Chắp cánh cho tuổi trẻ bay xa

26/11/2019
(VBSP News) Nếu không có chương trình tín dụng HSSV, chắc chắn tụi trẻ sẽ lại rơi vào cảnh làm thuê, làm mướn như cha mẹ chúng; sẽ không có việc làm, không thu nhập, cuộc sống sẽ là những ngày dài bấp bênh, nghèo đói... Đó là tâm sự của cha mẹ những HSSV có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Tĩnh. Với họ, nguồn vốn vay là cứu cánh, là bệ đỡ cho cả một thế hệ bay cao, bay xa!
Nguồn vốn vay HSSV đã tiếp sức cho hơn 2.800 lượt con em Hà Tĩnh đến trường

Nguồn vốn vay HSSV đã tiếp sức cho hơn 2.800 lượt con em Hà Tĩnh đến trường

Viết tiếp giấc mơ của cha
Từng là sinh viên văn khoa, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1984, nhưng ông Nguyễn Văn Truyền ở xóm Đại Liên, xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đành gác lại việc học tập bởi cha mẹ quá nghèo, không thể cho ông thỏa giấc mơ trên giảng đường. Kể từ đó đến nay, hơn 30 năm vất vả ông Truyền cũng chỉ đủ sức gây dựng một mái ấm đạm bạc với 3 người con đang tuổi ăn học. “Cái nghèo cứ lẩn quất mãi bên chân, đất đai không có, chỉ trông vào làm thuê, chăn nuôi, đắp đổi qua ngày”, ông Truyền bắt đầu câu chuyện.
Ngồi nhớ về qua khứ, ông Truyền vẫn tiếc lắm. Tiếc vì không có cơ hội trở thành cử nhân văn khoa. “Nhưng đời ông vẫn may mắn khi 3 đứa con được học hành đến nơi đến chốn. Cô con út giống cha và cũng là đứa hiểu cha nhất nên nó đã thay ông ấy viết tiếp giấc mơ dang dở, trở thành cô giáo dạy văn”, vợ ông Truyền tiếp lời.
Quả thật, nhìn ngôi nhà cấp 4 đơn sơ, chúng tôi hiểu, nếu không có những khoản vay từ chương trình tín dụng HSSV của NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh, chắc chắn tụi trẻ sẽ lại rơi vào cảnh làm thuê, làm mướn như cha mẹ chúng. Gia đình ông Truyền mới thoát nghèo, đang dư nợ tại NHCSXH huyện Đức Thọ 117 triệu đồng chương trình HSSV và 50 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo. “Dù chúng tôi mới trả được 33 triệu đồng chương trình tín dụng HSSV nhưng đàn nghé ngoài kia sẽ giúp chúng tôi giải quyết hết nợ NHCSXH khi đến hạn”, ông Truyền lạc quan.
Cũng thuộc diện hộ nghèo nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Kim ở phường Đức Thuận, TX Hồng Lĩnh, còn nặng gánh hơn khi có tới 9 người con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Nhìn cuốn sổ chi chít các khoản vay, chỉ duy nhất trang cuối còn trắng mới thấy các khoản vay từ NHCSXH quan trọng thế nào đối với gia đình 11 người này. Hơn 10 năm, nào là vay HSSV, nào vay hộ nghèo, vay nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, vay giải quyết việc làm… tất cả đều trả nợ, lãi đúng hạn. Đến nay, dù mới ra khỏi danh sách hộ nghèo, cuộc sống vẫn rất khó khăn nhưng 3 người con lớn đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định và đang giúp ông bà trả nợ dần. “Tôi chỉ còn dư nợ 73 triệu đồng tại NHCSXH, đà này, sang năm chúng tôi sẽ trả hết”, bà Kim phấn khởi nói.
Còn nhiều lắm những câu chuyện về sự hiếu học và nghị lực vượt khó của lớp trẻ trên mảnh đất miền Trung nắng gió. Ở đó, không ít gia đình đã định hướng, nuôi dạy con ăn học thành tài nhờ vào nguồn vốn vay ưu đãi của Đảng, Nhà nước.
Trao cơ hội học tập cho gần 3 nghìn HSSV
Sau 9 năm thực hiện Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV, đến nay, Chương trình đã trở thành điểm tựa cho hàng triệu học sinh, sinh viên trong cả nước nói chung và Hà Tĩnh nói riêng tiếp tục giấc mơ lập thân, lập nghiệp.
Thống kê của NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh cho biết, thời gian qua, đã có trên 2.800 lượt HSSV trên địa bàn được vay vốn học tập và lập nghiệp. Nguồn vốn cho vay đã linh động qua từng năm. Mức lãi suất cũng được điều chỉnh từ 0,65%/tháng còn 0,55%/tháng, đáp ứng nhu cầu thực tế của học sinh, sinh viên và điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay. Để đạt được kết quả đáng khích lệ như vậy là nhờ sự đồng tình ủng hộ của các cấp ủy, chính quyền địa phương và đặc biệt là con em hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Trong quá trình triển khai thực hiện, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và các Tổ tiết kiệm và vay vốn đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước đến nhân dân; chủ động tìm kiếm, huy động mọi nguồn lực để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của học sinh, sinh viên; hướng dẫn cho vay đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích và quản lý, giám sát thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi. Bảo đảm công khai, minh bạch, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình triển khai chủ trương, chính sách, đồng thời thường xuyên tuyên truyền để người vay nâng cao ý thức, phát huy hiệu quả trong việc sử dụng vốn vay.
Bí thư, Chủ tịch UBND xã Đức Thịnh, huyện Đức Thọ, Đoàn Ngọc Hương khẳng định: “Đây là chương trình tín dụng quy mô lớn và có ý nghĩa xã hội - nhân văn sâu sắc, đóng góp tích cực trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội. Kết quả thực hiện trong thời gian vừa qua đã cho thấy tính đúng đắn và hiệu quả của chương trình”.

Thái Bình

Các tin bài khác