Hiệu quả tích cực của các Tổ tiết kiệm và vay vốn

13/04/2021
(VBSP News) Ở huyện An Lão (Bình Định), Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động không chỉ là kênh dẫn vốn xuống tận cơ sở, từng hộ dân, phục vụ các đối tượng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi một cách trực tiếp, tiện lợi mà còn giúp họ sử dụng vốn vay hiệu quả, nâng cao ý thức tiết kiệm, góp phần đảm bảo chất lượng nguồn tín dụng chính sách của Nhà nước.
binh dinh

Nhờ sự tư vấn của Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn, gia đình chị Lê Thị Thúy ở thôn Thanh Sơn, xã An Tân được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững

Những năm qua, NHCSXH huyện An Lão cùng các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác mở rộng mạng lưới hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn đến tận các thôn của 10 xã, thị trấn. Nhờ đó, số lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn vay ngày càng tăng lên, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
Tính đến tháng 2/2021, trên địa bàn huyện có 131 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động với tổng dư nợ ủy thác đạt gần 266,3 tỷ đồng/4.659 hộ vay vốn, tiền gửi tiết kiệm đạt hơn 8,7 tỷ đồng. Để nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, thời gian qua, NHCSXH huyện An Lão luôn phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội các cấp thường xuyên rà soát, đánh giá, xếp loại để có kế hoạch củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn.
Kết quả kiểm tra hàng tháng hơn 98% Tổ tiết kiệm và vay vốn được xếp loại tốt, không có tổ xếp loại trung bình, yếu. Các hộ vay đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, chấp hành tốt việc trả nợ, trả lãi, phát huy hiệu quả vốn vay, trung bình mỗi năm giải quyết việc làm cho 1.000 - 1.200 lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 43,17% (năm 2015) xuống còn 28,13% (năm 2020).
Phó Giám đốc NHCSXH huyện An Lão Đặng Thành Quốc cho biết: Hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã tác động tích cực đến nhận thức của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp họ vươn lên, tạo được tính cộng đồng, có sự tương trợ lẫn nhau giữa các thành viên trong tổ. Đồng thời, các Tổ tiết kiệm và vay vốn còn là kênh dẫn vốn trực tiếp, hiệu quả đến tận cơ sở, giúp NHCSXH chuyển tải nguồn vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng và thực hiện một số công việc được NHCSXH ủy nhiệm, như: Họp bình xét cho vay; giám sát việc sử dụng vốn vay; theo dõi, đôn đốc người vay trả nợ khi đến hạn; tuyên truyền, vận động tổ viên tham gia gửi tiền tiết kiệm, nhằm tạo thói quen tiết kiệm tích lũy trả dần nợ gốc; thực hiện thu lãi, thu tiết kiệm theo định kỳ hàng tháng; phối hợp xử lý nợ tồn đọng, nợ rủi ro… hiệu quả.
Hơn 10 năm gắn bó với công việc Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thông qua ủy thác của Hội Nông dân, chị Trương Thị Thanh Trí, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Long Hòa, xã An Hòa đã trực tiếp tuyên truyền chính sách ưu đãi của NHCSXH, giúp các hộ sử dụng hiệu quả nguồn vốn được vay và giúp ngân hàng quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách.
Hiện Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị làm Tổ trưởng có 58 thành viên, số dư nợ hơn 3 tỷ đồng. Từ nguồn vốn chính sách, các hộ thành viên đã đầu tư chăn nuôi, phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống và tăng thu nhập. Hàng tháng, các hộ vay vốn trong tổ trả nợ, lãi đầy đủ, đúng hạn; nhiều năm liền không có tổ viên nào để nợ quá hạn hay chậm nộp tiền lãi vay của ngân hàng. Chị Trí chia sẻ: “Để Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả, người tổ trưởng phải luôn nắm vững thủ tục quản lý nguồn vốn chính sách, qua đó hướng dẫn các thành viên trong tổ được vay vốn của NHCSXH thuận tiện và sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả kinh tế…”.
Bên cạnh công tác đôn đốc các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, nộp lãi đúng thời hạn, trả nợ vốn đúng quy định, thông qua các buổi sinh hoạt tổ, hoặc các buổi họp bình xét vay vốn, Tổ tiết kiệm và vay vốn đã kịp thời biểu dương những hộ điển hình làm kinh tế giỏi, định hướng cho các hộ vay vốn lựa chọn phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, hướng dẫn hộ vay kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi trồng, kinh doanh, giúp hộ vay phát huy được đồng vốn, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Gia đình chị Lê Thị Thúy ở thôn Thanh Sơn, xã An Tân là một trong những hộ dân được vay vốn từ nguồn hỗ trợ hộ nghèo để phát triển kinh tế. Với số vốn 50 triệu đồng ban đầu, chị đã đầu tư chuyển đổi giống cây trồng kém hiệu quả sang trồng bắp sinh khối, kết hợp nuôi bò lai. “Nhờ nguồn vốn vay kịp thời của NHCSXH, đặc biệt là sự động viên, hướng dẫn của Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Nông dân xã mà gia đình tôi đã có hướng làm ăn mới, có thêm nguồn thu nhập để nuôi con cái ăn học. Năm nay, gia đình tôi đã thoát nghèo thành công”, chị Thúy cho hay.

Thị Diệu

Các tin bài khác