Bạc Liêu tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách
Năm 2011, nợ quá hạn của NHCSXH tỉnh Bạc Liêu chiếm 2% tổng dư nợ và số lãi tồn đọng cũng khá lớn. Bên cạnh một số ít NHCSXH cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ tập trung huy động được nguồn vốn hoạt động, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu thấp, không có nợ phát sinh, một số đơn vị để nợ quá hạn kéo dài, tăng cao trên mức 3% tổng dư nợ. Nguyên nhân khách quan là do: địa bàn rộng, trình độ dân trí thấp, điều kiện tự nhiên đất đai bị xâm nhập mặn, mùa màng thất thu… Nhưng chủ yếu vẫn là sự phối hợp giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị - xã hội, các Tổ tiết kiệm và vay vốn không thường xuyên, thiếu chặt chẽ, có lúc để quản lý vốn lơi lỏng, không kiên quyết xử lý dứt điểm các khoản nợ quá hạn, lãi tồn đọng…
Để khắc phục tình trạng này, NHCSXH tỉnh Bạc Liêu mạnh dạn lập Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng và được Tổng Giám đốc NHCSXH chuẩn y thực hiện từ đầu năm 2012. Đề án được xây dựng với các chỉ tiêu đề ra đều xuất phát từ thực tiễn của địa phương cùng các giải pháp khả thi, nên đã được Trung ương chỉ đạo sát sao, quyết liệt cùng sự quan tâm, hỗ trợ thiết thực của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Nhờ vậy, NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đã nhanh chóng, ổn định bộ máy tổ chức, mạng lưới hoạt động từ tỉnh đến huyện.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Bạc Liêu Trần Quang Sơn cho biết: Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng đã được triển khai đi vào cuộc sống, được các Sở, ban, ngành tại địa phương đặc biệt quan tâm, hỗ trợ. Việc nâng cao chất lượng tín dụng chính sách là giải pháp hiệu quả phục vụ các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đưa tín dụng chính sách trở thành người bạn đồng hành với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đạt 2.247 tỷ đồng, tăng 87 tỷ đồng so với đầu năm 2021. Riêng trong 5 tháng đầu năm 2021, mặc dù gặp những khó khăn về diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội và đời sống người dân, dòng vốn chính sách vẫn được khơi thông với trên 297 tỷ đồng vốn ưu đãi chuyển tải đến 10.400 lượt hộ vay vốn, nâng tổng dư nợ của NHCSXH tỉnh đến nay đạt 2.242 tỷ đồng.
Nổi bật trong quá trình thực hiện Đề án củng cố nâng cao chất lượng tín dụng là đã thiết lập được một dây chuyền quản lý và truyền tải vốn chính sách với sự tham gia trực tiếp các cấp chính quyền từ việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã vào Ban đại diện Hội đồng quản trị; NHCSXH cấp huyện đến các Trưởng ấp đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng đều trên các mặt hoạt động của NHCSXH, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác ủy thác nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước. Đặc biệt, hầu hết Tổ tiết kiệm và vay vốn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu trải khắp theo địa bàn từng ấp, khu vực nên việc thu lãi, thu nợ dễ dàng, thuận lợi. Đồng vốn chính sách của NHCSXH làm thay đổi nhận thức, ý thức của hộ vay vốn, sử dụng đồng vốn đúng mục đích, hoàn trả nợ lãi đúng quy định của ngân hàng, tạo điều kiện cho họ phát triển các mô hình SXKD đa dạng. Điển hình như hộ anh Trần Thanh Tuấn, dân tộc Khmer, ở ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu là hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất đã sử dụng vốn chính sách mua cây giống, gieo trồng 5 công rẫy rau, củ quả sau nhà, thu 50 triệu đồng/vụ, đến nay được công nhận thoát nghèo.
Nguồn vốn tín dụng chính sách tăng trưởng và bảo toàn đã góp phần giảm hơn 28 nghìn hộ nghèo trong 5 năm qua đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bạc Liêu giảm xuống dưới 1,5% vào cuối năm 2020.
Cùng với việc tập trung huy động nguồn lực, NHCSXH tỉnh Bạc Liêu đã và đang không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Từ việc chủ động trong từng khâu của quá trình giải ngân và giám sát cho vay đến việc tiếp tục thực hiện sâu rộng Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng nhằm hoàn thành các chỉ tiêu hàng năm trên cơ sở đảm bảo cho vay đúng đối tượng thụ hưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, phục vụ đắc lực chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2026 của tỉnh Bạc Liêu; phấn đấu giảm bình quân tỷ lệ hộ nghèo 3%/năm, chống tái nghèo, giảm nghèo bền vững trên miền đất cực Nam của ĐBSCL.
Bài và ảnh Đông Dư
Các tin bài khác
- » Krông Nô nâng cao hiệu quả vốn ủy thác địa phương
- » Đưa nhanh nguồn vốn chính sách đến các đối tượng thụ hưởng
- » Phát huy hiệu quả vốn vay chính sách
- » Thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi
- » Đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt trong mùa dịch
- » Nguồn vốn chính sách vẫn chảy trong mùa dịch Covid-19
- » Hiệu quả tín dụng chính sách ở đất cam Cao Phong
- » Tiếp sức hỗ trợ người dân làm giàu
- » HƯỞNG ỨNG CÁC HOẠT ĐỘNG TUẦN LỄ BIỂN, HẢI ĐẢO VIỆT NAM VÀ HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐẠI DƯƠNG THẾ GIỚI 2021: Tăng cường hợp tác quốc tế phát triển kinh tế biển bền vững
- » HƯỞNG ỨNG CÁC HOẠT ĐỘNG TUẦN LỄ BIỂN, HẢI ĐẢO VIỆT NAM VÀ HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐẠI DƯƠNG THẾ GIỚI 2021: Tác động của biến đổi khí hậu đến tự nhiên và xã hội