Nam Định tạo dấu ấn tín dụng chính sách trong xây dựng nông thôn mới
Trong 05 năm qua, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) đã thực sự đi sâu vào cuộc sống của người dân tỉnh Nam Định. Thông qua NHCSXH và các hội, đoàn thể nhận ủy thác, đã có 190 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận thuận lợi với 4.686 tỷ đồng vốn ưu đãi của Nhà nước; 6.700 lao động thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ học nghề với tổng kinh phí gần 165 tỷ đồng, 338 nghìn lượt hộ nông, ngư có mức sống trung bình được hỗ trợ từ 50% chi phí mua bảo hiểm y tế với tổng kinh phí 295 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi được chuyển tải kịp thời đến 100% xã, phường, thị trấn ở Nam Định, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 2,41%. Tín dụng chính sách đã chung tay giúp Nam Định cùng với Đồng Nai là 1 trong 2 tỉnh đầu tiên trên cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; trong đó, huyện Hải Hậu đạt chuẩn nông thôn mới sớm 1 năm so với kế hoạch và đang bắt tay xây dựng mô hình điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu “sáng, xanh, đẹp, phát triển bền vững” giai đoạn 2019 - 2025.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Nam Định, Trần Duy Hưng cho biết: Thời gian qua, các cán bộ tín dụng chính sách luôn sát cánh cùng người nghèo và các đối tượng chính sách, tập trung huy động được nguồn vốn lớn tại chỗ đồng thời thực hiện khá tốt các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, đảm bảo chuyển tải kịp thời đầy đủ nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển SXKD, từng bước cải thiện đời sống và nâng cao trình độ dân trí.
Ngoài nguồn vốn cân đối từ Trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương các cấp ủy thác, NHCSXH tỉnh Nam Định đã tập trung chỉ đạo các đơn vị chủ động đẩy mạnh huy động vốn tại địa phương. Theo đó, NHCSXH các địa phương tích cực triển khai, áp dụng đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh huy động bổ sung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Ngay từ đầu năm 2019, NHCSXH tỉnh đã phân giao chỉ tiêu cụ thể tới từng đơn vị cấp huyện, chỉ đạo các đơn vị hoàn thành mục tiêu đề ra và đưa nội dung này vào phát động thi đua. Đối với nhiệm vụ huy động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn, chỉ tiêu giao tăng trong năm là 22 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần năm trước. Để tiếp tục đưa hoạt động huy động tiền gửi tiết kiệm của tổ viên tại Điểm giao dịch xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn đi vào nề nếp, NHCSXH thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân trên địa bàn nói chung và các Tổ tiết kiệm và vay vốn nói riêng thông qua hệ thống các cơ quan truyền thông; lồng ghép vào các hội nghị của xã, thôn, tổ dân phố, nhất là các buổi sinh hoạt, giao dịch hằng tháng của ngân hàng tại các xã, thị trấn. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến cách thức gửi tiền tại các Điểm giao dịch xã và thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, cách thức đăng ký mở tài khoản tiền gửi, lãi suất tiền gửi, phương thức ủy nhiệm thực hiện nghiệp vụ tiền gửi cho Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn,… Với những mục tiêu, giải pháp cụ thể, phù hợp trong việc huy động tiền gửi sẽ giúp NHCSXH tỉnh Nam Định có thêm nguồn lực tại chỗ để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
Cùng với giải pháp tạo nguồn vốn tại chỗ, mạng lưới 3.500 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn, xóm, nguồn vốn ưu đãi đã chuyển tải kịp thời đến 137 nghìn lượt khách hàng với số tiền 4.686 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2019, tổng dư nợ tín dụng chính sách toàn tỉnh Nam Định đạt 3.024 tỷ đồng, tăng 946 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị số 40.
Đáng kể đến là việc tín dụng chính sách của NHCSXH góp phần thực hiện các tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Nam Định, tạo dấu ấn đẹp, giúp huyện Hải Hậu chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện tại, tổng dư nợ tín dụng chính sách ở Hải Hậu đạt gần 550 tỷ đồng; trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng nông thôn mới là trọng điểm của huyện, góp phần hỗ trợ vùng đất biển về đích trước hạn. Nhiều gia đình đã sử dụng vốn vay ưu đãi xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, khôi phục mở mang ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Gia đình bà Lâm Thị Huệ ở xóm 7, xã Hải Quang là một trong những điển hình. Cách đây 4 năm, nhà bà Huệ được vay 50 triệu đồng hộ cận nghèo. Có vốn, ông bà đào ao thả cá, cải tạo chân ruộng trũng thành vườn trồng 10 nghìn cây đinh lăng, để mỗi năm đánh bắt 15 tấn cá trôi, trắm, mè hoa và thu hàng chục tấn sản phẩm từ 5 mẫu vườn đinh lăng, bán được giá, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Hay như ông Đỗ Văn Luyến ở xóm 19, xã Hải Anh được NHCSXH huyện Hải Hậu cho vay 300 triệu đồng, ông đã đầu tư nâng cấp nhà xưởng, mua thêm máy đục hoa văn, phát triển nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ. Đến nay, cơ sở của ông rộng 400m2 và tạo việc làm ổn định cho 50 lao động trong vùng có mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng.
Có thể khẳng định, cùng các chính sách hỗ trợ và nguồn lực khác của Trung ương, địa phương, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thiết thực làm cho tỉnh Nam Định hoàn thành Đề án giảm nghèo và 100% số xã, thị trấn cùng 10/10 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, về đích sớm trước thời gian.
Phát huy thành tích đạt được, NHCSXH tỉnh Nam Định tiếp tục làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đổi mới phương thức đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm, ưu tiên tăng lượng vốn cho hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm nhằm góp phần đắc lực trong công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2019 - 2025.
Bài và ảnh Hoàng Thủy
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO VỀ VIỆC LỰA CHỌN TỔ CHỨC BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN
- » Đồng Tháp giảm nghèo nhanh, bền vững từ nguồn vốn chính sách
- » Có vốn làm ăn, dân Chợ Mới mau khấm khá
- » Vượt khó trên vùng đất dốc
- » Ở nơi địa phương cùng Chính phủ giúp người nghèo
- » Cặp lá yêu thương về với vùng đất Văn Hiến
- » Tín dụng chính sách chung tay xây dựng nông thôn mới
- » Động lực mới giúp Hà Tĩnh giảm nghèo bền vững
- » Chủ trương của Đảng, ý nguyện của dân (Bài cuối - Bài học kinh nghiệm từ cơ sở)
- » Quỹ Châu Á khảo sát, đánh giá dự án Mobile banking giai đoạn 2