Phát triển kinh tế nhờ nguồn vốn chính sách xã hội

20/11/2019
(VBSP News) Từ nguồn vốn của NHCSXH, 5 năm qua, tỉnh Bình Phước đã góp phần giảm nghèo cho hơn 11.000 hộ dân. Nhờ nguồn vốn này, nhiều mô hình thoát nghèo hiệu quả đang được nhân rộng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, giúp nhiều HSSV hoàn cảnh khó khăn tiếp cận vốn để học tập, đồng thời giúp cải tạo và xây mới hơn 105 nghìn công trình nước sạch và nhà vệ sinh.
Hộ nghèo ở Bình Phước sử dụng vốn ưu đãi đầu tư nuôi bò

Hộ nghèo ở Bình Phước sử dụng vốn ưu đãi đầu tư nuôi bò

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước đã tập trung chỉ đạo cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nâng cao nhận thức, vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ cuối năm 2014 đến tháng 6/2019, NHCSXH tỉnh Bình Phước đã giải ngân cho hơn 131 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vay hơn 2.764 tỷ đồng để phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Phước Trần Tuệ Hiền cho biết: Nguồn vốn NHCSXH đã song hành với các chương trình mục tiêu quốc gia như: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững cho người dân. Thời gian tới, Tỉnh ủy Bình Phước tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền bố trí nguồn vốn ủy thác cho vay để nâng mức cho vay; chỉ đạo lồng ghép hoạt động cho vay với các hoạt động khuyến nông nhằm phát huy hiệu quả vốn chính sách. Đồng thời, hệ thống NHCSXH trên địa bàn tỉnh tích cực tuyên truyền chủ trương, cơ chế, chính sách cho vay; biểu dương, nhân rộng các mô hình tín dụng chính sách hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm nguồn vốn được xoay vòng hiệu quả; chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhất là về tư tưởng chính trị và đạo đức nghề nghiệp.
Bù Gia Mập là huyện biên giới của tỉnh Bình Phước với ba xã, 22 thôn đặc biệt khó khăn. Toàn huyện hiện có hơn 2.170 hộ nghèo, trong đó số hộ là đồng bào DTTS chiếm khoảng 60%. Công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân đang được triển khai hiệu quả nhờ nguồn vốn đầu tư từ các chương trình 102, 134, 135 và các dự án định canh, định cư 119, 33, 193… Trong đợt khảo sát hộ nghèo DTTS vừa qua của xã Đắk Ơ, gia đình chị Điểu Thị Bắc ở thôn Bù Bưng là một trong 150 hộ DTTS nghèo của toàn huyện được xem xét hỗ trợ từ nguốn vốn NHCSXH để thoát nghèo bền vững. Chị Bắc cho biết: “Nhờ khoản vay 100 triệu đồng, gia đình có vốn cơ bản để mở cửa hàng tạp hóa nhỏ, sửa lại nhà đã cũ và mua bò về nuôi”.
Trên thực tế, để nâng cao nhận thức cũng như nắm bắt chính xác nhu cầu cần hỗ trợ của người nghèo và bố trí nguồn vốn chính sách kịp thời, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể ở Bình Phước đã thực hiện nhiều cách tiếp cận, sát dân, gần dân để hiểu được tâm tư, nguyện vọng. Từ đó, các giải pháp đúng, trúng và kịp thời đã được đưa ra, tất cả đều hướng tới mục tiêu giúp nhân dân thoát nghèo. Đơn cử như gia đình anh Điểu Lành, trú ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú có năm khẩu, là hộ nghèo do không ai trong nhà có việc làm ổn định. Huyện Đồng Phú đã cấp nhà ở và 9 sào đất sản xuất, đồng thời hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn NHCSXH để gia đình anh trồng điều và chăn nuôi bò sinh sản. Nhờ được đầu tư hợp lý, đến nay gia đình Điểu Lành đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định với vườn điều cho thu hoạch năm thứ hai, bò sinh sản được 4 con.
Gia đình anh Điểu Mơ, thôn 1, xã Đường 10, huyện Bù Đăng cũng là một trong những hộ nghèo được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn NHCSXH để mua hai con bò giống về nuôi. Do làm tốt khâu chọn giống, phòng ngừa dịch bệnh cho nên bò nhanh lớn, đến nay phát triển được bốn con, tạo điều kiện để gia đình anh sớm thoát nghèo. Anh Nguyễn Văn Quyền - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 1, xã Đường 10 chia sẻ: Thôn có 59 hộ dân được vay vốn từ NHCSXH huyện với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Để quản lý tốt vốn vay, các thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người dân sử dụng vốn đúng mục đích, đóng lãi đúng hạn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, Huỳnh Thị Hằng đánh giá, muốn giúp các hộ dân thoát nghèo, phải huy động lực lượng xây dựng phương án thoát nghèo phù hợp từng hộ, lên kế hoạch bám sát để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, thậm chí cùng làm với người dân. Chúng tôi xác định phải làm song song hai việc, đó là hỗ trợ phát triển kinh tế phải đi đôi với nâng cao nhận thức, văn hóa mới mong người dân thoát nghèo bền vững. Đây thật sự là cơ hội và cũng là thử thách rất lớn, vì vậy chính quyền rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người nghèo cần nỗ lực hơn nữa để vươn lên trong cuộc sống.

Bài và ảnh Nhất Sơn

Các tin bài khác