Giúp người nghèo sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
Giảm nghèo nhờ tín dụng
Trước đây, gia đình chị Lương Thị Tiếp thuộc diện hộ nghèo ở xóm Phú Thọ, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn. Nhờ sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ huyện, năm 2013, gia đình chị được vay 30 triệu đồng từ NHCSXH để đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ chăm chỉ làm ăn nên chỉ sau 5 năm, gia đình chị đã trả hết vốn vay và vươn lên thoát nghèo.
Năm 2018, chị được xét duyệt vay vốn 50 triệu đồng hộ cận nghèo. Chị tiếp tục đầu tư trồng hơn 3ha keo nguyên liệu. Hiện nay, vườn keo của gia đình chị phát triển xanh tốt, hứa hẹn cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao. “Trước đây, cuộc sống gia đình tôi gặp nhiều khó khăn, muốn làm cũng không có vốn mà làm. Nhờ nguồn vốn vay của ngân hàng giờ đây cuộc sống gia đình tôi đã đỡ hơn rất nhiều, có nguồn thu nhập và nuôi được con cái ăn học”, chị Tiếp tâm sự.
Cũng tại huyện Nghĩa Đàn, được vay vốn chương trình hộ cận nghèo, gia đình anh Lê Đình Lương ở xóm Cầu, xã Nghĩa Thọ đã biến đồi núi trọc thành vườn cam, quýt trĩu quả. Sau 05 năm, diện tích vườn cam và đồi keo của gia đình anh được mở rộng cho thu hoạch 50 triệu đồng/ha. Từ đây, kinh tế gia đình ổn định, anh không những có tiền nuôi các con ăn học mà còn tạo việc làm cho người dân trong xóm. “Nhờ nguồn vốn vay từ NHCSXH, gia đình tôi đã thoát nghèo. Giờ đây, tôi mong muốn ngân hàng tiếp tục cho vay vốn để tiếp tục trồng cây lâu năm mở rộng sản xuất, mang lại thu nhập ổn định lâu dài”, anh Lương chia sẻ.
Khu gia trại tổng hợp của gia đình chị Trương Thị Dung ở xóm 6, xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu có 05 con trâu nái, hơn 20 con lợn nái, thịt, 02 ao cá và hàng trăm con gà, vịt. Cơ ngơi này của chị Dung bắt đầu có kinh tế khá giả đều nhờ vốn vay ưu đãi từ NHCSXH. “Từ khi có vốn của NHCSXH hỗ trợ gia đình sản xuất nên gia đình tôi đã thoát khỏi hộ cận nghèo, trừ chi phí mỗi năm gia đình cũng thu về được 60 triệu đồng. Tôi mong muốn NHCSXH tiếp tục tạo điều kiện cho gia đình tôi cũng như các hộ nghèo khác trong xã vay vốn nhiều hơn nữa để mở rộng phát triển chăn nuôi”, chị Dung đề nghị.
Trong 05 năm qua, nguồn vốn ưu đãi đã góp phần quan trọng giúp trên 93 nghìn hộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thoát nghèo. Tại các địa phương, nhiều mô hình kinh tế được hình thành, tạo được hướng phát triển đa dạng thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách thông qua NHCSXH đã góp phần quan trọng, thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An thời gian qua.
Phát huy hiệu quả từ chính sách
Nét mới trong thực hiện Chỉ thị số 40 là cấp ủy, chính quyền các cấp đã tạo điều kiện thuận lợi nâng cao hoạt động, trách nhiệm trong thực thi giám sát tín dụng chính sách xã hội. Nhờ đó, không chỉ nâng cao được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, mà còn giúp NHCSXH chủ động nắm bắt được những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp xử lý kịp thời.
Ông Lê Ngọc Uyển - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Khi chưa có Chỉ thị số 40, việc vay vốn chủ yếu giao cho các hội, đoàn thể. Từ khi có Chỉ thị số 40, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân vay vốn, sử dụng vốn có hiệu quả. Đến ngày giao dịch hàng tháng, Chủ tịch UBND xã tham gia vào buổi giao dịch tại xã với ngân hàng; hàng quý tổ chức kiểm tra các hộ vay vốn, bên cạnh đó xã cũng hỗ trợ ngân sách 10 triệu đồng cho ngân hàng cùng cho dân vay vốn”.
Có thể nhận thấy, qua 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, hoạt động tín dụng chính sách xã hội ở Nghệ An đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong tăng trưởng và chất lượng tín dụng. Tổng doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh Nghệ An trong 05 năm đạt trên 13.000 tỷ đồng; tổng nguồn vốn đạt 8.300 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ quá hạn giảm xuống 0,13%; gần 500.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Ðể bảo đảm hiệu quả nguồn vốn vay cũng như nâng cao đời sống, kinh tế của người dân, chính quyền cơ sở tỉnh Nghệ An đã và đang quan tâm quy trình vay vốn từ xác định đối tượng cho vay, hỗ trợ cũng như định hướng người dân trong việc lựa chọn mô hình, ngành nghề kinh doanh phù hợp tiềm năng, thế mạnh để bảo đảm hiệu quả đồng vốn vay.
Hiện nay, nhu cầu về nguồn vốn vay còn rất lớn như: Giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ mới thoát nghèo, cho thanh niên được vay vốn để khởi nghiệp, mua, thuê nhà ở xã hội… Các địa phương cần tăng nguồn ngân sách ủy thác, đa dạng hóa nguồn lực để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Những kết quả đạt được qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40 là tiền đề thuận lợi để tỉnh Nghệ An tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội địa phương ngày một đi lên.
Bài và ảnh Bích Huệ/TTXVN
Các tin bài khác
- » Mùa vàng ở Chế Tạo
- » Địa phương sẽ tích cực đồng hành cùng NHCSXH
- » Tín dụng chính sách xã hội bứt phá từ tâm thế mới
- » Không để ai bị bỏ lại phía sau!
- » Ở nơi địa phương cùng Chính phủ giúp người nghèo
- » Tọa đàm “Chỉ thị số 40-CT/TW - Điểm tựa vững chắc trong hệ thống chính sách giảm nghèo”
- » Động lực mới giúp Hà Tĩnh giảm nghèo bền vững
- » Hỗ trợ giúp gần 72.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- » Chủ trương của Đảng, ý nguyện của dân (Bài cuối - Bài học kinh nghiệm từ cơ sở)
- » Chủ trương của Đảng, ý nguyện của dân (Bài 3 - Nhiều cách làm sáng tạo trên đất sen hồng)