Ủy thác cho vay qua các tổ chức chính trị – xã hội: Góp phần đưa vốn ưu đãi đến người dân

13/04/2021
(VBSP News) Thời gian qua, phương thức ủy thác một số nội dung công việc giữa NHCSXH tỉnh Lạng Sơn với 4 tổ chức chính trị – xã hội đã phát huy hiệu quả, giúp chuyển tải vốn chính sách nhanh chóng, kịp thời đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội.
lang son

Cán bộ NHCSXH huyện Cao Lộc cùng cán bộ Hội Nông dân xã Lộc Yên kiểm tra tình hình sử dụng vốn của hộ vay

Nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lạng Sơn đã phát huy vai trò trong công tác nhận ủy thác vốn vay với NHCSXH, giúp hàng nghìn hội viên phụ nữ có điều kiện để đầu tư mở rộng SXKD, vươn lên thoát nghèo. Tính đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đang quản lý 761 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với dư nợ đạt trên 1.143 tỷ đồng, 24.554 lượt hộ vay vốn (là tổ chức nhận ủy thác có dư nợ lớn nhất). Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn, trong năm 2020, các cấp hội phụ nữ đã giúp đỡ 486 hộ hội viên phụ nữ thoát nghèo.
Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Nông Thanh Hải cho biết: Để triển khai nguồn vốn vay ủy thác đúng mục đích, có hiệu quả, thời gian qua, Hội chỉ đạo các cấp hội phụ nữ thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với NHCSXH, chính quyền cơ sở và các ngành liên quan tổ chức triển khai các chương trình phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp; chủ động phối hợp với NHCSXH tập huấn cho cán bộ hội phụ trách hoạt động ủy thác và các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn về kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng, kiểm tra, giám sát nhằm phát hiện và phòng ngừa rủi ro; hướng dẫn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả…
Không chỉ Hội Liên hiệp Phụ nữ, thời gian qua, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác (Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên) đã thực hiện tốt công tác nhận ủy thác nguồn vốn tín dụng ưu đãi với NHCSXH. Hiện nay, NHCSXH tỉnh triển khai 15 chương trình cho vay với dư nợ 3.144 tỷ đồng. Trong đó, các tổ chức chính trị - xã hội đang quản lý 2.134 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 67.403 lượt  hộ vay vốn, dư nợ ủy thác cho vay trên 3.100 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ, tăng 75 tỷ đồng so với 31/12/2020.
Từ năm 2020 đến nay, NHCSXH đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội giải ngân cho hơn 23.000 lượt hộ vay với số tiền trên 1.000 tỷ đồng. Thông qua phương thức cho vay ủy thác giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách ở các thôn, bản, các xã vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận hơn với nguồn vốn ưu đãi để phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, từng bước thoát nghèo.
Gia đình chị Dương Thị Lích ở thôn Bản Héc, xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc là một ví dụ. Nhiều năm trước, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn để phát triển sản xuất, năm 2019, thông qua tổ chức Hội Phụ nữ, chị Lích được vay 100 triệu đồng để chăm sóc và trồng mới một phần cây mận cơm và hồng vành khuyên. Nhờ sử dụng vốn hiệu quả, năm 2020, gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo.
Để có được kết quả đó, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các Tổ tiết kiệm và vay vốn; tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ ủy thác vốn vay; kiểm tra, giám sát  các hộ vay, Tổ tiết kiệm và vay vốn. Từ năm 2020 đến nay, các tổ chức hội cấp huyện đã kiểm tra 1.200 lượt Tổ tiết kiệm và vay vốn. Các hội, đoàn thể cấp xã thực hiện kiểm tra sau vay 30 ngày đối với 100% hộ vay theo quy định.
Phó Giám đốc NHCSXH tỉnh Phạm Mạnh Hà,cho biết: Việc NHCSXH ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội thực hiện một số nội dung công việc trong quy trình cho vay hiện nay đã và đang phát huy hiệu quả. Các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung tuyên truyền, bình xét cho vay, giám sát và sử dụng vốn vay, đôn đốc hộ vay trả nợ, trả lãi. Nhờ đó, nguồn vốn được quản lý chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng. Hiện nay, tỷ lệ nợ quá hạn chiếm 0,06%/tổng dư nợ ủy thác; tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt 96%.
Hiệu quả của hoạt động ủy thác cho vay đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Hết năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 7,89% (giảm 3% so với năm 2019). Từ năm 2020 đến nay, nguồn vốn ưu đãi đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để đầu tư chăn nuôi được trên 19.000 con gia súc; cải tạo chăm sóc và trồng rừng, cây ăn quả được trên 14.000ha; hỗ trợ tạo việc làm cho 3.500 lao động; xây dựng được 13.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…

Hiểu Lam

Các tin bài khác