Về nơi khởi đầu con đường Hồ Chí Minh lịch sử

22/12/2021
(VBSP News) Chúng tôi về Tân Kỳ (Nghệ An) - nơi khởi đầu con đường Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ hào hùng. Vẫn còn đó di tích lịch sử km số 0, song đường Hồ Chí Minh hôm nay đã trải nhựa rộng thênh thang loáng lên trong nắng vàng vắt qua núi non Trường Sơn hùng vĩ. Vết bom đạn xưa kia đã dần lành với những khu rừng cũ tái sinh, rừng trồng mới, chạy điệp điệp trùng trùng. Đồng bào giờ không còn bị cái đói quấn thân, thay vào đó là tinh thần vượt lên mọi khó khăn để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững với sự trợ lực của tín dụng chính sách xã hội. Những cánh đồng bát ngát xanh màu của lúa, ngô, mía, lạc, đậu... ngày một loang rộng, tạo nên một bức tranh Tân Kỳ vừa đẹp, vừa ấm tình người.

NHCSXH huyện Tân Kỳ giải ngân vốn cho người nghèo tại Điểm giao dịch xã

NHCSXH huyện Tân Kỳ giải ngân vốn cho người nghèo tại Điểm giao dịch xã

Từ km số 0, vượt qua cầu Rỏi, men theo con đường nhựa rồi ngược lên vùng Liên Hoàn xưa, qua các xã Nghĩa Hoàn, Nghĩa Đồng, Nghĩa Thái chúng tôi đến xã Nghĩa Phúc. Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phúc Đặng Xuân Nam nói: “Vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu cuộc sống của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là đẩy lùi và ngăn chặn sự tác động tiêu cực của tín dụng đen đến đời sống của người nghèo. Đây cũng là nguồn lực quan trọng giúp địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng”.

Như gia đình chị Trương Thị Hanh ở xóm Hoa Kẻ Thắng, xã Nghĩa Phúc được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cho vay hộ nghèo vào năm 2016 để đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Từ cặp bò giống ban đầu, đến nay đàn bò của anh chị đã có tới 10 con cùng với hàng chục con lợn. Hàng năm, đàn vật nuôi xuất bán đã đem lại nguồn lãi ròng cho gia đình trên 100 triệu đồng. Hay như gia đình giáo dân Nguyễn Văn Tuệ ở xóm Hồng Phúc. Khi biết NHCSXH cho vay vốn, gia đình đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng để mua lợn về nuôi. Nhờ nguồn vốn chính sách đã giúp gia đình phát triển sản xuất và vươn lên thoát nghèo. Đến nay, mô hình trang trại của gia đình anh đã phát triển cho doanh thu gần 300 triệu đồng/năm.

Nguồn vốn chính sách nhiều năm qua đã hòa nhịp cùng sự phát triển của địa phương. Như Nghĩa Dũng, từ một xã đặc biệt khó khăn theo Chương trình 135, năm nào mưa thuận gió hòa thì bản làng ấm no, năm nào thời tiết không ủng hộ lại thất bát, bà con phải vào rừng đào củ mài, củ sắn, chặt củi đi bán lấy tiền mua gạo. Giờ đây với sự trợ lực của nguồn vốn chính sách, người dân Nghĩa Dũng dần thay đổi tư duy sản xuất từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa vươn lên thoát nghèo, chung tay cùng địa phương hoàn tất các chỉ tiêu cán đích nông thôn mới vào năm 2019. Nhiều mô hình kinh tế hình thành từ vốn vay chính sách của NHCSXH đang là gương sáng cho đồng bào dân tộc noi theo phát triển kinh tế. Như gia đình anh Ngân Văn Hùng ở xóm Đồng Kho và Đồng Thờ vừa thoát khỏi diện hộ nghèo nhờ phát triển mô hình kinh tế tổng hợp. Từ nguồn vốn vay ưu đãi 50 triệu đồng của NHCSXH huyện, vợ chồng anh Hùng đã đầu tư phát triển chăn nuôi, hiện nay gia đình có 7 con bò, 32 con dê, 200 con gà và 1.000 con ếch. Chưa dừng lại ở đó, Anh Hùng tiếp tục đầu tư phát triển mô hình nuôi dế thương phẩm. Từ mô hình tổng hợp này mỗi năm đem lại nguồn lãi ròng cho gia đình trên 100 triệu đồng.

Gia đình chị Trương Thị Hanh ở xóm Hoa Kẻ Thắng vay vốn đầu tư nuôi bò

Gia đình chị Trương Thị Hanh ở xóm Hoa Kẻ Thắng vay vốn đầu tư nuôi bò

Giám đốc NHCSXH huyện Tân Kỳ (Nghệ An) Phan Thanh Tú cho biết, trước đây vùng đất này có mật độ dân cư thưa thớt, song kể từ khi tuyến đường Hồ Chí Minh được khai thông, kinh tế hàng hóa cũng dần theo về và nhanh chóng hình thành những cụm dân cư tập trung dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh suốt từ km số 0 đến tận vùng đất giáp ranh với huyện Nghĩa Đàn. Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế huyện, đặc biệt trong nông nghiệp, việc chuyển đổi từ cây lương thực thấp sang cây công nghiệp và cây năm quả, khai thác khai thác lợi thế khoáng sản phục vụ việc sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển du lịch dịch vụ, nhu cầu vay vốn xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế cũng tăng theo. Trong bối cảnh đó, NHCSXH luôn cố gắng không để các đối tượng chính sách đủ điều kiện được tiếp cận vốn. “Chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thường xuyên khảo sát, nắm bắt nhu cầu vốn trên địa bàn, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đảm bảo 100% hộ có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận vốn tín dụng chính sách theo quy định. Việc điều hành kế hoạch tín dụng được điều chỉnh linh hoạt, kịp thời giữa các đơn vị, giữa các chương trình theo quy định được cho phép do vậy đã nâng cao hiệu suất sử dụng vốn, không để tồn đọng vốn”, Giám đốc Phan Thanh Tú cho biết.

Ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, khi phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng NHCSXH huyện đã tham mưu kịp thời cho UBND huyện, Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện Tân Kỳ phân bổ nguồn vốn tăng trưởng, nguồn vốn quay vòng cho cơ sở và tổ chức giải ngân kịp thời, đáp ứng được nhu cầu vốn cho bà con. Đồng thời, tham mưu UBND huyện và 23 UBND xã, thị trấn chuyển ngân sách ủy thác cho vay hoàn thành 100% kế hoạch đáp ứng nhu cầu vốn của các đối tượng chính sách. Tính đến nay, tổng nguồn vốn NHCSXH huyện Tân Kỳ quản lý là 500 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang đạt 8,4 tỷ đồng, chiếm 1,69% tổng nguồn vốn.

Bên cạnh quản lý tốt nguồn vốn, NHCSXH huyện cũng đã tổ chức giao dịch định kỳ tại xã theo lịch cố định đầy đủ, đúng quy trình, đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Mạng lưới 298 Tổ tiết kiệm và vay vốn cùng 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đã góp phần chuyển tải nguồn vốn ưu đãi tới tận tay các đối tượng. 17 chương trình tín dụng ưu đãi được triển khai trên địa bàn được chú trọng ưu tiên tập trung ở các xã thuộc vùng khó khăn, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống… với đa dạng các chương trình tín dụng, thủ tục cho vay đơn giản, công khai, minh bạch. Kết quả doanh số cho vay lũy kế đến nay đạt 152.576 triệu đồng, với 3.277 lượt hộ được vay vốn. Tính đến ngày 20.12.2021 tổng dư nợ đạt trên 495 tỷ đồng, tăng so với năm 2020 là 22.304 triệu đồng, tốc độ tăng 4,72%, với 11.030 khách hàng vay vốn. Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,07% trên tổng dư nợ, đây là minh chứng cho chất lượng tín dụng rất hiệu quả trên địa bàn Tân Kỳ.

Nhờ những chính sách từ chương trình giảm nghèo, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Tân Kỳ đã có bước khởi sắc rõ nét, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,8%. Tính đến cuối năm 2020, huyện Tân Kỳ có 12/21 xã đạt chuẩn nông thôn mới và dự tính đến hết năm 2021 có thêm 3 xã đạt chuẩn, trong đó có Nghĩa Dũng và một xã đạt chuẩn nông thôn mới chất lượng cao.

Nhìn về tương lai, chính quyền tỉnh Nghệ An đã sớm đặt mục tiêu đưa Tân Kỳ trở thành huyện khá của khu vực miền Tây theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối đồng bộ; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Trên con đường đó, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tân Kỳ sẽ tiếp tục tham mưu choBan đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tiếp tục tăng cường thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW theo tinh thần Kết luận số 06-KL/TW về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cũng như các chỉ đạo của lãnh đạo huyện về công tác tín dụng chính sách. Phân giao chỉ tiêu huy động ngân sách địa phương năm 2022 cho toàn huyện. Đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng thông qua việc phối hợp với các tổ chức hội cung ứng vốn đủ, lồng ghép việc cung ứng tín dụng với các kế hoạch chương trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất hàng hóa và kinh doanh giúp các đối tượng chính sách thoát nghèo bền vững, mở rộng SXKD, phát huy tiềm năng của một vùng đất đồi núi bạt ngàn và đậm tình người nơi miền Tây xứ Nghệ.

Bài và ảnh Thái Hòa

Các tin bài khác