Địa phương sẽ tích cực đồng hành cùng NHCSXH
Nguồn lực quan trọng trong giảm nghèo
Báo cáo của NHCSXH tỉnh Phú Thọ do Giám đốc Trương Việt Phương càng làm rõ hơn hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội sau hơn 17 năm triển khai trên địa bàn. Đặc biệt 5 năm gần đây, sau khi Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng ra đời, Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã ban hành nhiều văn bản triển khai kế hoạch đưa Chỉ thị vào cuộc sống, trong đó UBND có riêng một văn bản về việc trích một phần ngân sách địa phương chuyển nguồn vốn sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại cấp tỉnh, cấp huyện. Mới đây là văn bản về việc tăng cường huy động nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội.
Cấp ủy, chính quyền địa phương cùng MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã cùng NHCSXH xây dựng được mô hình tổ chức và mạng lưới rộng khắp với 277 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn và 4.038 Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn, làng.
Nhìn lại hành trình kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã cho vay 697.297 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay hơn 11.326 tỷ đồng; doanh số thu nợ đạt hơn 7.403 tỷ đồng. Tính đến 30/11/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn đạt trên 4.108 tỷ đồng, tăng gấp trên 22 lần so với cuối năm 2002 với 121.040 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, mức dư nợ bình quân đạt 33,94 triệu đồng/ hộ, tăng 31,2 triệu đồng/hộ so với thời điểm thành lập.
Thông qua các chương trình tín dụng, vốn vay ưu đãi của Chính phủ đã tạo điều kiện gần 700 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo, cụ thể: Có 33.261 lao động được tạo việc làm; có 15.076 căn nhà được xây dựng theo chương trình hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở; có 96.733 HSSV mới được vay vốn để trang trải chi phí học tập; có 7.719 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài; có 134.867 công trình nước sạch và 134.148 công trình vệ sinh được sửa chữa, xây mới;… Từ đó, đã góp phần làm giảm hộ nghèo của tỉnh từ 67.954 hộ năm 2003 xuống còn 28.667 hộ vào cuối năm 2018.
Nguồn vốn chính sách xã hội đã giúp bà con nông dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào DTTS chủ động nguồn tài chính để mua sắm thiết bị, máy móc, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, chi phí học tập và đời sống sinh hoạt,… Từ đó đã phòng ngừa và góp phần hạn chế nạn “cho vay nặng lãi, bán lúa non” tồn tại lâu nay trong vùng nông thôn, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, đã giải quyết được các vấn đề bức xúc trong xã hội như nhà ở, việc làm, môi trường, nước sạch và học tập,…
“Qua hoạt động của các tổ chức tín dụng Nhà nước nói chung, cho thấy cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của NHCSXH là kênh phù hợp, hiệu quả và bền vững nhất”, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu khẳng định. Tỷ lệ nợ quá hạn thấp, đến 30/11/2019 chỉ chiếm tỷ lệ 0,15% tổng dư nọ. Nợ khoanh chỉ chiếm tỷ lệ 0,003% tổng dư nợ, cho thấy ý thức rất cao của người dân với việc sử dụng nguồn vốn này. Thông qua hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống trong nhân dân giữa các vùng; củng cố, nâng cao lòng tin của nhân dân, nhất là hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đối với Đảng và Nhà nước.
Hiệu quả của nguồn vốn chính sách xã hội góp phần đưa tăng trưởng kinh tế của Phú Thọ tăng 7,83% vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo từ 12,4 % năm 2016 còn 5,27% cuối năm 2019, góp phần giúp 102 xã của tỉnh đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, chiếm 42% tổng số xã của tỉnh. Bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh là 15,2% cao hơn mức bình quân chung của khu vực là hơn 12,3%.
Cần sự chung tay mạnh hơn nữa
Tính đến thời điểm 30/11/2019, tổng nguồn vốn của NHCSXH tỉnh Phú Thọ đạt trên 4.117 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn từ Trung ương chiếm tỷ trọng 85,39%. Tổng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương chuyển sang NHCSXH tỉnh đạt gần 49,7 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,21%. Trong đó, ngân sách cấp tỉnh đã chuyển là 31 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện đã chuyển là 9,4 đồng. Điển hình có một số huyện có số dư ngân sách ủy thác sang cao như: Hạ Hòa 1,5 tỷ đồng, Việt Trì 1,3 tỷ đồng, Thanh Sơn 1 tỷ đồng, Thanh Ba 950 triệu đồng.
Tuy nhiên, hiện nay mức chuyển nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH các cấp trong tỉnh Phú Thọ còn thấp, trong khi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, toàn tỉnh có trên 20 vạn đồng bào DTTS (chiếm trên 14% tổng dân số toàn tỉnh); 9/11 huyện thuộc vùng khó khăn, 50% số xã thuộc vùng khó khăn. Vì vậy, nguồn vốn hiện tại chưa đáp ứng được tối đa nhu cầu của người dân, như: Cho vay giải quyết việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP,…
Trước thực trạng này, tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục đồng hành bố trí nguồn lực hỗ trợ các đối tượng chính sách trên địa bàn. Tối thiểu đạt mục tiêu 100 tỷ đồng mà Chính phủ đề ra.
Về phía NHCSXH, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cam kết tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ngay sau đây, NHCSXH Trung ương cũng sẽ bố trí ngay 20 tỷ đồng để tỉnh Phú Thọ cho vay giải quyết việc làm. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc yêu cầu Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban ngành và các cấp xây dựng kế hoạch, phương án, đề án cụ thể để sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất.
Chia sẻ cùng Đoàn công tác một lần nữa, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ cho biết, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả hơn Chỉ thị số 40. “Chúng tôi rất quan tâm đến việc triển khai Chỉ thị số 40 để nâng cao chất lượng tín dụng chính sách để giảm nghèo bền vững. Đây là vấn đề trọng tâm của bất cứ một địa phương nào, chúng ta đã làm tốt rồi cần làm tốt hơn”, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ, Bùi Minh Châu nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh nghiên cứu đưa ra đề án hỗ trợ cho người nghèo bằng các đề án cụ thể như hỗ trợ nhà ở, hay dự án phát triển nông nghiệp tạo việc làm… Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, các Sở, ngành xây dựng được đề án tốt có tính khả thi thì việc dành nguồn lực của địa phương vài chục tỷ đồng ủy thác qua NHCSXH là không khó khăn và mục tiêu có nguồn ngân sách ủy thác qua NHCSXH 100 tỷ đồng cũng không khó thực hiện. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu, các Sở, ngành xem xét tập trung các dự án có nguồn vốn từ ngân sách chuyển qua NHCSXH để cho vay. Đồng thời mong muốn sẽ có thêm những buổi làm việc như lần này với NHCSXH để địa phương nắm bắt thông tin, chia sẻ, đồng hành cùng NHCSXH trên con đường thực hiện tín dụng chính sách xã hội của Đảng, Nhà nước hiệu quả hơn.
Bài và ảnh Việt Hải
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Tín dụng chính sách xã hội bứt phá từ tâm thế mới
- » Bắc Giang bừng sắc xuân Nông thôn mới
- » Không để ai bị bỏ lại phía sau!
- » Trung tâm Đào tạo NHCSXH gặp mặt nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- » Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cùng đồng bào huyện Mường Nhé
- » Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú đánh gia cao chất lượng tín dụng chính sách tại huyện Mường Nhé
- » Tín dụng chính sách xã hội: TIẾP SỨC DÂN NO ẤM, GÌN GIỮ PHÊN DẬU TỔ QUỐC
- » NHCSXH tổ chức tập huấn trực tuyến về nghiệp vụ tín dụng
- » Ở nơi địa phương cùng Chính phủ giúp người nghèo