Lực đẩy từ nguồn vốn tín dụng chính sách
Trước đây, gia đình anh Hoàng Văn Hòa ở thôn Khau Pưởng, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gia đình chủ yếu là trồng trọt và nuôi lợn. Do thiếu vốn nên gia đình anh không có điều kiện để mở rộng chăn nuôi, vườn cây ăn quả cũng không được cải tạo, chăm sóc nên hiệu quả không cao. Từ khi được thụ hưởng chính sách từ chương trình giảm nghèo, với 10 con lợn giống hỗ trợ của xã và 30 triệu đồng tiền vốn vay ưu đãi của NHCSXH, gia đình anh đã chăn nuôi hiệu quả, năm 2018 xuất được 3 lứa lợn, thu gần 60 triệu đồng. Năm 2019 gia đình anh đã mua thêm hơn 20 con lợn để chăn nuôi, cố gắng phấn đấu phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Tương tự như vậy, hộ gia đình anh Đặng Văn Sồi, dân tộc Dao ở thôn Làng Han, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ đã mạnh dạn vay vốn 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện để đầu tư mô hình cây ăn quả ổi, cam. Mô hình này đến nay đang phát huy hiệu quả, trong vụ thu hoạch đầu tiên (năm 2018) đã mang lại thu nhập cho gia đình anh Sồi hơn 30 triệu đồng.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quảng Ninh đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã coi công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Từ việc nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai tín dụng chính sách, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Đồng thời tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động, bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách gắn với chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Đặc biệt, nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu của Quảng Ninh trong việc đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, NHCSXH tỉnh đã tạo điều kiện cho hàng trăm nghìn lượt hộ dân tại 17 xã và 54 thôn đặc biệt khó khăn vay vốn phát triển sản xuất. Phần lớn trình độ của người dân các xã, thôn, bản thuộc diện đặc biệt khó khăn còn hạn chế nên ngân hàng đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn, đoàn thể nhận uỷ thác hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, giải ngân nhanh chóng, kịp thời các nguồn vốn được phân khai. Đồng thời, phối hợp cùng Ban đại diện HĐQT địa phương tham gia tư vấn phát triển sản xuất; hướng dẫn các hộ dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; triển khai các mô hình kinh tế phù hợp để bà con áp dụng.
Trong giai đoạn 5 năm (2014 - 2019), NHCSXH tỉnh đã cho 154.407 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, đạt 4.871 tỷ đồng. Tổng dư nợ đến 30/6/2019 đạt trên 2.867 tỷ đồng, dư nợ tăng 1.220 tỷ đồng so với thời điểm năm 2014. Có 6/18 chương trình tín dụng lớn, chiếm tới trên 95%/tổng dư nợ như: Cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay giải quyết việc làm; cho vay hộ cận nghèo; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó; hộ nghèo.
Sau 5 năm, cùng với nhiều nguồn lực khác, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho 16.705 hộ gia đình thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 25.000 lao động có việc làm và thu nhập ổn định; 2.484 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập; xây dựng, sửa chữa nâng cấp trên 52.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây dựng mới 1.196 căn nhà cho hộ nghèo, 88 hộ gia đình người lao động có thu nhập thấp được vay vốn nhà ở xã hội để xây dựng mới và sửa chữa các ngôi nhà để ở khang trang, đảm bảo an toàn.
Thời gian tới, để nguồn vốn tín dụng ưu đãi được các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp tục được sử dụng hiệu quả, NHCSXH tỉnh Quảng Ninh phối hợp với các hội, đoàn thể tăng cường chỉ đạo, kiểm tra công tác ủy thác cho vay tại cấp huyện, cấp xã và kiểm tra hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn; tình hình sử dụng vốn của người vay, xử lý kịp thời các tồn tại vướng mắc tại đơn vị. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách tín dụng đến người dân; tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ hội, đoàn thể các cấp tham gia công tác quản lý vốn.
Bài và ảnh Hoài Anh
Các tin bài khác
- » Chắp cánh cho tuổi trẻ bay xa
- » Tăng mức tín dụng cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn lên 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV
- » “Điểm tựa” tín dụng cho người nghèo
- » Nguồn lực quan trọng cho an sinh xã hội
- » Phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn chính sách xã hội
- » Tăng hộ khá, giảm hộ nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
- » Đòn bẩy xóa nghèo ở xã Tam Kim
- » THÔNG BÁO VỀ VIỆC LỰA CHỌN TỔ CHỨC BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN
- » Đồng Tháp giảm nghèo nhanh, bền vững từ nguồn vốn chính sách
- » Nam Định tạo dấu ấn tín dụng chính sách trong xây dựng nông thôn mới