Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú đánh gia cao chất lượng tín dụng chính sách tại huyện Mường Nhé

11/11/2019
(VBSP News) Chiều ngày 11/11/2019, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú tới thăm và làm việc với Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mường Nhé (Điện Biên).
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú thăm và làm việc với NHCSXH huyện Mường Nhé

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú thăm và làm việc với NHCSXH huyện Mường Nhé

Báo cáo với Phó Thống đốc về tình hình thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mường Nhé (Điện Biên) cho biết đến 31/10/2019, tổng nguồn vốn thực hiện đạt 236 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương là 234 tỷ đồng; nguồn vốn địa phương là 1,6 tỷ đồng.
Đến 31/10/2019, Phòng giao dịch đang triển khai 14 chương trình tín dụng chính sách xã hội tới 100% thôn bản, với tổng dư nợ đạt hơn 235 tỷ đồng, tăng 9.045 tỷ đồng so với 31/12/2018 với 6.202 khách hàng còn dư nợ 123,217 tỷ đồng, hộ cận nghèo: 2,7 tỷ đồng với 73 hộ còn dư nợ; hộ mới thoát nghèo: 13,4 tỷ đồng với 339 hộ còn dư nợ; HSSV: 258 triệu đồng với 20 hộ còn dư nợ; GQVL: 5,3 tỷ đồng với 111 hộ còn dư nợ; NS&VSMT: 8,7 tỷ đồng với 640 hộ còn dư nợ; hộ nghèo về nhà ở Quyết định 167: 2,8 tỷ đồng với 387 hộ còn dư nợ; hộ nghèo về nhà ở Quyết định số 33: 7,2 tỷ đồng với 293 hộ còn dư nợ; hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn: 50,9 tỷ đồng với 1.160 hộ còn dư nợ; hộ DTTSĐBKK: 14,6 tỷ đồng với 1.845 hộ còn dư nợ; thương nhân vùng khó khăn: 550 triệu đồng với 11 hộ còn dư nợ; hỗ trợ hộ DTTS 755: 5,3 tỷ đồng với 378 hộ còn dư nợ,… Chất lượng tín dụng ngày càng được củng cố với nợ quá hạn đến 31/10/2019 chỉ chiếm 0,38% tổng dư nợ.
Nhìn lại 05 năm triển khai Chỉ thị 40/CT-TW với doanh số cho vay đạt 348 tỷ đồng, Phòng giao dịch đã tạo điều kiện cho 12.017 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn được vay vốn tạo việc làm, phát triển SXKD, tăng thu nhập, ổn định nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ đó giúp hơn 1.055 hộ vượt qua ngưỡng nghèo đưa tỷ lệ hộ nghèo trung bình của huyện hàng năm giảm 5,1%; tạo việc làm cho gần 233 lao động, trong đó có 48 lao động đi xuất khẩu ở nước ngoài; hơn 80 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; đầu tư xây dựng 876 công trình cung cấp NS&VSMTNT; trợ giúp hơn 298 hộ nghèo xây dựng nhà ở kiên cố, thoát khỏi cảnh nhà tạm bợ,…
Nhắc lại huyện Mường Nhé có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn có 11 xã đều thuộc xã đặc biệt khó khăn, là huyện duy nhất trong tỉnh có đường biên giới tiếp giáp với 2 nước bạn Lào và Trung Quốc, Phó Thống đốc Thường trực ghi nhận và biểu dương những nỗ đóng góp của cán bộ NHCSXH huyện Mường Nhé nói riêng và NHCSXH tỉnh Điện Biên đã thực hiện tốt vai trò cầu nối thực hiện các chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo và đối tượng yếu thế. Những kết quả hoạt động của huyện góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời góp phần ổn định chính trị, duy trì trật tự xã hội quốc phòng, an ninh và biên giới chủ quyền quốc gia được giữ vững. Niềm tin của nhân dân các dân tộc đối với chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta ngày càng được củng cố và nâng cao.
Tuy nhiên trước bối cảnh tỷ lệ hộ đói nghèo cao chiếm 66,73% dân số huyện, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú động viên các cán bộ tín dụng Phòng giao dịch NHCSXH huyện Mường Nhé phát huy hơn nữa những thành quả hoạt động của mình để tiếp tục hoạt động hiệu quả, an toàn, lành mạnh. Trong đó, cần tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện.
Cán bộ Phòng giao dịch cần tiếp tục làm tốt phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách đặc thù và hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tiễn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhận dịch vụ ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tình hình sử dụng vốn của người vay; công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ của NHCSXH huyện. Đồng thời chủ động trong việc nắm bắt nguồn vốn thu hồi để thực hiện giải ngân kịp thời, vừa tránh để tồn đọng nguồn vốn vừa đáp ứng nhu cầu vay ngày càng tăng của người nghèo và đối tượng chính sách.

PV

Các tin bài khác