Tín hiệu vui cho sinh viên vay vốn
Tiếp sức sinh viên khó khăn
Anh Lê Quang Bình, hiện đang làm việc tại Phòng Công tác sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, kể: “Tôi trúng tuyển vào ngành Công nghệ thông tin (hệ chất lượng cao) của trường năm 2006. Từ năm 2007, tôi đã vay 8 triệu đồng từ vốn vay HSSV của NHCSXH để trang trải một phần học phí. Ở thời điểm đó, số vốn vay đã tiếp sức cho tôi rất nhiều để an tâm học tập. Sau khi ra trường, tôi được giữ lại công tác và giờ thấy sinh viên đến làm thủ tục xác nhận để vay vốn, tôi lại nhớ đến hoàn cảnh của mình ngày ấy”.
Bà Nguyễn Thị Cảnh ở khu phố 3, phường 24, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Cách đây 10 năm, chồng tôi là viên chức với mức lương vài triệu đồng/tháng, tôi thì bán rau, chạy chợ hàng ngày để nuôi 5 đứa con ăn học. May sao, chương trình tín dụng cho vay HSSV được triển khai, đã trở thành chiếc phao cứu sinh để hai vợ chồng tôi an tâm lo cho 5 đứa con học đại học. Sau khi các con ra trường, có việc làm, vợ chồng tôi cũng đã hoàn trả số tiền vay cho NHCSXH TP Hồ Chí Minh”.
Từ năm 2007 đến nay, chương trình tín dụng cho HSSV vay vốn học tập đã rất nhiều lần được điều chỉnh để phù hợp với những biến động của thị trường. Năm 2007, mức cho vay là 800.000 đồng/tháng. Đến năm 2009, mức cho vay tăng lên 860.000 đồng/tháng từ và năm 2010, mức cho vay tối đa lên 900.000 đồng/tháng. Sang năm 2013, mức vay nâng lên 1,1 triệu đồng/tháng, đến năm 2016 tăng lên 1,25 triệu đồng/tháng, sang năm 2017 tăng lên 1,5 triệu đồng/tháng.
Đến hết ngày 31/10/2019, dư nợ của chương trình cho vay HSSV đạt trên 10.978 tỷ đồng, chiếm 5,5% tổng dư nợ với hơn 401.000 lượt khách hàng còn dư nợ. Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc cả về kinh tế, chính trị và xã hội; tạo được sự đồng thuận của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội, sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước.
Hồ hởi với mức vay mới
Kể từ ngày 01/12/2019, Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh tăng mức vay lên thành 2,5 triệu đồng/tháng, tăng 1 triệu đồng so với mức cũ. Điều này cho thấy Nhà nước đặc biệt quan tâm đến HSSV các gia đình chính sách, gia đình khó khăn.
Ngô Xuân Hiếu ở thôn 3, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng (Bình Phước) hiện là sinh viên năm 2 ngành tài chính ngân hàng của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. “Mức học phí của em hiện nay 15 triệu đồng/học kỳ (30 triệu đồng/năm). Nếu tính luôn chi phí ăn ở thì cả năm tốn đến 50 triệu đồng. 2 năm nay, do mức vay của ngân hàng chỉ 1,5 triệu đồng/tháng nên ba mẹ phải vay vốn từ hội đồng hương và trả góp hàng tháng. Nay, mức vay mới được tăng lên đến 2,5 triệu đồng/tháng, em sẽ làm thủ tục vay, trang trải học phí. Còn phần tiền ăn, ở có thể tự xoay xở vì em tranh thủ đi làm thêm ở tiệm photo của trường”, Xuân Hiếu tâm sự.
Em Trần Uyển Nhi ở huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng), sinh viên năm 2 ngành đảm bảo an toàn thực phẩm - Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cũng vui mừng với thông tin trên. Uyển Nhi nói: “Do là trường công lập tự chủ nên học phí của em hiện nay hơn 20 triệu đồng/năm. Ba mẹ thì làm nông nên từ khi em vào đại học thì kinh tế gia đình gặp khó khăn. Nghe mức vay mới lên đến 25 triệu đồng/năm thật sự em rất mừng và hy vọng với điều kiện hiện nay, nếu được chính quyền xét duyệt diện khó khăn thì vấn đề học phí những năm còn lại ba mẹ em cũng đỡ lo phần nào”.
Mức cho vay tín dụng này phù hợp với mức học phí hiện tại của nhiều trường và giúp sinh viên an tâm về học phí. Điều đáng mừng là mức lãi suất vẫn được giữ ổn định 0,5%/tháng, cũng như thời hạn trả lãi và nợ gốc không quá 12 tháng, sau khi người học ra trường.
Thạc sỹ Đặng Kiên Cường - Trưởng phòng Công tác sinh viên - Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, cho hay: Trong năm học 2018 - 2019, có 1.304 sinh viên xin giấy xác nhận là sinh viên đang học tại trường để làm thủ tục vay vốn. Từ tháng 9/2019 đến nay, đã có 527 sinh viên xin giấy xác nhận. Với thông tin mức vay được điều chỉnh lên 2,5 triệu đồng/tháng (tương đương 25 triệu đồng/năm), sắp tới sinh viên sẽ có nhu cầu vay rất lớn.
Đại diện Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh thông tin, năm 2017 và 2018, nhà trường có hơn 7.000 sinh viên xin giấy xác nhận, từ tháng 9 đến nay có gần 3.000 sinh viên. Hiện nhu cầu vay vốn của sinh viên rất lớn, cho thấy vẫn còn nhiều sinh viên diện khó khăn, có nhu cầu vay vốn để học tập. Với mức vay mới được điều chỉnh, dự báo sẽ thu hút sự quan tâm rất lớn của sinh viên.
Thanh Hùng
Các tin bài khác
- » NHCSXH tổ chức khóa đào tạo “Chuyển đổi công nghệ số cho các tổ chức tài chính”
- » Hiệu quả từ chính sách tín dụng cho hộ nghèo
- » Không để ai bị bỏ lại phía sau!
- » Kiên trung vượt “bão”
- » Lực đẩy từ nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Chắp cánh cho tuổi trẻ bay xa
- » Tăng mức tín dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lên 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV
- » “Điểm tựa” tín dụng cho người nghèo
- » Nguồn lực quan trọng cho an sinh xã hội
- » Phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn chính sách xã hội