Dấu ấn nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ở TX An Nhơn

29/03/2021
(VBSP News) Với dư nợ tăng trưởng so với đầu năm cao nhất tỉnh, nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH TX An Nhơn (Bình Định) đã và đang phát huy hiệu quả, hỗ trợ người vay vốn thay đổi cuộc sống.
binh dinh

Mô hình vay vốn của gia đình bà Huỳnh Thị Diêu

Vốn đi vào cuộc sống
Một mình nuôi 4 người con, bà Huỳnh Thị Diêu ở thôn An Hòa, xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn, nhiều năm thuộc diện hộ nghèo. Hai năm gần đây, khi 3 cô con gái đã lấy chồng, chỉ còn cô gái út đang học đại học tại TP Hồ Chí Minh, cảnh nhà bà Diêu mới bớt đi phần nào vất vả, khó khăn.
Cuối năm 2019, bà Diêu vay 50 triệu đồng từ vốn hộ nghèo của NHCSXH TX An Nhơn để mua bò giống về nuôi. Bà kể: “Tôi run lắm. Từ trước đến giờ, chưa bao giờ một lúc cầm số tiền lớn trong tay như vậy. Nỗi lo làm tôi nghĩ đến những tình huống xấu như lỡ con bò mắc bệnh chết, bò không sinh được, mình lấy gì trả vốn vay. May mắn là mọi việc thuận buồm xuôi gió. Bò sinh sản bình thường. Các cô con gái cũng phụ mẹ chút ít để nuôi em ăn học. Đến cuối năm 2020, tôi ra khỏi diện hộ nghèo”.
Bà Diêu trồng cỏ trên phần đất của nhà, cắt cỏ, nấu cháo để nuôi bò. Bà đã xuất bán được con nghé đầu tiên vào năm 2020. Con nghé thứ hai đang lớn, gần đến ngày xuất chuồng. Mỗi lần nhìn vào chuồng bò, bà cứ mong “số vốn để dành” đó sẽ nhân lên thuận lợi để bà trả nợ vay đúng hạn. Gần nhà bà Diêu, một số hộ vay khác cũng đang phấn khởi khi được thụ hưởng chương trình cho vay tái đàn heo từ ngân sách tỉnh ủy thác cho NHCSXH tỉnh Bình Định. TX An Nhơn có 494 hộ đang dư nợ từ chương trình này với tổng số tiền 25 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thanh Tùng là hộ nuôi heo với quy mô thường xuyên khoảng 50 con, chia sẻ: “Nghề nuôi heo bấp bênh. Năm được giá heo thì mình cũng không vội mừng, bởi sẽ có những năm mất giá hoặc dịch bệnh. Dịch tả heo châu Phi làm khốn đốn hộ nuôi heo như tôi. Sau khi hết dịch, vợ chồng tôi cố gắng tái lại đàn. Vì đây là nghề của mình, bao nhiêu năm dựa vào nuôi heo, nấu rượu mà nuôi con. Tháng 5 năm ngoái, tôi được NHCSXH thị xã cho vay 80 triệu đồng. Nói vay nhưng thật ra là cho mượn, bởi không tính lãi. Số tiền không quá lớn nhưng thể hiện được sự quan tâm của tỉnh đối với hộ chăn nuôi. Tôi dành số tiền này để mua 20 con heo con và 2 con heo nái”.
Bà Nguyễn Thị Hương ở thôn An Hòa, xã Nhơn Khánh, TX An Nhơn, một hộ nuôi heo khác được thụ hưởng chương trình vay tái đàn heo nói thêm: “Vài ngày nữa là tôi sẽ xuất chuồng 11 con heo. Giá heo hiện nay cũng khá ổn. Đây là niềm an ủi đối với chúng tôi. Còn 3 tháng nữa là đến hạn trả nợ vay 80 triệu đồng, tôi hy vọng đến lúc đó, sẽ xuất bán thêm một lứa heo nữa (khoảng 9 con heo) để gom góp, trả nợ cho đúng hạn”.
Dư nợ tăng trưởng
Tính đến đầu tháng 3/2021, NHCSXH TX An Nhơn là đơn vị có dư nợ tăng trưởng so với đầu năm cao nhất tỉnh. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến ngày 13/3/2021 đạt gần 407 tỷ đồng. Dư nợ tăng trưởng so với đầu năm hơn 23,7 tỷ đồng. Các chương trình vay có dư nợ tăng trưởng lớn như: Chương trình cho vay HSSV, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ cận nghèo… Điều này phản ánh khả năng đưa vốn vay đến hộ có nhu cầu vay vốn lớn.
NHCSXH TX An Nhơn có 242 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở 15 xã, phường. 240/242 tổ hiện được đánh giá, xếp loại giỏi về chất lượng hoạt động ủy nhiệm. 2 tổ còn lại đang xếp loại khá.
Bà Lê Thị Lang - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn An Hòa, xã Nhơn Khánh cho biết: “Dư nợ hiện nay của tổ đạt trên 2,5 tỷ đồng,. Nhu cầu vay vốn của bà con trên địa bàn thôn tôi khá lớn. Hầu hết, bà con đều đầu tư cho chăn nuôi, bởi đây là nghề chính, giúp bà con có thu nhập để nuôi gia đình. Là Tổ trưởng, tôi luôn phát huy vai trò của mình, giúp các hộ là đối tượng cho vay chính sách đủ điều kiện vay vốn theo quy định tiếp cận với nguồn vốn”.
Bên cạnh đó, NHCSXH TX An Nhơn cũng là đơn vị có nhiều nỗ lực trong triển khai chương trình vay trả lương ngừng việc theo Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thị xã có 8 doanh nghiệp đã được giải ngân vốn với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Bài và ảnh Nguyễn Muội

Các tin bài khác