Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn TP Cần Thơ

27/05/2021
(VBSP News) Song song tập trung thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng năm 2021, NHCSXH TP Cần Thơ tích cực triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; nổi bật việc tuyên truyền ý thức “có vay - có trả” trong người dân. Qua đó, giảm dần tỷ lệ nợ quá hạn, tăng số xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn toàn thành phố.
Screen Shot 2021-05-29 at 9.09.04 PM

Anh Trần Văn Na (bên phải) giới thiệu vườn thanh long đang cho huê lợi với cán bộ Hội Nông dân xã Trường Xuân A và NHCSXH
                                                                                                                   Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021

Không còn xã có nợ quá hạn

Chúng tôi đến nhà anh Trần Văn Na ở ấp Trường Ninh 3, xã Trường Xuân A, huyện Thới Lai. Vừa lúc anh tưới xong 5 công thanh long tươi tốt. Anh Na cho biết, cận Tết Nguyên đán, anh bán 2 tấn trái thanh long, với giá 20.000 đồng/kg, giờ đang dưỡng đợt trái tiếp theo. Năm 2018, sau khi tham quan, học hỏi các mô hình trồng thanh long một số địa phương, anh Na quyết định đầu tư trồng loại trái đang cho lợi nhuận cao này. Năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19, việc tiêu thụ trái khó khăn, giá cả biến động nhưng anh Na kiên trì chăm bón, hy vọng các đợt thu hoạch sau sẽ khá hơn.

Anh Na chia sẻ: “Tôi được vay vốn ưu đãi 30 triệu đồng, thêm chi phí cải tạo vườn, mua hom giống, tham gia Hợp tác xã trồng thanh long, được tập huấn kỹ thuật trồng cây ăn trái nên việc canh tác thuận lợi, suôn sẻ. Trong 2 năm (2018 - 2019), thanh long “trúng mùa được giá” nên lợi nhuận đạt khá, giúp tôi hoàn trả xong vốn, lãi ngân hàng”. “Lấy ngắn nuôi dài”, vợ chồng anh Na nuôi hơn 20 con heo, thu nhập 100 triệu đồng/năm.

Chủ tịch UBND xã Trường Xuân A Lê Tuấn Nhân cho biết: “Thời gian qua, xã quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách, dư nợ đạt trên 25 tỷ đồng, với 910 hộ vay vốn; hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, xây dựng mô hình làm ăn hiệu quả cũng như đôn đốc hoàn trả vốn, lãi theo quy định. Nhiều năm qua, xã không có nợ quá hạn”. Song song nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả, xã đề nghị NHCSXH tăng mức vốn vay, tạo điều kiện để các hộ mở rộng quy mô SXKD, vươn lên khấm khá. Nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bằng các mô hình vay vốn làm ăn hiệu quả như: trồng cà na Thái, na Thái, mít Thái, xoài, ổi, sầu riêng, chanh không hạt, sen, nuôi cá tra bột, heo sinh sản…

Theo ông Phạm Văn Kiệt - Giám đốc NHCSXH huyện Thới Lai, hiện dư nợ toàn huyện là 389 tỷ đồng, với 14.173 hộ vay vốn. Huyện có 4 xã không có nợ quá hạn gồm: Trường Xuân A, Xuân Thắng, Thới Thạnh và Trường Thành.  

Giữ vững chất lượng tín dụng

Đến hết quý I/2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH TP Cần Thơ đạt 2.820 tỷ đồng; trong đó, nợ quá hạn là 4,1 tỷ đồng (tỷ lệ 0,15%). Toàn thành phố có 17 xã, phường không có nợ quá hạn gồm: An Phú, An Cư, Xuân Khánh (quận Ninh Kiều); Hưng Thạnh (quận Cái Răng); An Thới, Trà Nóc, Trà An, Bùi Hữu Nghĩa, Long Hòa, Long Tuyền (quận Bình Thủy); Thới An (quận Ô Môn); Trung Nhứt (quận Thốt Nốt); Nhơn Ái (huyện Phong Điền); Trường Thành, Thới Thạnh, Trường Xuân A, Xuân Thắng (huyện Thới Lai). 

Để góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên phối hợp để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác và chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn. Hầu hết tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt các nội dung được ủy thác, chất lượng hoạt động ủy thác, hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn ngày càng được nâng cao chất lượng. Nổi bật, có 7 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác cấp huyện không có nợ quá hạn gồm: Hội Cựu Chiến binh quận Ninh Kiều, quận Thốt Nốt và huyện Thới Lai; Đoàn Thanh niên quận Bình Thủy, quận Ô Môn, huyện Thới Lai, huyện Cờ Đỏ. Toàn thành phố có 1.730 Tổ tiết kiệm và vay vốn không có nợ quá hạn; số Tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, khá chiếm 99%.

Thời gian tới, NHCSXH thành phố tích cực huy động vốn theo chỉ tiêu được giao; tập trung giải ngân nhanh nguồn vốn các chương trình tín dụng nhằm kịp thời hỗ trợ người dân có vốn SXKD, nhất là trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, phối hợp củng cố nâng cao chất lượng tín dụng đối với các xã, phường có tỷ lệ nợ quá hạn từ 0,5% trở lên; phối hợp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường giám sát việc sử dụng vốn vay và xử lý kịp thời các khoản nợ bị rủi ro do nguyên nhân khách quan; tiếp tục tuyên tuyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân về việc vay vốn và trả nợ vay. Phấn đấu nâng dần số xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn trên địa bàn thành phố. 

Bài và ảnh Anh Phương

Các tin bài khác