Tăng hộ khá, giảm hộ nghèo nhờ vốn vay ưu đãi
Từ khó khăn đến… nông dân xuất sắc
Ông Lăng Văn Kời ở thôn Giao Thủy, xã Tân Văn cho biết, trước đây gia cảnh nhà ông rất khó khăn, thiếu thốn đủ thứ. Qua Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội nông dân quản lý, năm 2011, ông Kời biết đến nguồn vốn vay của NHCSXH. Vợ chồng ông đã bàn bạc và quyết định vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi NHCSXH để đầu tư chăn nuôi và trồng rừng.
Ông Kời mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm như nuôi lợn, nuôi gà… Tiền lời từ nuôi lợn, gà ngoài việc tái đầu tư chăn nuôi, ông còn dành dụm để đầu tư trồng rừng. Hiện, quy mô chăn nuôi lợn của gia đình ông đạt 100 con/lứa, mỗi năm nuôi 2 lứa lãi 80 triệu đồng. Gà thịt ông nuôi hàng trăm con mỗi lứa, lãi hàng chục triệu đồng.
Gia đình ông Kời còn trồng 20ha rừng, trong đó có hơn 6ha hồi thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm; 2ha thông và 2ha keo đang trong độ tuổi khai thác. Hiện gia đình ông còn trồng thêm cây sở, mắc ca…
Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình ông Lăng Văn Kời đã từ hộ nghèo vươn lên khá giả. Đặc biệt, ghi nhận nỗ lực vượt khó làm giàu, tích cực tham gia phong trào nông dân, Hội nông dân tỉnh Lạng Sơn đã đề cử và được Hội đồng chung khảo lựa chọn ông Lăng Văn Kời là 1 trong 63 “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2019”.
Không chỉ ông Kời mà nhiều hộ nông dân khác ở huyện Bình Gia cũng có thu nhập ổn định và ngày càng khá giả nhờ các nguồn vốn vay ưu đãi. ông Hoàng Văn Dài ở thôn Phai Lay, xã Tô Hiệu chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn. Nhà tôi có đất trồng cây quýt nhưng không có tiền đầu tư chăm sóc nên hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2016, qua Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội nông dân xã quản lý, tôi được vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư nuôi bò và chăm sóc, cải tạo vườn quýt. Nhờ có vốn đầu tư, đến nay gia đình tôi có nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng/năm, cuộc sống ngày càng ổn định…”.
Tăng hộ khá, giàu, giảm hộ nghèo
Đi dọc con đường nông thôn mới kiểu mẫu trồng nhiều hoa cây cảnh 2 bên đường, ông Nông Duy Nghĩa - Bí thư Đảng ủy xã Tân Văn, huyện Bình Gia phấn khởi nói: “Tân Văn là một xã còn nhiều khó khăn, cuộc sống người dân phụ thuộc vào làm nông nghiệp, vẫn còn tình trạng người dân đi nước ngoài trái phép. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, nhờ có nguồn tín dụng NHCSXH, người dân được tiếp cận vay vốn để phát triển sản xuất, tập trung vào tiềm năng, thế mạnh trồng cây ăn quả, trồng hồi, trồng rừng, chăn nuôi gia súc. Vì vậy, nhiều gia đình đã có thu nhập từ 50 - 300 triệu đồng/năm, tình trạng đi làm trái phép bên kia biên giới đã giảm rất nhiều…”.
Theo bà Hoàng Thị An - Chủ tịch Hội nông dân huyện Bình Gia cho biết, xác định tín dụng ưu đãi từ NHCSXH là “kênh” vốn hiệu quả nên các cấp Hội nông dân trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia ủy thác giúp hội viên, nông dân có vốn đầu tư. “Cùng với vốn ưu đãi, các cấp hội còn tranh thủ các nguồn lực tài chính, tín dụng khác để hỗ trợ nông dân về vốn. Kết hợp với vốn ưu đãi, các cấp hội đã tổ chức các buổi tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi. Đây là một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ưu đãi” - bà Hoàng Thị An khẳng định.
Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng cây lâm nghiệp của hội viên, nông dân huyện Bình Gia được hình thành nhờ có vốn NHCSXH đầu tư cho vay. Qua đó, các cấp Hội đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tạo cho hội viên nông dân. Bà con ngày càng tín nhiệm, tín tưởng vào tổ chức hội…
Liễu Chang
Các tin bài khác
- » Đòn bẩy xóa nghèo ở xã Tam Kim
- » THÔNG BÁO VỀ VIỆC LỰA CHỌN TỔ CHỨC BÁN ĐẤU GIÁ TÀI SẢN
- » Đồng Tháp giảm nghèo nhanh, bền vững từ nguồn vốn chính sách
- » Nam Định tạo dấu ấn tín dụng chính sách trong xây dựng nông thôn mới
- » Có vốn làm ăn, dân Chợ Mới mau khấm khá
- » Vượt khó trên vùng đất dốc
- » Ở nơi địa phương cùng Chính phủ giúp người nghèo
- » Cặp lá yêu thương về với vùng đất Văn Hiến
- » Tín dụng chính sách chung tay xây dựng nông thôn mới
- » Động lực mới giúp Hà Tĩnh giảm nghèo bền vững