Tọa đàm “Chỉ thị số 40-CT/TW - Điểm tựa vững chắc trong hệ thống chính sách giảm nghèo”
Khách mời tham gia Tọa đàm có ông Lê Viết Chữ, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi; ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Vũ Xuân Cường - Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai; ông Y Khút Niê - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Đắk Lắk; ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng Giám đốc NHCSXH.
Vai trò của Chỉ thị 40-CT/TW trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
Phó TBT Báo Đại biểu nhân dân Nguyễn Quốc Thắng (Phó TBT Báo ĐBND): Hiện nay NHCSXH đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình tín dụng chính sách, đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH trong 5 năm qua đã góp phần giúp trên 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 902 nghìn lao động; giúp trên 19 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; trên 301 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập…
Tín dụng chính sách xã hội được thiết kế với một chuỗi các sản phẩm tín dụng để phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo tiến trình phát triển của họ, theo nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo rồi đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đã tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững.
Thưa Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, Chỉ thị số 40 được đánh giá là một Chỉ thị quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với một chính sách thiết yếu, một kênh tín dụng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác vươn lên trong cuộc sống. Vậy sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, ông đánh giá hoạt động tín dụng chính sách đã có sự thay đổi như thế nào?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Có thể nói Chỉ thị số 40 ra đời đến nay đã được 5 năm, Chỉ thị có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp quá trình xóa đói giảm nghèo của đất nước đi vào chiều sâu thực chất. Tôi đánh giá, tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện là “điểm sang” trong chương trình giảm nghèo của đất nước chúng ta. Là ngân hàng đặc thù, nên từ năm 2014, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Chỉ thị số 40 có 5 nội dung: Thứ nhất, là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, các cấp trong việc chỉ đạo tiếp tục chương trình tín dụng cho người nghèo. Thứ hai, là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh vai trò để tăng cường năng lực điều hành của ngân hàng chính sách. Thứ ba, là tiếp tục tập trung nguồn lực cho tín dụng chính sách. Thứ tư, là nâng cao năng lực của NHCSXH. Và mục tiêu cuối cùng của Chỉ thị là việc tổ chức thực hiện.
Có thể khẳng định, sau 05 năm triển khai thực hiện, điểm sáng lớn nhất chính là mô hình tổ chức quản trị đặc thù của NHCSXH hoàn toàn phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế - xã hội của chúng ta.
Thứ hai, NHCSXH đã huy động và quản lý nguồn vốn có hiệu quả, sử dụng đúng mục đích, đem lại hiệu quả cao đối với một ngân hàng thực hiện tín dụng cho nhân dân vay vốn để giảm nghèo.
Thứ ba, nguồn vốn vay đã tăng 69.050 tỷ, tăng 43%. Đây là nguồn lực tăng đáng kể, nâng toàn bộ nguồn vốn tín dụng cho NHCSXH lên 189.505 tỷ đồng. Đây là con số lớn, là thành tựu mà chúng ta tập trung cho giảm nghèo nhằm đạt hiệu quả cao.
Thứ tư, trong suốt quá trình thực hiện, có 10 triệu lượt hộ được vay vốn, như vậy là chúng ta đã bao phủ toàn bộ thôn bản, xã phường. Tôi đánh giá NHCSXH đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, giúp người nghèo xóa nghèo bền vững. Ngoài ra, giúp cho 19.000 lao động có việc làm. Và quan trọng nhất có 1,8 triệu hộ thoát được nghèo. Tôi cho rằng đây là kết quả rất đáng ghi nhất.
Cuối cùng, hiệu quả của nguồn vốn tín dụng của NHCSXH thể hiện ở chỗ nợ quá hạn và nợ khoanh rất thấp, chỉ có 0,75%. Và trong tổng số dư nợ, nợ quá hạn chiếm 0,41%. Tôi cho là đây là thành tựu nổi bật và rất đáng lưu ý.
Phó TBT Báo ĐBND: Sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã góp phần quan trọng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XV của tỉnh. Thưa Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai Vũ Xuân Cường, ông có thể cho biết rõ hơn về hiệu quả kinh tế, xã hội từ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh?
Ông Vũ Xuân Cường: Lào Cai là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tổng số hộ nghèo của tỉnh chiếm 90%. Tỉnh xác định đầu tư cho nông nghiệp nông thôn, đầu tư thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của chính quyền trong nhiều năm qua.
Hàng năm, Lào Cai dành 70% nguồn lực để đầu tư cho khu vực nông thôn. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước còn những hạn chế nhất định, phương thức đầu tư trực tiếp cho người dân có tác dụng trong phạm vi, thời gian nhất định. Tín dụng chính sách ra đời là giải pháp ưu việt tạo nguồn lực quan trọng để thực hiện đầu tư nông nghiệp nông thôn và chương trình giảm nghèo của địa phương.
Chỉ thị số 40 ra đời tạo điều kiện cho địa phương cũng như cho NHCSXH tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng xã hội với sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trên địa bàn. Từ thực tế triển khai, chính sách này rất phù hợp với nhu cầu và nhận thức của người dân, nguồn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn trở thành nguồn lực quan trọng, ổn định, bền vững và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nguồn lực đầu tư trong giảm nghèo.
Qua 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, hiện nay đã có hơn 107.000 lượt hộ dân được vay vốn để phát triển SXKD, tạo việc làm, xóa nhà tạm, cung cấp nước sạch… Doanh số cho vay hàng năm gần 1.000 tỷ đồng với dư nợ đến thời điểm hiện nay lên tới hơn 2.800 tỷ đồng, nguồn lực này giúp cho 40.000 hộ trên địa bàn thoát nghèo. Cùng với nguồn lực của địa phương, nguồn lực của Trung ương đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nguồn tín dụng chính sách này đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Lào Cai từ 34,3% (năm 2015) xuống còn 16,25% (năm 2018), bình quân mỗi năm giảm được 16% tỷ lệ hộ nghèo.
Phó TBT Báo ĐBND: Để thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi thì phương thức và quy trình cho vay là rất quan trọng. Là địa phương thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, có cơ chế để người nghèo tiếp cận được nguồn vốn, tổ chức phát triển sát xuất, đa dạng hóa sinh kế… Ông có thể chia sẻ đôi nét về vấn đề này, thưa Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Lê Viết Chữ?. Nguyên nhân vì đâu mà Quảng Ngãi đạt được những kết quả lớn đến như vậy?
Ông Lê Viết Chữ: Khi tiếp nhận Chỉ thị số 40, tôi có nghiên cứu về Ngân hàng Grameen của Bangladesh, ngân hàng này xuất phát từ ý tưởng của nhà kinh tế học Muhammad Yunus, Bangladesh. Ông cho rằng những người nghèo họ luôn có những ý tưởng rất hay, chúng ta mang đến những đồng vốn ít ỏi cho họ thì sẽ giúp cho họ thoát nghèo bền vững, từ đó thiết kế chính sách tài chính quy mô, tổ chức tài chính cho người nghèo. Từ ý tưởng này, khi triển khai Chỉ thị số 40 tại địa phương, chúng tôi đã có những sáng tạo trong điều kiện của mình.
Cụ thể, Quảng Ngãi đã quán triệt Chỉ thị số 40 cho các cấp uỷ, chính quyền và người dân thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa đặc biệt của việc giảm nghèo, nhất là giảm nghèo bền vững. Giảm nghèo không đơn thuần chỉ là vấn đề xã hội, không chỉ là vấn đề đối xử giữa người này với người kia, mà sâu xa hơn nữa mà là làm thế nào để giảm nghèo bền vững. Khi nào chúng ta còn sự chênh lệch lớn về thu nhập giữa các tầng lớp nhân dân, giữa vùng miền thì chừng đó chúng ta không thể phát triển bền vững được. Do đó, giảm nghèo bền vững vừa có ý nghĩ về mặt kinh tế, vừa có ý nghĩa về mặt xã hội chứ không chỉ đơn thuần là sự giúp đỡ một cách phiến diện. Đó là về mặt nhận thức.
Thứ hai, đó là vai trò quan trọng của lãnh đạo các cấp uỷ, Ban thường vụ cấp uỷ về vấn đề này. Ban thường vụ cấp uỷ phải thường xuyên có chỉ đạo cụ thể thì bộ máy, hệ thống chính trị của mình họ mới vận hành.
Thứ ba, tôi thấy người nghèo, vùng nghèo mỗi nơi có đặc thù riêng và chỉ khi nào họ thấy sự cần thiết từ vùng miền của họ, họ đi lên từ đó thì mới thoát nghèo bền vững được. Vì vậy, các Sở, ban, ngành, các cơ quan có liên quan cần có những khảo sát những đề án cụ thể cho từng vùng miền, từng làng xã; có những hướng dẫn cụ thể để phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông - lâm - ngư nghiệp.
Thứ tư, sự tham gia trực tiếp của các hội viên của các hệ thống chính trị như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… nắm được điểm mạnh, điểm yếu của từng hộ nghèo, kết nối giữa ngân hàng với người nghèo; đưa vốn và hướng dẫn, giám sát việc sử dụng vốn, thu hồi vốn… Sự tham gia của các tổ chức chính trị có hai mặt: vừa giúp cho người nghèo tiếp cận vốn, sử dụng vốn hiệu quả; vừa xây dựng chính trị xã hội, gắn kết với cơ sở.
Chính nhờ những biện pháp đó, sau 05 năm thực hiện, vốn từ NHCSXH đã thực hiện được 17/20 chương trình tại địa phương, có trên 190.000 đối tượng được tiếp cận vốn vay. Trong đó, tập trung cho sinh viên, học nghề, xuất khẩu lao động, vay để thực hiện các chương trình kinh tế như trồng rừng, nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi, xây dựng các công trình nước sạch, làm nhà cho người nghèo.
Sau 05 năm, nếu như năm 2014 tỉnh vẫn còn 15,2% hộ nghèo thì nay giảm xuống còn 7.79% hộ nghèo, đối với các huyện miền núi từ 46,7% giảm xuống 25,6% hộ nghèo. Chúng tôi cũng xây dựng được 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phó TBT Báo ĐBND: Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với hoạt động tín dụng chính sách là giải pháp xuyên suốt trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 40. Là tỉnh có nhiều đồng bào DTTS, đời sống đồng bào gặp nhiều khó khăn, thưa Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Đắk Lắk Y Khút Niê, ông có thể cho biết tại Đắk Lắk 05 năm qua những giải pháp này được triển khai như thế nào?
Ông Y Khút Niê: Đắk Lắk là một tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 12%, trong đó hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm tới 64%. Việc cho vay vốn tín dụng chính sách là chủ chương hết sức đúng đắn và nhân văn của Đảng và Nhà nước. Chỉ thị 40 đã tạo niềm tin cho nhân dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giảm nghèo bền vững, chăm lo cho các đối tượng yếu thế để “không ai bị bỏ lại phía sau”, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Nếu chúng ta không có sự chỉ đạo và lãnh đạo xuyên suốt của Đảng thì những chương trình giảm nghèo sẽ triển khai hết sức khó khăn.Từ khi Chỉ thị số 40 ra đời, tỉnh Đắk Lắk đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo tới các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức rõ hơn vai trò quan trọng và tác động to lớn của tín dụng chính sách, để NHCSXH triển khai tốt Chỉ thị số 40, để nguồn vốn đến với đúng đối tượng, người vay vốn có ý thức trách nhiệm và thực hiện tốt nghĩa vụ của mình.
Sau 05 năm triển khai, tại Đắk Lắk đã có gần 300.000 hộ được vay vốn, với số tiền 4.730 tỷ đồng, tăng 1.729 tỷ đồng so với 2014. Trong đó, dư nợ với đồng bào DTTS là hơn 1.600 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% xã, phường trên toàn tỉnh; trong đó ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào DTTS, vùng khó khăn. Đối tượng vay đa phần là hộ nghèo, các đồng bào thiểu số, sinh viên học sinh cần vay để đi học, xuất khẩu lao động. Kết quả thực hiện chính sách tín dụng gắn với giảm nghèo bền vững rõ nhất đó là, nếu như năm 2014, Đắk Lắk có tới 45% là hộ nghèo thì nay chỉ còn hơn 12%.
Thông qua chương trình vay vốn, tỉnh đã hộ trợ được rất nhiều các hộ nghèo và HSSV có điều kiện tiếp tục học tập, phát triển kinh tế. Đặc biệt, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên, dư giả. Đó chính là vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong việc chỉ đạo, đưa chính sách thoát nghèo bền vững mà không ai có thể phủ nhận.
Phó TBT Báo ĐBND: Có thể nói, Chỉ thị số 40 đã có tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến nhận thức của chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách. Qua thực tiễn triển khai, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của nguồn lực địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội nói chung và hoạt động của NHCSXH nói riêng, thưa Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý?
Ông Nguyễn Văn Lý: Có thể nói, việc tập trung, tăng cường nguồn lực là một trong những mục tiêu của Chỉ thị này. Qua 05 năm vừa rồi, nguồn vốn ngân sách tăng 1,6 lần so với trước khi thực hiện Chỉ thị. Đặc biệt, nguồn vốn của các chính quyền địa phương, với sự chỉ đạo, quan tâm của các cấp ủy Đảng, cấp tỉnh, cấp huyện, đã chuyển sang NHCSXH cho vay đối tượng chính sách ở địa phương tăng vượt bậc, đến nay đã đạt 14.600 tỷ đồng, tăng 10.800 tỷ đồng so với khi bắt đầu thực hiện, đây là một con số rất ấn tượng.
Đến nay, 100% địa phương đã ủy thác qua ngân hàng chính sách, bình quân một địa phương cấp tỉnh là 230 tỷ đồng, trong đó có địa phương đạt tỷ lệ cao như: Hà Nội là 2.900 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh là 2.200 tỷ đồng. Ngoài ra, các tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn cũng rất quan tâm đến vấn đề này, trong đó, tỉnh Đắk Lắk là 220 tỷ đồng, Quảng Ngãi 160 tỷ đồng, Lào Cai 90 tỷ đồng… Nguồn vốn ngân sách chuyển ủy thác trước hết nhằm hỗ trợ nguồn vốn Trung ương cho vay các đối tượng chính sách, như hộ nghèo, hộ cận nghèo, HSSV, xuất khẩu lao động… Nhiều địa phương chuyển sang để cho vay thêm các đối tượng chính sách mà Đảng, cấp ủy, HĐND đó mở rộng thêm, phù hợp với từng địa phương. Qua đó, tạo nên nguồn lực lớn để góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, góp phần thực hiện dự án tại địa phương. Khi chính quyền địa phương, thực hiện chỉ đạo của Đảng, chuyển nguồn vốn sang cho vay tại địa phương, góp phần làm sâu sắc thêm ý nghĩa của Chỉ thị số 40 đối với chính địa phương đó, góp phần củng cố mối quan hệ giữa nhân dân và cấp ủy, chính quyền địa phương. Cấp ủy, chính quyền địa phương gắn bó hơn với nhân dân và thể hiện trách nhiệm của mình tốt hơn.
Để nguồn vốn đến kịp thời, đúng đối tượng - những nút thắt cần tháo gỡ
Phó TBT Báo ĐBND: Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách. Một số chương trình tín dụng chính sách có thời hạn cho vay dài, nhu cầu vay vốn lớn nhưng chưa bố trí nguồn lực tương ứng, như: cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP của Chính phủ; cho vay giải quyết việc làm cho người dân khôi phục sản xuất sau sự cố môi trường biển theo Quyết định 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, bên cạnh những tỉnh, thành phố quan tâm bố trí nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH, thì vẫn còn một số địa phương dành nguồn lực từ ngân sách để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn còn hạn chế…
Trong giai đoạn hiện nay, nguồn vốn để đầu tư phát triển, hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn rất lớn. Mức cho vay của NHCSXH ở một số chương trình dù được nâng lên nhưng chưa đáp ứng nhu cầu. Vậy theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai vấn đề này cần được giải quyết như thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Cường: Hiện nay nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho giảm nghèo là rất lớn nhưng đầu tư bằng cách nào để nguồn vốn được sử dụng hiệu quả mới là vấn đề cần quan tâm. Trước hết, Nhà nước cần phải tập trung vào đầu tư hạ tầng thiết yếu cho những vùng khó khăn; hỗ trợ người dân thông qua vốn sự nghiệp của chương trình để thực hiện sinh kế.
Theo đó, đẩy mạnh phương thức hỗ trợ người dân thực hiện các chương trình mục tiêu từ “cho không” sang “cho vay” để nâng cao tính chủ động của người dân trong việc vươn lên thoát nghèo, làm giàu và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tư duy sản xuất hàng hóa, tư duy kinh tế thị trường, chủ động trong phát triển kinh tế gia đình.
Trong giai đoạn tới, Nhà nước cần phải tập trung nguồn lực cho chương trình mục tiêu, không để dàn trải trong giảm nghèo. Đối với chính sách hỗ trợ cho người dân, nên tập trung đầu mối qua Ngân hàng chính sách để cho vay theo mục tiêu của chương trình.
Đối với cấp ủy chính quyền địa phương, tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư để tạo hoạt động của ngân hàng chính sách trên địa bàn thuận lợi về điều kiện hoạt động, điều kiện tăng nguồn vốn thông qua việc ủy thác thực hiện chương trình cho vay giảm nghèo từ nguồn ngân sách của địa phương mình.
Đối với NHCSXH cần mở rộng hình thức nguồn vốn, từ đó nâng cao nguồn vốn, hình thức cho vay nên mở rộng đối tượng hơn, phối hợp tốt các nguồn của các cơ quan tổ chức trên địa bàn, huy động được nguồn vốn nhàn rỗi của nhân dân thông qua Tổ tiết kiệm, vay vốn ở cơ sở. Bên cạnh đó, phải chủ động thay đổi phương thức cho vay để tăng tốc độ luân chuyển của đồng vốn vay bằng cách phối hợp với các đoàn thể, cơ quan chuyên môn trên địa bàn để hướng dẫn người dân sử dụng vốn vay có hiệu quả nhất, tạo điều kiện cho các hộ dân thực hiện vay vốn theo chương trình tín dụng chính sách của nhà nước.
Phó TBT Báo ĐBND: Nâng cao thu nhập cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới giảm nghèo bền vững là mục tiêu của Đảng và Chính phủ. Đối với Đắk Lắk, là tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với bình quân cả nước thì chính quyền địa phương đã làm gì để hiện thực hóa mục tiêu này theo Chỉ thị 40, thưa Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Đắk Lắk?
Ông Y Khút Niê: Đối với tỉnh Đắk Lắk, từ khi có Chỉ thị số 40, tỉnh đã có những văn bản chỉ đạo tới các Sở, ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội triển khai tốt Chỉ thị số 40, để các hộ nghèo, đồng bào DTTS được tiếp cận vốn vay. Đặc biệt, tỉnh dành nguồn vốn ngân sách ủy thác qua NHCSXH tỉnh để cho vay năm 2014 là 119,4 tỷ đồng; đến ngày 30.6.2019 là 217,7 tỷ đồng; tăng hơn 98 tỷ đồng. Trong đó, cấp tỉnh chuyển sang tăng 48 tỷ đồng; cấp huyện chuyển sang tăng 42 tỷ đồng. Sự chung tay của chính quyền trong việc tạo nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội càng lan tỏa giá trị trong chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước.
Tôi đồng tình với nhiều đại biểu về việc, chính sách hỗ trợ cho người nghèo chuyển từ “cho không” sang “cho vay”, người dân sẽ ý thức, trách nhiệm hơn với nguồn tiền mà mình được vay và hỗ trợ. Để làm tốt việc cho vay, chúng tôi lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác để thực hiện có hiệu quả; thực hiện tốt việc rà soát và kịp thời cập nhật, bổ sung hộ nghèo, hộ cận nghèo, đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện, có nhu cầu đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Với tinh thần trách nhiệm cao, không nề hà khó khăn, sẵn sàng cầm tay chỉ việc cho đồng bào, tôi cho rằng nếu không có sự dẫn dắt này đồng bào sẽ không thể sử dụng tối ưu nguồn vốn được vay.
Phó TBT Báo ĐBND: Nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 40, việc trích một phần ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để hỗ trợ cho vay đã “tiếp sức” cho hàng ngàn hộ dân nghèo được vay vốn. Xin ông đánh giá những thuận lợi và khó khăn khi triển khai thực hiện và đánh giá tổng quan tác động của vốn tín dụng ưu đãi đối với lộ trình giảm nghèo tại Quảng Ngãi như thế nào, thưa Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi?
Ông Lê Viết Chữ: Tôi cho rằng, các tỉnh nghèo trong quá trình phát triển, trước hết phải có dự án tốt hoặc kế hoạch sản xuất khả thi. Điều quan trọng nhất là các cơ quan cần có kế hoạch phát triển cho từng vùng, định hướng phát triển sản xuất cho người dân.
Trên cơ sở chính sách chung của vùng miền, của từng địa phương, các tín dụng viên, các hội viên giúp người dân tạo kế sinh nhai trong sử dụng vốn vay. Và khi dự án đã bảo đảm mang lại lợi ích cho người dân, không mất vốn, sinh lời thì sẽ có nguồn vốn. Chương trình sản xuất, kế hoạch sản xuất cần phát triển được nguồn vốn vay, có như vậy người dân mới tự giác thực hiện.
Thực tế hiện nay, việc giúp người dân giảm nghèo phân tán ở nhiều lĩnh vực nên cần tập trung thành một đầu mối. Vừa rồi Quốc hội bàn về Đề án phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số thì hướng là một đầu mối như vậy sẽ huy động được nguồn lực tập trung.
Nhà nước cần ưu tiên hơn trong việc bố trí vốn cho ngân hàng chính sách xã hội vì hiệu quả của nó cả về mặt xã hội, cả về mặt kinh tế. Nguồn vốn phải tạo động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo, chứ không cam chịu mình là hộ nghèo nữa.
Cụ thể hóa Chỉ thị 40-CT/TW, phát huy cầu nối giữa ý Đảng - lòng dân
Phó TBT Báo ĐBND: Có thể khẳng định, việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng của Đảng và Nhà nước; thực hiện hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng; củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, các Bộ ngành, địa phương, các cơ quan liên quan cần ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của NHCSXH. Đặc biệt, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn nữa các công việc được NHCSXH uỷ thác bảo đảm cho vay đúng chính sách đúng đối tượng, giúp người nghèo sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả cải thiện đời sống và có nguồn vốn trả nợ ngân hàng.
Phó TBT Báo ĐBND: Từ những kết quả đạt được sau 05 năm thực hiện Chỉ thị 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, theo Phó Tổng Giám đốc NHCSXH, chúng ta có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm gì?
Ông Nguyễn Văn Lý: Vừa rồi, NHCSXH kết hợp với Ban Kinh tế Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức sơ kết Chỉ thị số 40, tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về Chỉ thị này, có nhiều Đoàn khảo sát đánh giá tham gia. Qua đó, rút ra nhiều bài học kinh nghiệm:
Thứ nhất, để Chỉ thị hoặc chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, thì Chỉ thị, chủ trương, chính sách ấy phải xuất phát từ thực tiễn, phản ánh được nguyện vọng của nhân dân. Tín dụng chính sách đã hoạt động gần 18 năm nay, đã đi vào cuộc sống. Từ khi có Chỉ thị này, chủ trương Đảng với tín dụng chính sách đã đi vào cuộc sống rất tốt, phản ánh được thực tiễn cuộc sống.
Thứ hai, quá trình tổng kết cho thấy, việc chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, sẽ góp phần đưa Chỉ thị, chính sách đi vào cuộc sống nhanh nhất, thành công, tránh tình trạng nửa vời như một số chương trình.
Thứ ba, cấp ủy, địa phương nào khi thực hiện triển khai Chỉ thị này tốt, thì ở địa phương đó, tín dụng NHCSXH hoạt động lưu loát hơn, được tập trung nguồn lực tốt hơn, hiệu quả và góp phần tích cực vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương, như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm. Và ngược lại, có nơi, có lúc một số địa phương chưa làm tốt, hiệu quả chưa cao.
NHCSXH là cơ quan được Chính phủ giao làm tín dụng chính sách, cơ quan được giao tham ưu cho cấp ủy Đảng, địa phương triển khai tốt Chỉ thị này. NHCSXH đã có những kế hoạch, hoạt động bám sát, chủ động, tích cực, liên tục từ đó tham mưu tốt cho các cấp ủy Đảng triển khai Chỉ thị này, góp phần đưa Chỉ thị vào cuộc sống tốt hơn.
Bài học tiếp theo là quan tâm đến công tác truyền thông, tuyên truyền. Chủ trương lớn, một Chỉ thị nhân văn của Đảng nếu không truyền thông tốt sẽ không đi vào cuộc sống.
Có thể thấy, tín dụng ngân hàng chính sách vốn đã nhân văn, đã đi vào cuộc sống, cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhưng từ khi có Chỉ thị này càng tăng thêm hiệu quả của tín dụng chính sách. Từ khi thực hiện Chỉ thị này các cấp ủy, tín dụng tín sách đã đến người dân tốt hơn, thuận lợi hơn. Ông cha ta đã nói rằng: “của cho không bằng cách cho”, khi tổ chức Đảng, cơ sở vào cuộc, việc đưa vốn về tốt hơn, từ đó tín dụng chính sách hiệu quả hơn. Từ đây, Đảng gần dân hơn, và ngược lại hoạt động của cấp ủy Đảng, hoạt động tín dụng chính sách tích cực, người dân cảm nhận được sự quan tâm của Đảng với người dân.
Có thể nói, từ khi Chỉ thị số 40 được triển khai thực hiện từ cơ sở, đi vào cuộc sống hàng ngày, vào các hệ thống chính trị, làm cho mối quan hệ máu thịt của Đảng và nhân dân sâu sắc hơn.
Thực hiện Chỉ thị 40 là kết quả kép đạt trên nhiều mặt trong hoạt động Đảng cũng như cuộc sống, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Phó TBT Báo ĐBND: Tín dụng chính sách đóng vai trò không nhỏ trong việc tạo động lực cho tỉnh Đắk Lắk thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, Đắk Lắk sẽ dành sự ưu tiên nào để Chỉ thị số 40 tiếp tục là “đòn bẩy” cho hộ nghèo, vùng nông thôn khó khăn, thưa Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Đắk Lắk?
Ông Y Khút Niê: Tín dụng chính sách rất hiệu quả và đi vào lòng dân, ngoài thúc đẩy kinh tế - xã hội, tín dụng chính sách còn góp phần phòng, chống tín dụng đen. Hiện nay, nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn, nhưng đầu tư nguồn lực thì còn hạn chế. Để tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh sẽ có 6 vấn đề sau:
Thứ nhất, tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục dành một phần kinh phí từ ngân sách để tiếp tục bổ sung vào nguồn vốn tín dụng để ủy thác cho NHCSXH nhằm tiếp tục cho vay, để củng cố và tăng thêm lượng vốn cho nhân dân.
Thứ hai, về trách nhiệm của các tổ chức xã hội và Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh cần tiếp tục huy động nguồn lực từ bên ngoài để tiếp tục hỗ trợ thêm nguồn vốn này.
Phó TBT Báo ĐBND: Cùng câu hỏi trên, xin Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho biết tại Quảng Ngãi sẽ dành sự ưu tiên thế nào? Theo ông, đâu là giải pháp để thực hiện tốt hơn các nội dung được đề cập trong Chỉ thị số 40 trên địa bàn tỉnh?
Ông Lê Viết Chữ: Tôi cho rằng, cần phải làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, nhất là các cơ quan triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 về việc giảm nghèo bền vững. Đó là chính sách kinh tế - xã hội.
Thứ hai, tôi nghĩ là cần có nhiều hơn nữa các chính sách tạo động lực, truyền thông tuyên truyền để cho từng hộ nghèo cảm thấy khát khao, có động lực vươn lên thoát nghèo. Họ cảm thấy tự hào khi họ không còn nghèo nữa.
Thứ ba, các cơ quan chuyên môn của các địa phương cần nhất là phải có chương trình kế hoạch sản xuất cụ thể, đảm bảo các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu đều được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách để đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Thứ tư, hơn ai hết các cơ quan đoàn thể, chính trị cơ sở phải đồng hành cùng NHCSXH và người dân trong tất cả các khâu vay vốn, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… Chừng nào có những người đồng hành như vậy, dân mới yên tâm vay vốn để làm, chừng nào làm được như vậy thì nguồn vốn mới được sử dụng hiệu quả. Tôi nghĩ đó là những giải pháp cấp bách.
Nguồn vốn và nhu cầu vay vốn của người dân rất lớn, tuy nhiên nguồn lực của chúng ta đang hạn chế, do đó tôi kiến nghị cả Trung ương lẫn các địa phương và toàn hệ thống chính trị huy động nhiều nguồn lực bằng nhiều phương thức khác nhau trong xã hội để giúp cho người nghèo.
Đăc biệt, tôi nghĩ là nên có cách chính sách để tăng liều lượng cho vay cho phù hợp. Ví dụ sinh viên thì tăng mức cho vay lên 2,5 - 3 triệu đồng để có thể đủ để đi học; hoặc ví như các dự án kinh tế có thể tăng lên 100 - 150 triệu đồng, tuỳ theo điều kiện cụ thể của đề án.
Bên cạnh đó, chu kỳ vay vốn không thể cầu toàn là 5 năm nay 7 năm mà phải xét trên điều kiện cụ thể. Và điều quan trọng nữa là kịp thời. Muốn kịp thời thì phải đơn giản các thủ tục và có những người đồng hành cùng người dân, ví dụ như các đoàn viên, hội viên chính trị - xã hội, các thành viên NHCSXH phải giúp cho người dân tiếp cận dễ dàng, thuận tiện, an toàn. Như vậy việc huy động nguồn lực, sử dụng nguồn lực có hiệu quả và quan trọng nhất là dân mình nhanh được thoát nghèo, vươn lên khá giả.
Phó TBT Báo ĐBND: Thưa Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, là người gắn bó, đồng hành với hoạt động tín dụng chính sách xã hội và giám sát thực hiện chính sách này đối với người nghèo, vì mục tiêu giảm nghèo bền vững những năm qua, theo ông, cần cụ thể hóa, phát huy những mục tiêu Chỉ thị số 40 đã đề ra như thế nào để tạo điều kiện thuận lợi nhất để người nghèo tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững?
Ông Bùi Sỹ Lợi: Ủy ban Về các vấn đề xã hội luôn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho giám sát chương trình này trong suốt quá trình thực hiện tín dụng vay vốn cho người nghèo.
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nghèo tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững, tôi đề nghị:
Một là, tiếp tục đề xuất Chính phủ, Quốc hội mở rộng hạn mức bảo lãnh để phát hành trái phiếu cho NHCSXH tăng nguồn vốn.
Hai là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Thứ ba, đề nghị các ĐBQH ủng hộ việc phê duyệt vốn trung hạn từ nguồn vốn Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và xem xét ban hành một Luật Tín dụng chính sách xã hội để coi đây là cơ chế chính sách để tổng kết, đánh giá trong quá trình thực hiện chính sách của chúng ta.
Thứ tư, chúng ta tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, Chính phủ phê duyệt được Chiến lược để củng cố NHCSXH.
Thứ năm, cần tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức quốc tế, thông qua NHCSXH để xử lý nguồn vốn có hiệu quả.
Thứ sáu, thành công của tín dụng chính sách đó là vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Do đó, chúng ta tiếp tục phát huy vai trò của các thành viên mặt trận, tiếp tục tham gia vào việc thực hiện cho vay vốn để giảm nghèo bền vững, bên cạnh đó là giám sát và phản biện chính sách.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, cần tiếp tục tập trung huy động vốn để triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong hoạt động tín dụng. Bên cạnh đó, cần tăng cường tính chủ động, không để đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn mà không được tiếp cận nguồn vốn, nâng cao ý thức trách nhiệm của người thụ hưởng chính sách… Các tổ chức chính trị, xã hội cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đảm bảo chủ trương tín dụng chính sách xã hội đến được với các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nhóm PV lược ghi
Các tin bài khác
- » Đoàn cán bộ cấp cao ASDP - Nepal làm việc tại VBSP
- » Động lực mới giúp Hà Tĩnh giảm nghèo bền vững
- » Hỗ trợ giúp gần 72.000 lượt hộ vượt qua ngưỡng nghèo trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
- » Chủ trương của Đảng, ý nguyện của dân (Bài cuối - Bài học kinh nghiệm từ cơ sở)
- » Chủ trương của Đảng, ý nguyện của dân (Bài 3 - Nhiều cách làm sáng tạo trên đất sen hồng)
- » Chủ trương của Đảng, ý nguyện của dân (Bài 2 - Nuôi giấc mơ đến trường ở vùng quê nghèo)
- » Chủ trương của Đảng, ý nguyện của dân (Bài 1 - Gieo vốn trên đỉnh mây ngàn)
- » 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ở Đồng Tháp: Nhân lên niềm tin
- » Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ 20, nhiệm kỳ 2015 - 2020
- » Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng tiếp và làm việc với Đoàn cán bộ cấp cao BIRD