Xã Chiến Thắng - thắng đói nghèo

11/12/2019
(VBSP News) Hàng năm, mỗi độ đông về là đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao... trên quê hương Bắc Sơn (Lạng Sơn) lại tất bật mùa thu hái quýt vàng - đặc sản nổi danh của xứ Lạng. Trước đây, sống dựa vào cây lúa, cây ngô, sản xuất tự cung, tự cấp giao thông đi lại khó khăn, thiếu vốn, thiếu kiến thức cây quýt vàng Bắc Sơn bị “bỏ quên”.

Ông Đặng Văn Lương chăm sóc vườn quýt gia đình

Ông Đặng Văn Lương chăm sóc vườn quýt gia đình

 

Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Bắc Sơn liên tục mở các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT đến tận hộ nông dân. Huyện quyết tâm, có NHCSXH đồng hành, Bắc Sơn đã đánh thức cây quýt vàng - một tiềm năng lớn phát triển kinh tế hàng hóa, xóa nghèo bền vững. Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Bắc Sơn Hoàng Văn Thủy, cho biết: Hiện nay, Bắc Sơn có hơn 490ha quýt, trong đó diện tích cho sản phẩm là 362ha, sản lượng 1.500 tấn/năm, mang v cho huyện nghèo vùng cao hơn 40 tỷ đồng/năm.

Chiến Thắng là một trong 9 xã trồng nhiều quýt ở Bắc Sơn. Ông Dương Hữu Đoan ở thôn Lân Vi, chia sẻ: Được NHCSXH cho vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi. 15 năm trở lại đây, ông đã mạnh dạn đem cây quýt về trồng ở mương, bãi, ruộng. Đến nay, gia đình có 500 cây quýt, sản lượng bình quân 10 tấn/năm, với giá bán 25 nghìn đồng/kg, thu về cả trăm triệu đồng. Ngoài quýt vàng Bắc Sơn, ông Đoan còn trồng hàng trăm cây bưởi Diễn, bưởi da xanh và 1ha cam.

Học tập kinh nghiệm của gia đình ông Đoan, nhiều hộ dân ở xã Chiến Thắng được vay vốn ưu đãi đã “hạ sơn” đưa cây quýt về trồng ở mương, bãi, vườn, ruộng. Anh Phan Văn Hiền ở thôn Hồng Phong 4, tâm sự: Trong lúc đang tìm hướng thoát nghèo, tôi được Hội Nông dân tư vấn và được NHCSXH cho vay 30 triệu đồng. Có vốn, tôi đầu tư mở rộng diện tích vườn quýt, nâng cấp chuồng trại chăn nuôi. Để nâng cao hiệu quả kinh tế, gia đình tham gia mô hình sản xuất quýt theo tiêu chuẩn VietGAP, được cơ quan chuyên môn trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật và tập huấn; nhà nước hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt, gồm téc nước, đường ống, địa điểm bán hàng, biển báo.. Từ đó, gia đình có thêm điều kiện mở rộng, phát triển sản xuất. Đến nay, tôi có 400 cây quýt, trong đó 300 cây đã cho thu hoạch. Năm nay, thu nhập từ quýt dự đoán khoảng 200 triệu đồng.                        

Theo PBí thư Đảng ủy xã Chiến Thắng, Hoàng Quang Phiệt, toàn xã có gần 90ha quýt, trong đó có 37 hộ với diện tích khoảng 35ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2017, các hộ trồng quýt còn kết hợp phát triển dịch vụ du lịch sinh thái, mỗi ngày thu hút hàng trăm lượt khách tham quan. Hiệu quả kinh tế từ cây quýt ngày càng cao, diện tích trồng được mở rộng. Cây quýt trở thành cây chủ lực trong giảm nghèo.                  

Chiến Thắng không chỉ nổi tiếng với cây quýt vàng đặc sản, cách đây 5 năm, một số hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi mô hình chăn nuôi gia súc từ chủ yếu thả rong ở các bãi cỏ, bìa rừng, sang nuôi nhốt chuồng, vỗ béo. Gia đình ông Đặng Văn Lương ở thôn Hồng Phong 4 là một điển hình. Từ năm 2003, gia đình ông Lương được NHCSXH huyện cho vay 30 triệu đồng chương trình tín dụng hộ nghèo. Tôi đầu tư trồng quýt vàng Bắc Sơn. Khi cây quýt đã đứng vững, cho thu nhập đều, tìm hiểu thêm nhu cầu thị trường, học hỏi kỹ thuật chăn nuôi tôi quyết định mở rộng sản xuất nuôi trâu vỗ béo, theo phương thức nhốt chuồng. Để chủ động tạo nguồn thức ăn cho đàn trâu, gia đình trồng 1ha cỏ. Theo ông Lương, trung bình 1 con trâu nuôi nhốt vỗ béo khoảng 4 - 6 tháng thì xuất bán, sau khi trừ chi phí lợi nhuận thu được từ 15 đến 20 triệu đồng/con. Thấy hiệu quả từ nuôi trâu, bò vỗ béo, đến nay hơn 50% số hộ trong xã Chiến Thắng đang phát triển kinh tế theo hình thức này.

Tính đến nay, ông Lương có 2ha cây ăn quả, cộng thêm chăn nuôi lợn, vỗ béo trâu mỗi năm thu lãi trên 400 triệu đồng. Ông được bà con đánh giá là người sử dụng vốn vay ưu đãi hiệu quả nhất xã Chiến Thắng. Năm 2018, ông được trao tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Từ mô hình trồng cây quýt vàng, chăn nuôi trâu bò vỗ béo,gần đây phát triển du lịch sinh thái…Chiến Thắng đang từng bước thắng đói nghèo, nhiều hộ  đã và đang vươn lên làm giàu ngay trên quê hương mình. Cuối năm 2017, là xã thứ 4 của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7%; thu nhập bình quân đạt 24 triệu đồng/người/năm.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Các tin bài khác