Tín dụng chính sách xã hội: TIẾP SỨC DÂN NO ẤM, GÌN GIỮ PHÊN DẬU TỔ QUỐC

11/11/2019
(VBSP News) Theo Đoàn công tác do Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng dẫn đầu, vượt qua các cung đường đèo quanh co, khúc khuỷu uốn lượn như dải lụa vắt ngang giữa trời mây, chúng tôi trở lại tỉnh Điện Biên một chiều cuối thu rực nắng vàng hắt lên những dải núi tím bạc hùng tráng và bí ẩn biên cương phía Tây Tổ quốc. Về huyện khó khăn, xa xôi nhất Nậm Pồ rồi lên Mường Nhé, thêm một lần chạm tay vào cột mốc số 0 điểm cực Tây Tổ quốc giao điểm biên giới ngã 3 Việt - Lào - Trung càng thêm cảm nhận sự trọn vẹn thiêng liêng của chủ quyền quốc gia và lòng tự hào dân tộc. Lại càng thêm tự hào là những cán bộ của NHCSXH mang sứ mệnh và trọng trách của Đảng và Nhà nước đưa vốn tín dụng chính sách đến cùng đồng bào xóa đói giảm nghèo, bám đất, bám rừng giữ gìn từng tấc đất, phên dậu của Tổ quốc.
Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng kiểm tra thông tin tín dụng chính sách tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng kiểm tra thông tin tín dụng chính sách tại xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé

Xã Si Pa Phìn thuộc huyện Nậm Pồ hôm nay không còn những mùa hoa anh túc, thay vào đó là những mùa vàng của lúa, ngô đạt năng suất và chất lượng cao, cùng đàn gia súc đang ngày một mở rộng mang no ấm lại gần hơn với người dân nơi đây. Ở một vùng đất địa hình phức tạp, giáp biên giới, lại thêm phong tục và nguồn lợi siêu khủng từ nhựa thuốc phiện mang lại nên việc xóa bỏ cây anh túc những năm trước không dễ dàng chút nào. Ngày đó, chính quyền huyện phải thành lập những đoàn công tác vận động bà con từ bỏ trồng cây thuốc phiện, hướng người dân sang trồng lúa nước, đưa những mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao để người dân học tập nhân rộng cùng sự trợ lực tín dụng ưu đãi từ NHCSXH.
Năm 2010 đánh dấu mốc phát triển mới trên mảnh đất này với định hướng “Phát triển chăn nuôi gia súc” trên địa bàn năm 2010 rồi nâng cấp thành dự án giai đoạn 2016 - 2020. Phó Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, Hạng Nhè Ly cho biết: NHCSXH là nguồn hỗ trợ vốn tín dụng duy nhất có mặt trên mảnh đất này hỗ trợ cho huyện giải quyết các vấn đề chính sách an sinh xã hội, kể từ khi thành lập huyện năm 2012, mới đây có thêm Ngân hàng TMCP Liên Việt nhưng vốn không đáng kể.
Như gia đình chị Mùa Thị Sánh, 32 tuổi ở thôn Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ. Vay 50 triệu đồng mua một cặp trâu sinh sản hồi đầu năm 2016, sau hơn 2 năm đàn trâu nhà chị đã có 4 con, chị vừa bán một con được 30 triệu mua chiếc máy cày và trả nợ ngân hàng. “Với số nợ còn lại 32 triệu đồng, chỉ cần bán 1 con là đủ trả nốt nợ vẫn lãi được 2 con, điều đó cho thấy hiệu quả của nguồn vốn chính sách xã hội”, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng chia sẻ kinh nghiệm vốn cùng bà con.

Nhờ vay vốn chính sách mà nhiều hộ đồng bào ở thôn Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ đã thay đổi hẳn cuộc sống

Nhờ vay vốn chính sách mà nhiều hộ đồng bào ở thôn Nậm Chim 1, xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ đã thay đổi hẳn cuộc sống

Ước mong đổi đời từ chăn nuôi và chuyển đổi cơ cấu cây trồng của những người dân Si Pa Phìn đã và đang được chắp cánh cùng nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Cả xã có 1.089 hộ, thì có đến 987 hộ là đang vay vốn của NHCSXH với dư nợ 42,7 tỷ đồng. Con số đó cũng đủ thấy nguồn vốn tín dụng chính sách đã tiếp cận được 100% các hộ vay có nhu cầu và đủ điều kiện vay. 123 hộ nghèo tăng thêm từ năm 2015 không phải do hộ nghèo tăng mà đến từ việc có các chính sách mới trợ đỡ đồng bào vươn lên giảm nghèo bền vững trong giai đoạn này như cho vay hộ mới thoát nghèo, hộ nghèo về nhà ở, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn,…
Nhìn lại 5 năm 2015 - 2019, doanh số cho vay hơn 50,6 tỷ đồng với 1.497 số lượt hộ được vay vốn tạo việc làm, phát triển SXKD, tăng thu nhập, ổn định nâng cao chất lượng cuộc sống. Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn, Mùa A Hòa phấn khởi cho biết, hiệu quả vốn vay ngày càng được nâng lên góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn xã. Ðến nay toàn xã có gần 2,5ha đất trồng cỏ voi, trên 9.000 con trâu, bò. Đời sống của người dân trên địa bàn thực sự chuyển biến rõ rệt. Với trên 90% đồng bào dân tộc thiểu số phân bố tại 16 bản, xã hiện không chỉ không có hộ

Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, Mùa A Hòa chia sẻ kinh nghiệm về quản lý nguồn vốn vay

Chủ tịch UBND xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, Mùa A Hòa chia sẻ kinh nghiệm về quản lý nguồn vốn vay

Nguồn vốn tín dụng chính sách càng thêm quý khi Nậm Pồ là huyện khó khăn nhất trong tỉnh với 97,8% là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Mông chiếm tỷ lệ cao nhất 69,18%; Thái chiếm 18,50%; Dao chiếm 4,15%, Khơ Mú chiếm 1,58%; 8/15 xã biên giới giáp với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.
Chỉ nhìn doanh số cho vay từ năm 2015 đến 31/10/2019 là 362 tỷ đồng của NHCSXH đã tạo điều kiện cho 12.773 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn tạo việc làm, phát triển SXKD, tăng thu nhập, ổn định nâng cao chất lượng cuộc sống góp phần nâng mức thu nhập bình quân năm của người dân so với năm 2015 từ 7,73 triệu đồng/người/năm lên 11,9 triệu đồng/người/năm. Đồng thời, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 là 72,09% đến cuối năm 2018 xuống còn 60,12%.Huyện từ chỗ chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới, đến nay đã có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới và về đích sớm trước 2 năm.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm việc với cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ và cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội xã Si Pa Phìn

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng làm việc với cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ và cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội xã Si Pa Phìn

Chia tay Nậm Pồ, chúng tôi vượt 120km đi hơn 3 giờ đồng hồ để sang Mường Nhé ngay trong đêm, kịp sớm mai lên đường về với Sín Thầu. Con đường qua các xã biên giới dài 80km vắt giữa hư ảo sương mây trắng ôm ấp những dãy núi điệp trùng, rồi dần rõ theo những tia nắng ngày mới với 2 ven đường rực sắc dã quỳ. Cảnh đẹp lòng người thêm lâng lâng khi Giám đốc NHCSXH tỉnh Điện Biên, Đàm Xuân Triệu cho biết, thời gian này, NHCSXH đã nỗ lực dồn vốn giúp Sín Thầu hoàn thành nốt tiêu chuẩn hộ nghèo để cán đích nông thôn mới vào năm 2020.
Ký ức về xã “4 không” (đường - điện - trường - trạm) đã được xóa bỏ thay vào đó Sín Thầu lại tự hào về cái “4 không” khác mà khó xã nào trong huyện Mường Nhé có được: Xã duy nhất trong huyện không có người nghiện - Không có tình trạng phá rừng - Không di cư tự do - Không tuyên truyền đạo trái phép.
Nói về Sín Thầu, hay rộng ra là Mường Nhé, cũng là hữu duyên khi cùng được thành lập cách đây 17 năm. Dù NHCSXH có “sinh sau, đẻ muộn” hơn chút, song hơn 17 năm qua trên mảnh đất này, NHCSXH đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số Hà Nhì ở xã Sín Thầu chuyển đổi từ làm nương sang trồng lúa nước. Rồi những năm gần đây là hướng dòng vốn tín dụng chính sách hòa cùng kế hoạch phát triển chăn nuôi đại gia súc giúp nhiều hộ dân không chỉ thoát nghèo mà như Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng dùng một từ dân dã “đại gia” với tài sản cả trăm con trâu, bò.
Như bản Tả Kố Khừ, cái nghèo đang dần lùi xa thay vào đó là hơn 100 căn nhà khang trang, vững chãi, lợp ngói, tôn dọc hai bên dòng suối Mo Pí hiền hòa. Hộ ông Sùng Phì Sinh là một trong những điển hình vay vốn NHCSXH chăn nuôi gia súc thoát nghèo. Từ 2 con bò mẹ mua từ nguồn vốn vay NHCSXH, thêm vài vòng quay vay vốn, đàn gia súc tăng dần qua từng năm, đến nay gia đình ông có hơn 200 con trâu, bò; thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Nguồn vốn tín dụng cũng đang dìu dắt những hộ cuối cùng của bản thoát nghèo như gia đình anh Giàng Ý Bầu hiện đang vay 30 triệu hộ nghèo mua thêm trâu sinh sản. Hay như anh Khoàng Chừ Lòng vay 40 triệu vốn hộ cận nghèo đầu năm 2017 mua thêm trâu sinh sản song đến cuối năm 2017 và tháng 5 năm ngoái đã tất toán xong khoản vay với NHCSXH từ nguồn tiền bán trâu. “Mình hết khó, trả vốn cho NHCSXH cho vay bà con khó khăn hơn”, anh Khoàng Chừ Long tâm sự một cách mộc mạc.

Anh Khoàng Chừ Long chia sẻ một số kinh nghiệm với Tổng Giám đốc NHCSXH

Anh Khoàng Chừ Long chia sẻ một số kinh nghiệm với Tổng Giám đốc NHCSXH

Đến 31/10/2019, dư nợ của xã Sín Thầu là 7,7 tỷ đồng với 183 hộ vay trong đó 133 hộ nghèo. Dư nợ của xã hiện thấp thứ 2 trong huyện, song điều đó không phải ánh sự trễ nải của công tác tín dụng bởi nhìn lại 5 năm, từ 3 chương trình cho vay năm 01/01/2015 (Hộ nghèo, NS&VSMTNT, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn) hiện đã có 7 chương trình tín dụng được triển khai trên địa bàn với doanh số cho vay đạt 11,4 tỷ đồng cho 276 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp hơn 41 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho hơn 3 lao động; đầu tư xây dựng 48 công trình cung cấp NS&VSMTNT,… Nguồn vốn tín dụng góp phần nâng đàn gia súc của xã lên trên 10.000 con gia súc (trâu, bò, dê) trong đó toàn xã chỉ có 325 hộ dân.
Nguồn vốn tín dụng đến 100 % thôn bản không chỉ ở Sín Thầu mà trải đủ trên cả 11 xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Nhé trong 5 năm qua đã tạo điều kiện cho 12.017 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn tạo việc làm, phát triển SXKD, tăng thu nhập, ổn định nâng cao chất lượng cuộc sống với tổng doanh số cho vay 348 tỷ đồng. Từ đó giúp hơn 1.055 hộ vượt qua ngưỡng nghèo đưa tỷ lệ hộ nghèo trung bình của huyện hàng năm giảm 5,1%; tạo việc làm cho gần 233 lao động, trong đó có 48 lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài; hơn 80 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; đầu tư xây dựng 876 công trình cung cấp NS&VSMTNT; trợ giúp hơn 298 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, thoát khỏi cảnh nhà tạm bợ… Tổng dư nợ đến 31/10/2019 đạt trên 235 tỷ đồng, tăng hơn 9 tỷ đồng so với 31/12/2018 và tăng 56,1 tỷ đồng so với 31/12/2014, với 6.202 khách hàng còn dư nợ.

Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Mường Nhé, Pờ Diệu Ninh thông tin một số kết quả tín dụng chính sách trên địa bàn

Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện Mường Nhé, Pờ Diệu Ninh thông tin một số kết quả tín dụng chính sách trên địa bàn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Điện Biên, Lê Văn Quý cho biết, không phải vì phụ trách NHCSXH thì quan tâm hơn mà bởi vì ông trân trọng những công việc và giá trị mà NHCSXH mang lại là duy nhất không tổ chức tín dụng nào có, đó là hỗ trợ người nghèo và đối tượng yếu thế dễ tổn thương nhất và cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất.
19 chương trình tín dụng chính sách xã hội với dư nợ hiện trên 2.846 tỷ đồng đang hỗ trợ cho 78.160 khách hàng (chiếm 61,2% số hộ dân trên địa bàn), bình quân 36,4 triệu đồng/hộ gia đình. Đặc biệt từ giai đoạn 2014 với 7 chương trình tín dụng mới được triển khai trên địa bàn như cho vay vốn để hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi nghề và đi xuất khẩu lao động cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; Thí điểm cho vay đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV/ADIS, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương; cho vay hộ mới thoát nghèo; cho vay vốn hỗ trợ làm nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg; cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg, đã đưa nguồn vốn tín dụng đến với hơn 122.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH với doanh số cho vay 3.834 tỷ đồng góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3% đến 4%. Theo đó, đã có gần 23.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 1.000HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; gần 7.000 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm; 91 lao động đi làm việc tại nước ngoài; có hơn 14.000công trình cung cấp NS&VSMTNT, hơn 2.000 căn nhà ở ổn định cho hộ nghèo được xây dựng.“Những con số đó cho thấy, tín dụng chính sách xã hội là một nguồn vốn quan trọng đóng góp vào thành quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên. Đây cũng là nguồn vốn góp phần ngăn chặn tín dụng đen đến người nghèo và đối tượng yếu thế, duy trì trật tự an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh và biên giới chủ quyền quốc gia được giữ vững, niềm tin của nhân dân các dân tộc đối với chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta ngày càng được củng cố và nâng cao”, Phó Chủ tịch tỉnh Lê Văn Quý nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bài toán giảm nghèo bền vững vẫn còn là một thách thức lớn với Điện Biên khikinh tế tỉnh vẫn dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, tại các vùng sâu, vùng xa sản xuất 1 vụ trong năm, điều kiện tiêu thụ sản phẩm hạn chế. Toàn tỉnh có 127.667 hộ trong đó hộ nghèo chiếm tỷ lệ 37,08% (trong đó, hộ nghèo về thu nhập 46.507 hộ); hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 9,78%.
Mong muốn Chính phủ và NHCSXH có nhiều nguồn vốn hơn hỗ trợ người dân Điện Biên vượt khó, Phó Chủ tịch tỉnh Lê Văn Quý cũng cho biết, Tỉnh ủy cũng đã ra Chỉ thị về việc UBND cấp tỉnh, cấp huyện hàng năm chuyển sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay khoảng 1% tổng thu ngân sách trên địa bàn.
Về phía NHCSXH, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng nhấn mạnh đến việc các cấp chính quyền và tổ chức hội, đoàn thể cần rà soát lại đối tượng vay và nhu cầu vay, bởi qua thực tế tại xã Sìn Thầu và Si Pa Phìn, các hộ có nhu cầu và đủ điều kiện đều đã vay, như vậy để có thể tăng dư nợ, việc xác định được nhu cầu vay cũng như đối tượng vay chính xác là cơ sở để NHCSXH cung ứng thêm vốn để tăng mức vay cho các hộ dân, giúp họ có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, rút ngắn thời gian thoát nghèo đặc biệt trên địa bàn diện tích rộng có điều kiện phát triển cây ăn trái, dược liệu và chăn nuôi gia súc.
Chia tay Điện Biên khi những thửa ruộng bậc thang đang phơi nắng chờ mùa nước đổ vào vụ mới, những cánh rừng keo, cây ăn trái, lại thấy đâu đó, những đàn trâu nhẩn nha gặm cỏ. Phía xa dưới những tán rừng già, người dân đang gieo xa nhân, mang theo cả ước mong và kỳ vọng thoát nghèo nhanh hơn không chỉ của họ mà của chính các cán bộ NHCSXH đang tháng ngày không quản nắng mưa mong gieo thêm vốn tín dụng để người dân vững tâm an cư, lập nghiệp hòa cùng công cuộc kiến thiết biên cương vững chắc của Tổ quốc, đưa Điện Biên bắt nhịp nhanh hơn cùng hành trình phát triển hội nhập của đất nước.

Ghi chép của Việt Hải

Các tin bài khác