Tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình giao dịch lưu động

27/03/2021
(VBSP News) Có thể nói, một trong những mô hình góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trong thời gian qua chính là mô hình giao dịch lưu động. Với phương châm “sát dân, gần dân và giúp dân”, mô hình này đã và đang được các địa phương trong tỉnh tích cực thực hiện.
bac lieu

Người dân huyện Hồng Dân nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã Ninh Quới A

Đến nay, NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đã đặt 64 Điểm giao dịch tại 64 xã, phường trên toàn tỉnh. Tại các Điểm giao dịch xã được trang bị đầy đủ biển chỉ dẫn, biển hiệu, bản tin, thông báo chính sách, hòm thư góp ý, các trang thiết bị làm việc để đảm bảo phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng ưu đãi của Chính phủ đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; đồng thời, tiết giảm các khoản chi phí của người vay, thực hiện dân chủ, công khai việc sử dụng vốn tín dụng chính sách và tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc kiểm tra, giám sát và giúp đỡ người vay sử dụng vốn có hiệu quả, NHCSXH tỉnh đã chỉ đạo Phòng giao dịch các địa phương tổ chức hoạt động giao dịch lưu động tại các xã, phường.
Với hình thức giao dịch trực tiếp, tại trụ sở UBND mỗi xã, phường, thị trấn đặt một điểm giao dịch lưu động, mỗi tháng ít nhất một lần, tổ giao dịch lưu động của NHCSXH trực tại Điểm giao dịch xã để thực hiện giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm và triển khai các công việc quản lý vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã. Các thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi, danh sách hộ vay, tình hình dư nợ của hộ dân trên địa bàn xã được niêm yết công khai tại bảng tin NHCSXH tại Điểm giao dịch xã.
Đơn vị tích cực trong thực hiện mô hình này là NHCSXH huyện Hồng Dân. Hàng tháng, NHCSXH huyện tổ chức giao dịch đầy đủ, đúng lịch, vận chuyển tiền xuống tận Điểm giao dịch xã để giải ngân, thu nợ, thu lãi tại điểm giao dịch, tạo thuận lợi và tiết kiệm chi phí, thời gian cho người vay. Công tác giao ban hàng tháng giữa ngân hàng với chính quyền cấp xã và các tổ chức đoàn thể làm ủy thác cấp xã được duy trì đều đặn, qua đó đã góp phần quản lý và nâng cao hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách.
Là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, do vậy cán bộ, nhân viên của NHCSXH huyện Hồng Dân luôn chủ động tổ chức giao dịch tại các địa phương và xem đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong nâng cao chất lượng hoạt động tại mỗi phiên giao dịch xã. Nếu như trước đây, người dân ở các xã vùng sâu như Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A khi đến hạn phải lên trung tâm huyện để giao dịch, thì với mô hình này đã giúp người dân tiết kiệm được chi phí đi lại, cũng như không mất nhiều thời gian để di chuyển. Năm 2020, NHCSXH huyện Hồng Dân được xem là đơn vị tiêu biểu trong giữ vững tăng trưởng tín dụng và không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách so với các địa phương khác.
Trong năm 2020, NHCSXH tỉnh, các huyện đã phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã, phường, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức 768 phiên giao dịch tại trụ sở UBND các xã để tuyên truyền, hướng dẫn người vay lập hồ sơ vay vốn và thực hiện các giao dịch cho vay, thu nợ, thu lãi…, đảm bảo an toàn hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Việc tổ chức điểm giao dịch tại xã đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác giảm chi phí đi lại trên 15 tỷ đồng. Do vậy, NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các Phòng giao dịch và các địa phương tiếp tục phát huy hiệu quả mô hình này.

Ngọc Châu

Các tin bài khác