Những chuyện mừng từ đồng vốn chính sách

01/01/2020
(VBSP News) Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) đã đi sâu vào cuộc sống và tạo nên tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
NHCSXH tỉnh Yên Bái luôn là cầu nối dẫn vốn hiệu quả đến người dân

NHCSXH tỉnh Yên Bái luôn là cầu nối dẫn vốn hiệu quả đến người dân

Phó Chủ tịch UBND xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, Dương Kim Hưng khẳng định, 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40, các chương trình tín dụng chính sách đã được triển khai đầy đủ tới các tầng lớp nhân dân trong xã, tạo lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Nguồn vốn tín dụng chính sách được đầu tư có hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới tại địa phương; bộ mặt nông thôn được đổi thay, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện.
Đặc biệt, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH, nhiều mô hình điển hình tiên tiến đã xuất hiện. Đơn cử như hộ ông Hà Văn Trường ở thôn An Thịnh có trâu sinh sản và hơn 7ha quế, 3ha măng tre bát độ, mỗi năm cho thu nhập hơn 150 triệu đồng; hộ bà Hà Thị Lan ở thôn Đồng Cát, hộ ông Lê Văn Dưỡng ở thôn Yên Thịnh đều có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm; hộ ông Giàng A Măng, hộ ông Giàng A Chứ ở thôn Đồng Ruộng với mô hình dệt thổ cẩm của người Mông… Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm trên địa bàn xã đã giảm từ 28,62% năm 2014 xuống còn 6,2% và đến tháng 11 năm nay, xã đã cán đích nông thôn mới.
Giai đoạn 2014 - 2019, doanh số cho vay các chương trình tín dụng của NHCSXH tỉnh Yên Bái đạt 3.850 tỷ đồng với 130.000 lượt hộ vay. NHCSXH tỉnh đã triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách với 84.000 hộ đang vay vốn với tổng dư nợ gần 3.000 tỷ đồng; trong đó, chương trình cho vay đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ DTTS đặc biệt khó khăn chiếm hơn 60% tổng dư nợ.
Việc vay vốn tín dụng chính sách với thủ tục đơn giản, không phải thế chấp, lãi suất ưu đãi, nhận tiền vay, trả gốc và lãi tại Điểm giao dịch xã đã giúp người dân từng bước tiếp cận được nguồn vốn, trực tiếp giảm chi phí cho các đối tượng vay vốn; góp phần làm chuyển biến nhận thức của hộ nghèo, giúp các đối tượng thay đổi tập quán sản xuất, xóa bỏ tự ti, mặc cảm, vươn lên thoát nghèo bền vững. Hầu hết hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất, buôn bán nhỏ… góp phần làm tăng thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống, số hộ nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu đều được giải quyết cho vay. Điều quan trọng hơn là đồng bào các dân tộc đã có chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động, không ỷ lại trông chờ vào Nhà nước, đã biết sử dụng đồng vốn vay ngân hàng hiệu quả.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Yên Bái, Trần Quang Sơn cho biết, trong giai đoạn 2014 - 2019, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Thực tế cho thấy, 5 năm qua, toàn tỉnh đã có trên 41.000 hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo;  trên 1.590 HSSV được vay vốn đi học, trên 5.400 lao động được vay vốn giải quyết việc làm; trên 53.000 công trình NS&VSMTNT được xây dựng và 2.400 nhà ở được làm mới; trên 21.500 hộ SXKD vùng khó khăn được vay vốn để thực hiện phương án kinh doanh.
Hầu hết các hộ vay vốn đều chấp hành nghiêm việc trả nợ gốc và lãi đúng hạn. Hiện nay, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,16%/tổng dư nợ, có 58% số xã trên toàn tỉnh không có nợ quá hạn, 1 huyện không có nợ quá hạn (Mù Cang Chải), 99% số Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, chất lượng tín dụng toàn tỉnh xếp loại tốt và đứng đầu toàn quốc.
Có thể khẳng định rằng, các cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm và nhận thức trong việc triển khai tín dụng chính sách, quan tâm hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Đặc biệt, bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH tỉnh, huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm đáp ứng một phần nhu cầu vay vốn của người dân.

Thanh Thủy/TBNH

Các tin bài khác