất, triển khai nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

 

Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH giúp bà con nông dân huyện Đà Bắc yên tâm sản xuất và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình

Nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH giúp bà con nông dân huyện Đà Bắc yên tâm sản xuất và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình

Phó Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc Bùi Thị Hiệu cho biết, nguồn vốn ưu đãi trên vùng núi cao này luôn được bảo toàn và không ngừng tăng trưởng. Hàng năm, nguồn vốn trung ương và nguồn vốn ngân sách được địa phương được tập trung và chuyển hết sang đầu mối là NHCSXH. Đến nay, tổng nguồn vốn của NHCSXH huyện đạt trên 350 tỷ đồng, tăng 88 tỷ đồng so với cuối năm 2014, trong đó vốn cho vay hộ nghèo 237 tỷ đồng với hơn 4.800 hộ còn dư nợ; mức vay bình quân 27 triệu đồng/hộ.
Việc tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách rất có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội huyện Đà Bắc từng bước phát triển; tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm giảm dần. Hiện, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 32%.
Cùng với việc tập trung huy động nguồn lực và tổ chức cho vay kịp thời đúng đối tượng, NHCSXH huyện Đà Bắc tăng cường rà soát kiểm tra hoạt động ủy thác của các hội, đoàn thể địa bàn, các Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn bản, các Điểm giao dịch tại xã.
Tiêu biểu về Hội Cựu chiến binh huyện Đà Bắc đã trở thành “cầu nối” dẫn 69 tỷ đồng vốn ưu đãi của Nhà nước về khắp nơi trong toàn huyện, hỗ trợ hàng nghìn hội viên nghèo chủ động vào mùa vụ sản xuất, cải thiện cuộc sống, giảm nghèo, bền vững. Đơn cử gia đình ông Bàn Văn Sàng ở xã Mường Chiêng đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay chính sách do Hội CCB ủy thác để đầu tư, cải tạo ruộng lúa trũng thành 6 sào ao nuôi cá trắm, trôi, mè; xây chuồng trại kiên cố nuôi 10 con lợn nái, 30 con lợn thịt cùng hơn 400 con vịt đẻ và 100 con gà thịt. Hàng năm, sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình trang trại đã đem về cho gia đình ông nguồn thu 200 triệu đồng/năm.
Cũng ở huyện Đà Bắc, ông Nguyễn Văn Dũng ở xã Tu Lý trở về sau nhiều năm tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới. Với tinh thần: “Trước thắng giặc, nay quyết thắng nghèo”, ông Dũng động viên bà con vay vốn chính sách, chung sức xây dựng mô hình HTX trồng và chế biến chè đặc sản. Với hình thức quản lý là máy móc sao, sấy chè giao xuống tận gia đình xã viên, nguyên liệu chè búp tươi tại chỗ HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm… Nhờ vậy, cơ sở làm ăn tấn tới, mỗi năm cung ứng cho đối tác khoảng 400 tấn chè búp nguyên liệu, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng/người. “Nhờ tham gia HTX và sử dụng vốn vay chính sách hợp lý nên nhiều gia đình có được kinh tế khá giả, thoát hết nghèo khó”, ông Dũng vui vẻ nói.
Không khó bắt gặp những hộ dân xã Vầy Nưa đã thay đổi cuộc sống gia đình từ việc sử dụng đồng vốn tín dụng chính sách để đầu tư, khai thác các thế mạnh về trồng trọt, chăn nuôi đại gia súc, thủy sản. 05 năm qua, số hộ nuôi cá lồng cũng như số lượng lồng cá của xã Viềng Nưa tăng nhanh, hiện là 210 hộ với 450 lồng cá, sản lượng 30 tấn cá/lồng.
Ông Đinh Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa cho biết: Nguồn vốn chính sách cơ bản giải quyết được yêu cầu bức thiết đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Sau khi được vay vốn, các gia đình đều sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, từng bước cải thiện nâng cao đời sống, trả nợ, nộp lãi đúng quy định.
Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Phát huy kết quả đạt được, NHCSXH huyện Đà Bắc tiếp tục bám sát chỉ tiêu kế hoạch được giao, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, các hội, đoàn thể tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, đồng thời nhân rộng những mô hình sản xuất giỏi, những gương điển hình trong thực hiện tín dụng chính sách, góp phần thiết thực phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cùng chương trình giảm nghèo bền vững trên vùng núi cao Đà Bắc.

Nguyễn Đông

Các tin bài khác