Chỉ thị số 40 phát huy hiệu quả ở huyện vùng cao Bảo Thắng
Sau 7 năm, Chỉ thị số 40-CT/TW đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức về vai trò tín dụng chính sách xã hội của cấp ủy, chính quyền địa phương, xem công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên. Huyện ủy, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho NHCSXH huyện thực hiện hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn; chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp tốt với NHCSXH; đặc biệt, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn.
NHCSXH và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý vốn tín dụng chính sách; thường xuyên trao đổi, hướng dẫn các quy trình nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác ủy thác; thay đổi phương pháp tập huấn đối với cán bộ làm ủy thác, phân tích đánh giá những hạn chế trong công tác ủy thác để tập trung vào hướng dẫn những khâu còn yếu.
Với điều kiện kinh tế của huyện còn nhiều khó khăn, đến nay, Huyện uỷ Bảo Thắng đã cân đối ngân sách và chuyển qua NHCSXH huyện tổng số tiền là 4 tỷ đồng. Nguồn vốn trên đã giúp cho 93 hộ được vay vốn, tạo việc làm cho 130 lao động tại 14 xã, thị trấn. Các hộ gia đình đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng KHKT đưa các giống cây trồng vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Phát triển nhiều mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp, trang trại trồng cây ăn quả, trồng cây quế, mỡ, nuôi trồng thuỷ sản… thu nhập của người dân tăng lên rõ rệt, chất lượng cuộc sống được cải thiện, kinh tế hộ gia đình được ổn định… Đồng thời cải tạo, xây mới các công trình vệ sinh, nước sạch nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện điều kiện sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Không chỉ thế, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã góp phần không nhỏ vào kết quả chuyển dịch cơ cấu sản xuất của huyện có bước chuyển biến tích cực, tình hình kinh tế - xã hội ở khu vực nông nghiệp, nông thôn ngày càng được ổn định và nâng cao… Công tác giảm nghèo có chuyển biến tích cực, trong 5 năm qua, toàn huyện đã có trên 7.500 lượt hộ thoát khỏi ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho trên 680 lao động; 450 lượt HSSV được vay vốn để đi học chuyên nghiệp và học nghề; xây mới và cải tạo 5.900 công trình nước sạch và công trình vệ sinh… đã có nhiều hộ có tiền gửi tiết kiệm hoặc giúp đỡ các hộ khác làm giàu, có sức lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Điển hình như hộ bà Tạ Thị Hợi ở thôn Làng Trưng xã Sơn Hà, được NHCSXH cho vay vốn giải quyết việc làm 100 triệu đồng. Qua kiểm tra, hộ vay đang trồng và chăm sóc 10ha rừng quế (5ha cây đã khép tán cho thu hoạch tỉa), gần 700 con gà mái đẻ; 3 con lợn nái và 30 con lợn bột đã đến kỳ xuất chuồng… Cùng với thu nhập từ cắt tỉa rừng quế, chăn nuôi lợn nái, gà, cá và các sản phẩm khác, gia đình bà Hợi còn tổ chức thu mua lá, vỏ, gỗ cây quế của các hộ dân trong vùng với sản lượng khoảng 10 tấn/ngày, tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động và 10 lao động thời vụ. Tổng thu nhập của gia đình sau khi đã trừ chi phí đạt 300 triệu đồng/năm và đạt tiêu chuẩn hộ SXKD giỏi được Trung ương Hội Phụ nữ tặng Bằng khen.
Hay như hộ bà Vũ Thị Hiến ở thôn Bắc Ngầm, xã Xuân Quang cũng được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm của NHCSXH với tổng số tiền 100 triệu đồng để đầu tư xây dựng nhà xưởng và ươm trồng hơn 1 vạn bầu nấm, cải tạo vườn ươm hơn 10 vạn cây giống mỡ, quế, lát, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và 7 lao động thời vụ… Hay hộ ông Lê Văn Khiêm thôn Làng Trung, được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm với số tiền 100 triệu đồng để phát triển mô hình trồng và chiết xuất tinh dầu xả java. Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình thì hiện nay mô hình này đang tạo công ăn việc làm ổn định và thường xuyên cho 15 lao động trong thôn…
Có thể thấy, nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH huyện Bảo Thắng đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn từng bước thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Đến nay, tổng dư nợ của các chương trình tín dụng đạt 515 tỷ đồng, với 10.600 hộ vay vốn tại 14 xã, thị trấn. Điều hết sức quan trọng nữa là mạng lưới giao dịch của huyện đã về đến tận xã, 320 Tổ tiết kiệm và vay vốn luôn làm tốt công tác ủy thác, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vay vốn phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu.
Những kết quả trên đã khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW đã và đang đi vào cuộc sống, tạo tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Bảo Thắng. Một chính sách đúng, trúng, hợp lòng dân đã làm thay đổi từ nhận thức đến hành động, việc kết nối sức mạnh chính trị và tín dụng chính sách mang lại những hiệu quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Chính sách tín dụng không chỉ đáp ứng 100% nhu cầu mà còn để không một người dân nào “bị bỏ lại phía sau” trong hành trình thoát nghèo, phát triển bền vững, xây dựng huyện nông thôn mới.
Bài và ảnh Thu Lý
Các tin bài khác
- » Chuyển tải kịp thời vốn chính sách trong mùa dịch Covid-19
- » Giao dịch tại Điểm giao dịch xã trong “mùa Covid”
- » Đưa vốn chính sách đến đồng bào DTTS
- » Động viên tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19
- » NHCSXH hưởng ứng “Ngày không tiền mặt” - Hướng tới các đối tượng chính sách xã hội
- » Tổng kết Cuộc thi trực tuyến “Cán bộ NHCSXH giỏi chuyên môn, hiểu biết pháp luật lao động, Luật Công đoàn”
- » Động lực giúp người dân cải thiện thu nhập
- » Nữ tổ trưởng tín dụng hết lòng vì người nghèo
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Hiệu quả các mô hình giảm nghèo trong đảng viên