Đòn bẩy giúp giảm nghèo bền vững

30/03/2021
(VBSP News) Không chỉ ở huyện Lập Thạch hay Tam Đảo, giờ đây, đời sống nhân dân các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã “thay da, đổi thịt”. Điều đó có sự đóng góp của các cấp, các ngành thông qua hoạt động tín dụng chính sách, tạo động lực chính giúp giấc mơ thoát nghèo của các hộ dân trở thành hiện thực.
vinh phuc

Người nghèo nhận vốn vay ưu đãi tại Điểm giao dịch xã

Đưa nguồn vốn ưu đãi đến người dân
Nhiều năm qua, chủ trương giảm nghèo từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đang được tỉnh Vĩnh Phúc xem là bước đi hiệu quả, thiết thực, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo tại địa phương.
Xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch từng là một xã có tỷ lệ hộ nghèo khá cao, nhưng đến nay, xã chỉ còn 28 hộ nghèo. Kết quả này có được chính là nhờ chủ trương đầu tư phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là nguồn tín dụng chính sách ưu tiên cho người dân vùng nông thôn. Chủ tịch UBND xã Thái Hòa Nguyễn Anh Chiến chia sẻ: Nguồn vốn vay của NHCSXH đến với người dân trên địa bàn xã Thái Hòa trong những năm qua là rất hiệu quả. Xã Thái Hòa có 16 Tổ tiết kiệm và vay vốn với hơn 550 hộ vay vốn. Chính sách quản lý nguồn vốn vay và phát triển kinh tế luôn được nâng cao. Nhờ đó, tỷ hộ nghèo của xã đã giảm xuống còn 1,16%. Xã Thái Hòa sớm về đích nông thôn mới từ năm 2013 và đang tích cực xây dựng nông thôn mới nâng cao trên cơ sở lấy phát triển kinh tế của người dân làm nền tảng chính.
5 năm trước, cuộc sống gia đình chị Ngụy Hồng Cúc ở thôn Đại Lương, xã Thái Hòa rất vất vả. Hai vợ chồng chị mới ra trường chưa có việc làm ổn định, thu nhập không đủ để nuôi con và trang trải cho sinh hoạt của gia đình. Được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng của NHCSXH huyện Lập Thạch, gia đình chị Cúc đã vay mượn thêm anh em họ hàng để đầu tư vào nuôi cá lồng trên sông Phó Đáy. Đến nay, gia đình chị có 8 lồng nuôi các loại cá chép, cá trắm, cá rô phi với doanh thu gần 2,5 tỷ đồng; sau khi trừ chi phí, chị Cúc thu lãi gần 450 triệu đồng/năm. Không những có nguồn thu nhập ổn định, mô hình kinh tế của gia đình chị Cúc còn tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hà ở thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo trước đây cũng thuộc diện hộ kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2016, chị được NHCSXH huyện Tam Đảo tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi. Với số vốn vay được, chị đầu tư mua bò và đầu tư máy móc về sản xuất mì. Từ các mô hình kinh tế này, kinh tế gia đình chị Hà dần ổn định, có đồng ra đồng vào để xây dựng nhà cửa, chăm sóc và nuôi các con ăn học.
Bên cạnh việc được tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng, người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc còn được NHCSXH tỉnh đã tạo điều kiện để tiếp cận vốn vay ưu đãi xây dựng công trình nước sạch. Gia đình bà Văn Thị Cảnh ở xã Thái Hòa vừa hoàn thiện hệ thống cấp nước sạch cho gia đình từ nguồn vốn vay của NHCSXH. Bà Cảnh chia sẻ: “Được NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng để xây mới hệ thống dẫn nước và lọc nước sạch cho gia đình, gia đình tôi đã thuận tiện và yên tâm hơn trong sinh hoạt, nhất là trong mùa khô thiếu nước”.
Nâng cao chất lượng tín dụng
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc Tạ Ngọc Thảo cho biết: Năm 2020, cùng với việc chỉ đạo đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyển tải vốn tín dụng đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn; hỗ trợ phục hồi SXKD, gắn với bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Trong năm 2020, đã có hơn 25.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vốn vay của NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc; trong đó có 940 lượt hộ nghèo, 2.031 lượt hộ cận nghèo, 2.942 lượt hộ mới thoát nghèo; giải quyết việc làm cho 6.700 lao động, vay vốn cải tạo xây dựng 11.975 công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn, 104 hộ vay vốn nhà ở xã hội… Doanh số cho vay hộ nghèo đạt gần 66 tỷ đồng, hộ cận nghèo đạt gần 139 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo đạt trên 200 tỷ đồng, cho vay hộ DTTS miền núi đạt gần 2,9 tỷ đồng.
Để các hộ nghèo được tiếp cận nguồn vốn vay thuận tiện, NHCSXH tỉnh Vĩnh Phúc luôn củng cố hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, từng bước đóng góp vào thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 2.288 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Các tổ tiết kiệm và vay vốn ở 136 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện hiệu quả việc quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách từ khâu bình xét, lựa chọn người vay, giám sát người vay trong việc sử dụng vốn đúng mục đích; đôn đốc người vay trả lãi tiền vay và nợ gốc đúng thời hạn.
Bên cạnh đó, hoạt động ủy thác do NHCSXH các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thực hiện có hiệu quả, không chỉ tăng lên về quy mô mạng lưới và dư nợ mà chất lượng hoạt động ủy thác tiếp tục được nâng lên rõ rệt. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc năm 2020 còn 0,98%.

Bài và ảnh Nguyễn Thảo

Các tin bài khác