HƯỞNG ỨNG CÁC HOẠT ĐỘNG TUẦN LỄ BIỂN, HẢI ĐẢO VIỆT NAM VÀ HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐẠI DƯƠNG THẾ GIỚI 2021: Tăng cường hợp tác quốc tế phát triển kinh tế biển bền vững

11/06/2021
(VBSP News) Với hơn 3 nghìn km đường bờ biển Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước. Trong bối cảnh Việt Nam đã, đang tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế trên mọi lĩnh vực, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế phát triển kinh tế biển bền vững được coi là xu thế tất yếu. Điều này được đặc biệt nhấn mạnh trong các chính sách điều hành của Chính phủ như: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018, Quyết định 647/QĐ-TTg ngày 18/5/2020 phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030…
tang-cuong-hop-tac-quoc-te-phat-trien-ben-vung-kinh-te-bien

Tăng cường hợp tác quốc tế phát triển bền vững kinh tế biển

Tiềm năng kinh tế biển thu hút cơ hội hợp tác quốc tế
Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và chủ quyền đường bờ biển, vùng biển đặc quyền kinh tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển và hợp tác với các quốc gia trên thế giới để đẩy mạnh tăng trưởng trong lĩnh vực này. Trước tiên là lợi thế về giao thông giao thương, Việt Nam có nhiều lợi thế khi nằm gần các  tuyến đường hàng hải kết nối quốc tế và khu vực, nối liền Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi phát triển ngành hàng hải, công nghiệp tàu thủy và dịch vụ vận tải (logistics). Mạng lưới cảng biển được hình thành cùng các tuyến đường bộ, đường sắt ven biển nối với các tỉnh, thành phố sâu trong đất liền giúp vận chuyển nhanh chóng hàng hóa xuất nhập khẩu đến và đi ở mọi miền đất nước. Vùng biển Việt Nam lại nằm tại khu vực có tốc độ phát triển kinh tế cao, có các vịnh kín, độ sâu lớn, thuận lợi làm cảng nước sâu, là cầu nối giao thương giữa nhiều cường quốc kinh tế trên thế giới.
Bên cạnh đó, nhắc đến tiềm năng kinh tế biển Việt Nam không thế thiếu sự phát triển của ngành khai thác và chế biến khoáng sản. Vùng biển Việt Nam có trên 30 loại hình khoáng sản với trữ lượng khai thác khác nhau thuộc các nhóm: Nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý, khoáng sản lỏng… Trong đó, tiềm năng khai thác dầu khí có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp to lớn vào tăng trưởng chung của đất nước. Vùng ven biển còn phát hiện được các sa khoáng, khoáng vật nặng của các nguyên tố quý hiếm như: Titan, ziacon, xeri…; dưới đáy biển còn có các mỏ cát vật liệu xây dựng với trữ lượng lớn; nguồn năng lượng tiềm tàng từ nước biển cũng là những tiềm lực lớn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Nguồn lợi hải sản trong vùng biển Việt Nam có độ phong phú cao, trữ lượng lớn (riêng nguồn cá biển có hơn 2 nghìn loài khác nhau, trữ lượng đạt khoảng 5 triệu tấn/năm; trữ lượng cá có thể đánh bắt hàng năm trên 2 triệu tấn). Dọc đường ven biển có hàng chục nghìn ha mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thủy sản nước mặn - lợ, đặc biệt là các sản phẩn nuôi phục vụ chế biến xuất khẩu như tôm, cua, rong biển… Đó là chưa kể đến hơn 50 nghìn ha các eo vịnh nông, đầm, phá ven bờ như vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, phá Tam Giang… là môi trường thuận lợi để phát triển nuôi cá và đặc sản biển, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nuôi biển.
Vị trí vùng biển Việt Nam còn được coi là đắc địa với 3.260 km đường bờ biển trải dài từ Bắc xuống Nam, hình thành các vịnh, ghềnh đá… và hàng nghìn hòn đảo ven bờ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam phát triển du lịch biển. Dọc bờ biển Việt Nam có khoảng trên 120 bãi biển đẹp, trong đó, một số bãi biển và vịnh được đánh giá là những bãi biển và vịnh đẹp hàng đầu thế giới, như bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), Phú Quốc (Kiên Giang), Eo Gió (Bình Định), vịnh Nha Trang, vịnh Lăng Cô, vịnh Hạ Long… Sự phong phú, đa dạng về tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc trưng vùng biển, đảo cũng góp phần tạo ra những tiềm năng to lớn và lợi thế so sánh cho du lịch biển Việt Nam. Vùng biển Việt Nam lại nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiều khu vực ấm quanh năm, tạo thuận lợi thu hút ngày càng nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Do đó, biển, hải đảo Việt Nam hội tụ đầy đủ những yếu tố thuận lợi phát triển để phát triển du lịch biển, đặc biệt trong bối cảnh du lịch đã, đang được Chính phủ quan tâm đẩy mạnh phát triển như một ngành công nghiệp “không khói” mũi nhọn.
Mặt khác, đường bờ biển chạy dài từ Bắc xuống Nam cũng đặt ra những yêu cầu cấp thiết về đảm bảo chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải. Đó cũng là một trong những thực tiễn khách quan đòi hỏi việc thúc đẩy sự mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế về biển để không chỉ khai thác tối đa các tiềm năng, phát triển kinh tế biển bền vững mà còn đảm bảo các công ước quốc tế về biển được tôn trọng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam.
Chủ trương, chính sách thực tiễn nhằm hiện thực hóa mục tiêu
Đứng trước những cơ hội và thách thức để bảo vệ và khai thác nguồn lợi biển một cách hiệu quả, phát triển kinh tế biển bền vững, Việt Nam luôn quan tâm và chú trọng mở rộng hợp tác quốc tế về kinh tế biển, đặt vấn đề này trong các chủ trương đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế và khu vực. Công ước Luật Biển 1982 được phê chuẩn năm 1994 là chủ trương đầu tiên mở đường cho các chính sách có liên quan đến hợp tác quốc tế phát triển kinh tế biển sau này. Kể từ đó đến nay, Việt Nam đã thiết lập và mở rộng mạng lưới hợp tác quốc tế với nhiều quốc gia có tiềm lực mạnh, qua đó tạo nền tảng cho việc hợp tác cũng như tận dụng sự hỗ trợ để phát triển toàn diện về kinh tế, khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường biển. Các hoạt động đối ngoại nói chung và hợp tác quốc tế về biển nói riêng đã góp phần quan trọng vào việc tăng cường sự tin cậy chính trị, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các quốc gia trên thế giới; từng bước giải quyết các tranh chấp trên biển; tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển; đồng thời, giúp huy động các nguồn lực, tri thức cần thiết để phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trước bối cảnh phát triển kinh tế trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 28/11/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 36).  Đây là một trong số ít Nghị quyết có tầm định hướng dài hạn (đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế biển và đảm bảo quốc phòng, an ninh trên hướng biển. Trong đó, vấn đề chủ động, tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển là 1 trong 7 giải pháp cơ bản được đề ra để phát triển kinh tế biển bền vững song song với đảm bảo an ninh quốc phòng trong dài hạn.
Đến nay, giải pháp nêu trên đã, đang được cụ thể và hiện thực hóa bằng Đề án Hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 18/5/2020. Đề án đã thể hiện rõ quan điểm: Một là, hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển phải bảo đảm thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia, dân tộc Việt Nam. Hai là, chủ động và tích cực thúc đẩy hợp tác quốc tế để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững kinh tế biển theo yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Ba là, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của nước ta trong Biển Đông trên cơ sở Luật Biển Việt Nam và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
Trên cơ sở đó, Việt Nam đặt ra mục tiêu chung thúc đẩy đồng bộ, trọng tâm, trọng điểm các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển nhằm huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, kinh nghiệm và tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các nước, các tổ chức quốc tế và các đối tác, góp phần thực hiện thành công các quan điểm, mục tiêu, chủ trương lớn, khâu đột phá và giải pháp chủ yếu được đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ/TW; đóng góp tích cực và có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế về vấn đề biển và đại dương; nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Các vấn đề về hợp tác quốc tế phát triển bền vững kinh tế biển được đặt ra trong 6 nhiệm vụ cụ thể và xuyên suốt, gồm: (1) Quản trị biển và đại dương, quản lý tổng hợp vùng bờ; (2) Phát triển kinh tế biển, ven biển; (3) Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; (4) Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; (5) Bảo vệ môi trường biển, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; (6) Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và thông tin tuyên truyền.
Trong phát triển kinh tế biển, ven biển có chú trọng đến phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, trong đó có phát triển du lịch tàu biển và hệ thống cảng biển du lịch. Phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, đặc biệt các cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, cảng biển chuyên dụng gắn với các khu liên hợp công nghiệp, dầu khí, khoáng sản, năng lượng tái tạo… Tăng cường mối liên kết chuyên ngành giữa các cảng lớn trong nước với các cảng khu vực và quốc tế; phát triển đồng bộ dịch vụ hỗ trợ vận tải, vận tải đa phương thức, đặc biệt nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Xây dựng kết cấu hạ tầng, khu công nghiệp có tính dẫn dắt và hạt nhân cho chuỗi hoạt động dầu khí và khoáng sản; nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh cung cấp dịch vụ dầu khí, tiến hành có hiệu quả các hoạt động đầu tư về dầu khí ở nước ngoài. Xây dựng hệ thống mạng lưới tuyến đường ống vận chuyển dầu khí dưới biển để tăng tính kết nối nội địa, từng bước kết nối vào mạng lưới đường ống khu vực, nhất là với các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng thuỷ sản đồng bộ, gắn kết các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hậu cần nghề cá, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao hiệu quả sản xuất các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến thuỷ sản và tiêu thụ. Tăng cường bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, nhất là các giống loài thủy sản quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng; nghiên cứu ngư trường phục vụ quy hoạch phát triển các ngành, nghề thủy sản hiệu quả cao, bền vững; nghiên cứu tham gia các hiệp định nghề cá khu vực và thế giới. Phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao ở vùng ven biển thân thiện với môi trường, công nghiệp nền tảng, công nghệ nguồn. Phát triển hợp lý các ngành sửa chữa và đóng tàu, lọc hoá dầu, năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ./.
Nghị quyết 36 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển trên cơ sở Công ước quốc tế về Luật Biển 1982. Tăng cường quan hệ với các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và các nước bạn bè truyền thống, các nước có tiềm lực về biển, các nước có chung lợi ích trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, cùng có lợi và phù hợp với luật pháp quốc tế. Phối hợp với các nước thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), thúc đẩy ký Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý, sử dụng, bảo tồn bền vững biển, đại dương; tham gia, thực hiện nghiêm túc các điều ước, thỏa thuận khu vực và quốc tế quan trọng về biển. Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực để phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng vùng biển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

ThS. Phạm Thị Mỹ Nhung/Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

Các tin bài khác