Tín dụng chính sách kề vai, sát cánh hộ nghèo

11/12/2019
(VBSP News) Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40), hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động. Nguồn vốn ưu đãi đã kề vai sát cánh với người nghèo nơi đây, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2,4%/năm, tăng thu nhập hộ nghèo khoảng 1,74%.
NHCSXH huyện Quảng Ninh giải ngân vốn vay ưu đãi

NHCSXH huyện Quảng Ninh giải ngân vốn vay ưu đãi

Hộ nghèo tăng thu nhập

Ngay sau khi có Chỉ thị số 40, NHCSXH huyện Quảng Ninh đã chủ động làm tốt công tác tham mưu Huyện ủy, UBND, HĐND và các phòng có liên quan trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo về việc tổ chức triển khai tới từng đơn vị. Nhờ quán triệt Chỉ thị số 40, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã được tăng cường rõ rệt.

Mặt trận Tổ quốc và hội, đoàn thể các cấp cũng đã chú trọng hơn đối với việc chỉ đạo cấp cơ sở phối hợp tốt NHCSXH trong việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách; thực hiện công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; tăng cường kiểm tra giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả phối hợp thực hiện đối chiếu, phân tích nợ vay của hộ nghèo và các đối tượng chính sách; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội.

Tổng dư nợ của NHCSXH huyện Quảng Ninh đến nay đạt trên 323 tỷ đồng, tăng so với đầu năm hơn 12 tỷ đồng, đạt 88,3% kế hoạch giao với. Toàn huyện có 210 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 7.974 hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ 41 triệu đồng/hộ. Đặc biệt ở các xã biên giới, vùng sâu, vùng xa, nguồn vốn ưu đãi đã kề vai sát cánh với người nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2,4%/năm, tăng thu nhập hộ nghèo khoảng 1,74%.

Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40 doanh số cho vay đạt 562,7 tỷ đồng, với 18.295 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện đã được vay vốn; trong đó 6.250 lượt hộ nghèo, 8.270 lượt hộ cận nghèo được vay vốn tạo điều kiện để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, giúp trên 5.862 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 18.000 lao động tạo được việc làm, trong đó có 750 lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài; hơn 2.260 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; xây dựng 13.565 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn (nhà vệ sinh, hầm bioga…); trợ giúp 775 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, thoát khỏi cảnh nhà tạm bợ…được vay vốn để phát triển sản xuất, ổn định đời sống, sớm vươn lên thoát nghèo…

Xây dựng các mô hình hiệu quả

Qua kiểm tra thực tế, các hộ đều sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn và chấp hành nghiêm túc việc trả nợ gốc và lãi khi đến hạn. Tiêu biểu như gia đình anh Đỗ Trung Hiếu ở thôn Vĩnh Tuy 2, xã Vĩnh Ninh được vay vốn hỗ trợ việc làm từ NHCSXH huyện Quảng Ninh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng và thiết bị máy móc để gia công các loại áo, quần xuất khẩu, tạo việc làm ổn định cho 60 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng

Hay như gia đình anh Lê Bá Diện ở thôn Quyết Tiến, xã Hàm Ninh vay 100 triệu đồng để đầu tư khu chuồng trại chăn nuôi bò, lợn. Hiện nay, trang trại của anh có 5 con bò, hơn 15 con lợn hứa hẹn cho thu nhập khá cao trong thời gian tới.

Phát huy những thành quả đạt được, trong thời gian tới NHCSXH huyện Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp; lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến ngư, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, các làng nghề truyền thống trong nông thôn, dự án khả thi nhằm phát triển kinh tế - xã hội mang tính thiết thực, hiệu quả cao. Đặc biệt thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40, tích cực tham gia phong trào “Chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau”, gắn hoạt động tín dụng chính sách với chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh Tuấn Ngọc

Các tin bài khác