Nước sạch về với đồng bào nhờ nguồn vốn ưu đãi

20/04/2021
(VBSP News) Nhiều công trình vệ sinh, nước sạch được xây mới, sửa chữa bằng nguồn vốn vay từ NHCSXH, góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt cho hàng nghìn người dân huyện Đắk R'lấp (Đắk Nông).
Được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, gia đình ông Lê Văn Phong ở thôn 2, xã Quảng Tín đầu tư xây mới công trình vệ sinh, nước sạch hợp vệ sinh

Được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, gia đình ông Lê Văn Phong ở thôn 2, xã Quảng Tín đầu tư xây mới công trình vệ sinh, nước sạch hợp vệ sinh

Nâng cao điều kiện sinh hoạt ở nông thôn

Nhiều ngôi nhà kiên cố, cùng với hệ thống công trình nước sạch được xây dựng bài bản là hình ảnh dễ dàng bắt gặp khi về thăm các gia đình ở thôn 2, xã Quảng Tín, huyện Đắk R’lấp. Nước sạch về tận từng gia đình, điều kiện sinh hoạt của bà con được cải thiện hơn nhiều.

Ông Lê Văn Phong là một trong những hộ dân được vay vốn từ chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của NHCSXH huyện. Gia đình ông vay vốn để xây mới hệ thống nước sạch với chi phí khoảng 40 triệu đồng. Trong đó, NHCSXH huyện cho vay 20 triệu đồng, số còn lại của gia đình tích góp. Ông Phong chia sẻ: “Từ khi có hệ thống công trình vệ sinh nước sạch, cuộc sống sinh hoạt của gia đình tôi được bảo đảm hơn. Môi trường vệ sinh xung quanh cũng vì thế sạch sẽ hơn”.

Cũng như ông Phong, chị Nguyễn Thị Hường ở cùng thôn 2 trước đây sử dụng nước từ giếng đào. Bể chứa nước được đúc bằng xi măng, nên dung tích không được bao nhiêu, kém vệ sinh. Từ khi được vay vốn NHCSXH, gia đình chị đã khoan giếng mới, đầu tư mua dây dẫn nước. Chị xây dựng công trình vệ sinh khép kín, bảo đảm cuộc sống sinh hoạt hàng ngày được tốt hơn.

Quảng Tín là địa phương có 17% người đồng bào DTTS tại chỗ. Cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn. Việc phát triển kinh tế, giảm nghèo đã khó, còn vấn đề vệ sinh, nước sạch lại càng khó hơn. Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, nguồn vốn từ chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn do NHCSXH huyện triển khai đã làm thay đổi nhận thức, cuộc sống của người dân. Toàn xã hiện có trên 1.200 hộ được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, với dư nợ trên 54 tỷ đồng. Riêng chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn là gần 500 hộ, với dư nợ hơn 7,3 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND xã Quảng Tín Vũ Trọng Tài cho biết: Người dân được vay vốn xây dựng, sửa chữa nhiều công trình nước sạch không chỉ góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt ở nông thôn mà còn giúp địa phương hoàn thành tiêu chí số 17 về nước sạch, môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn xã có 100% hộ dân được sử dụng nước sạch hợp về sinh. Hơn 90% gia đình có hệ thống vệ sinh đạt chuẩn. Nếu không nhờ sự hỗ trợ về vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua NHCSXH, địa phương khó mà đạt được.

Cùng với vốn vay của NHCSXH, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống gắn với tiêu chí xanh, sạch, đẹp.

Góp phần hoàn thành tiêu chí vệ sinh môi trường

Toàn huyện Đắk R’lấp hiện có hơn 4.500 hộ được vay vốn từ chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn với dư nợ trên 70 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn mà NHCSXH triển khai cho vay tại 8 xã đã đạt chuẩn nông thôn của huyện là hơn 60 tỷ đồng. Chỉ riêng giai đoạn 2016 - 2021, toàn huyện Đắk R’lấp có trên 16.000 hộ dân được vay vốn từ chương trình này, với doanh số cho vay lên đến 20 tỷ đồng.

Giám đốc NHCSXH huyện Đắk R’lấp Mai Văn Nam chia sẻ: Đơn vị lấy phương châm NHCSXH làm “cầu nối” mang nguồn vốn ưu đãi đến với người dân. Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các địa phương khảo sát, rà soát nhu cầu vốn vay liên quan đến chương trình cho vay nước sạch vệ sinh môi trường tại địa bàn cơ sở.

Công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng được chú trọng. Trên cơ sở này, đơn vị đề nghị hội sở phân bổ vốn để kịp thời giải ngân cho vay đến từng hộ vay. Tất cả các thủ tục liên quan đến hồ sơ, điều kiện vay vốn, đối tượng thụ hưởng, mức cho vay, thời hạn và lãi suất cho vay… đều được đơn vị phổ biến, hướng dẫn cụ thể cho bà con.

Từ đây, nhiều mô hình nước sạch sinh hoạt, tưới tiêu, công trình vệ sinh đạt chuẩn, phù hợp điều kiện từng gia đình đã được xây dựng. Nguồn vốn ưu đãi đã góp phần “tiếp sức” hoàn thành tiêu chí vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Bài và ảnh Nguyễn Lương

Các tin bài khác