Đòn bẩy xóa nghèo ở xã Tam Kim
Đến nay, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Nguyên Bình đạt 217 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay hộ nghèo đạt trên 115 tỷ đồng; hộ cận nghèo đạt gần 30,5 tỷ đồng; cho vay hộ đồng bào DTTS vùng khó khăn đạt gần 5 tỷ đồng; cho vay giải quyết việc làm đạt hơn 3 tỷ đồng… Hầu hết các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trước khi được vay vốn cũng là thời kỳ khó khăn nhất của gia đình bà Bàn Thúy Kiều ở xóm Vù Mìn, xã Tam Kim. Ruộng đất ít lại nuôi 2 con nhỏ, quanh năm hai vợ chồng phải đi làm thuê nhưng vẫn không đủ ăn. Năm 2012, được sự giúp đỡ, hướng dẫn của Tổ tiết kiệm và vay vốn xóm Vù Mìn và Hội CCB xã, bà vay 30 triệu đồng hộ nghèo từ NHCSXH. Từ đó, vợ chồng bà đầu tư mua 1 con trâu, 5 con lợn giống kết hợp trồng cây thuốc lá. Hàng ngày, ngoài thời gian chăm sóc trâu, còn lại bà vẫn tiếp tục đi làm thuê để duy trì thu nhập, đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Chăn nuôi thuận lợi, có nguồn thu nhập ổn định, đến năm 2017 gia đình bà thoát khỏi hộ nghèo. Đến tháng 9/2017, bà mạnh dạn vay thêm 32 triệu đồng chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để đầu tư chăn nuôi trâu sinh sản kết hợp trồng cây ăn quả. Nhờ sử dụng vốn đúng mục đích lại chăm chỉ và chịu khó làm ăn, hiện nay, gia đình bà Kiều có 4 con trâu, vườn cây ăn quả 1.000m²; thu nhập bình quân đạt mức 70 triệu đồng/năm. Đúng kỳ, đúng hạn, bà trả dần vốn vay cho ngân hàng.
Cũng giống như bà Kiều, ông Nông Văn Ngọc ở xóm Bản Um cũng là một trong những hộ sản xuất giỏi của xã Tam Kim. Được NHCSXH cho vay vốn ưu đãi và cán bộ khuyến nông huyện đến tận nhà phổ biến kiến thức KHKT, những năm qua, gia đình ông đã phát triển thành công mô hình: lúa nước - ngô - cây thuốc lá, mang lại hiệu quả kinh tế cao với mức thu nhập bình quân đạt 100 triệu đồng/năm.
Theo đánh giá của ông Nông Phúc Yêu - Chủ tịch Hội CCB xã Tam Kim, bà Bàn Thúy Kiều là tấm gương tiêu biểu trong sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững nơi vùng đất khó. Tính đến nay, xã Tam Kim có 14 Tổ tiết kiệm và vay vốn, toàn xã không có nợ quá hạn. Riêng Hội CCB quản lý 4 tổ, dư nợ 3,2 tỷ đồng với 72 lượt hộ vay vốn.
Chủ tịch UBND xã Tam Kim, Nông Trung Kiên cho biết: Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp diện mạo xã Tam Kim có những thay đổi lớn lao. Gần 100% kênh mương nội đồng được bê tông hóa; 13/13 xóm có đường ô tô vào tận trung tâm; điện lưới quốc gia kéo về khắp các thôn bản; mạng lưới trường học được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang từ bậc học mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong xã. Đời sống đồng bào các dân tộc ngày một khấm khá, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm. Vì thế, Tam Kim đã sẵn sàng hoàn thành mục tiêu về đích xây dựng nông thôn mới vào năm 2020.
Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện
Các tin bài khác
- » THÔNG BÁO VỀ VIỆC LỰA CHỌN TỔ CHỨC BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN
- » Đồng Tháp giảm nghèo nhanh, bền vững từ nguồn vốn chính sách
- » Nam Định tạo dấu ấn tín dụng chính sách trong xây dựng nông thôn mới
- » Có vốn làm ăn, dân Chợ Mới mau khấm khá
- » Vượt khó trên vùng đất dốc
- » Ở nơi địa phương cùng Chính phủ giúp người nghèo
- » Cặp lá yêu thương về với vùng đất Văn Hiến
- » Tín dụng chính sách chung tay xây dựng nông thôn mới
- » Động lực mới giúp Hà Tĩnh giảm nghèo bền vững
- » Chủ trương của Đảng, ý nguyện của dân (Bài cuối - Bài học kinh nghiệm từ cơ sở)