Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách ngày càng nâng cao

28/04/2021
(VBSP News) Sau gần 3 năm thực hiện Đề án củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng (Đề án), được sự quan tâm của NHCSXH Trung ương, sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp trách nhiệm của NHCSXH tỉnh Bạc Liêu nên hoạt động tín dụng chính sách từng bước đi vào ổn định. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác và hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn, nguồn vốn được giải ngân kịp thời, đúng quy trình, đúng đối tượng thụ hưởng, chất lượng tín dụng từng bước được cải thiện…
bac lieu

Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Bạc Liêu kiểm tra chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng ở huyện Hồng Dân

Vẫn còn gặp khó
Có thể nói, với việc tích cực thực hiện tốt tín dụng chính sách, NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đã góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu tăng trưởng và an sinh xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án trong giai đoạn từ 31/8/2018 - 31/3/2021 cũng còn gặp một số khó khăn như: tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, xâm nhập mặn kéo dài; dịch Covid - 19 diễn biến khó lường; dịch tả heo châu Phi tác động xấu đến tâm lý sản xuất và tiêu dùng của người dân; giá cả các loại nguyên liệu, nhiên vật liệu phục vụ sản xuất và đời sống vẫn ở mức cao so với các sản phẩm của nông dân; đời sống của người nghèo, các đối tượng chính sách còn gặp không ít khó khăn, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách…
Ngoài những khó khăn mang tính khách quan, việc triển khai, quán triệt, thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 05 của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” chưa được các chi bộ cơ sở thật sự quan tâm và đưa vào chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Công tác chỉ đạo của tỉnh và các địa phương tuy quyết liệt, song sức lan tỏa đến các khóm, ấp và các cụm dân cư, Tổ tiết kiệm và vay vốn và người dân còn hạn chế; việc chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án giữa các đơn vị cấp huyện chưa thật sự thống nhất, chưa đồng bộ.
Bên cạnh đó, các thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp do kiêm nhiệm nhiều việc nên chưa tập trung trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách; một số nơi việc tổ chức các phiên họp định kỳ chưa đầy đủ, chất lượng các văn bản, nghị quyết chỉ đạo chưa cao, chưa cụ thể. Có nhiều nơi, Chủ tịch UBND cấp xã chưa nắm và chưa thực hiện hết trách nhiệm quản lý nhà nước theo Điều 27 - Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; công tác chỉ đạo, điều hành đôi khi còn lúng túng.
Song song đó, công tác tham mưu của NHCSXH tỉnh và các Phòng giao dịch đối với cấp ủy, chính quyền cùng cấp chưa sâu, chưa xây dựng được kế hoạch hành động và giải pháp cụ thể, lâu dài để củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng. Sự phối hợp giữa NHCSXH với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội chưa thường xuyên, liên tục;…Một số tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, cấp xã chưa thực hiện tốt các nội dung, các trách nhiệm trên văn bản liên tịch và hợp đồng ủy thác đã ký kết với NHCSXH, dẫn đến chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn chưa đồng đều, tỷ lệ tổ Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại trung bình, yếu kém cao hơn nhiều lần so với bình quân chung của toàn quốc.
Tập trung thực hiện tốt Đề án
Để tháo gỡ những khó khăn và bất cập trên, NHCSXH tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị số 05 của Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án trong giai đoạn 2021 - 2023 gắn với tích cực thực hiện Nghị định số 78 của Chính phủ và Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng của NHCSXH Trung ương. Trong đó trọng tâm là: Nâng cao chất lượng chỉ đạo và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã; Nâng cao trách nhiệm tham gia quản lý vốn tín dụng chính sách của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; Nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở.
Đối với Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp, cần tích cực xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cho các thành viên thực hiện tốt Đề án. Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo, tháo gỡ những tồn tại khó khăn cho cơ sở cũng như giải quyết những hạn chế trong quá trình thực hiện Đề án. Sau khi Đề án được phê duyệt, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh sẽ tổ chức hội nghị mở rộng để quán triệt nội dung Đề án, các giải pháp thực hiện Đề án đến các thành viên, các Trưởng Ban đại diện HĐQT cấp huyện…
Để thực hiện tốt Đề án, Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội sẽ thực hiện tốt các nội dung văn bản liên tịch, Hợp đồng ủy thác đã ký kết với NHCSXH Trong đó, tập trung tuyên truyền tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, của Chính phủ về hoạt động tín dụng chính sách; Thực hiện tốt vai trò vận động, chỉ đạo Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện đúng quy chế về tổ chức và hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn theo Quyết định số 15 của HĐQT NHCSXH; tham gia đầy đủ các phiên giao dịch của NHCSXH. Cùng với Ban quản lý các Tổ tiết kiệm và vay vốn vận động tổ viên thực hiện nghiêm túc Quy ước hoạt động của tổ; Thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ, Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Trong đó, các nội dung sau phải trực tiếp tham gia họp, chỉ đạo trong các buổi họp Tổ tiết kiệm và vay vốn gồm: Họp thành lập tổ; họp bầu mới, thay đổi Ban quản lý tổ; họp xây dựng Quy ước hoạt động của tổ; họp bình xét cho vay; chủ động nghiên cứu và đôn đốc Ban quản lý tổ thực hiện đúng các nhiệm vụ theo Hợp đồng ủy nhiệm đã được ký kết giữa NHCSXH và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn; Thường xuyên giám sát và chỉ đạo, đôn đốc Ban quản lý tổ giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả, trả nợ, trả lãi, thực hành tiết kiệm… của tổ viên; Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra sử dụng vốn vay của 100% các món vay mới trong vòng 30 ngày kể từ ngày NHCSXH giải ngân cho hộ vay. Thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra hàng năm theo quy định; Tham gia đầy đủ các phiên giao dịch, giám sát chặt chẽ các hoạt động giao dịch của NHCSXH tại xã; giám sát, bảo quản các nội dung công khai của NHCSXH tại Điểm giao dịch xã; giám sát các hoạt động của NHCSXH tại hộ vay, Tổ tiết kiệm và vay vốn.

Trần Quang Sơn

Các tin bài khác