Giúp dân thoát nghèo từ vốn chính sách

17/06/2021
(VBSP News) Những năm qua, NHCSXH huyện Tuần Giáo (Điện Biên) đã và đang triển khai hiệu quả nhiều chương trình cho vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Từ đó góp phần giúp người nghèo có nguồn vốn đầu tư phát triển SXKD, tạo việc làm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều gia đình chị trên địa bàn huyện Tuần Giáo có điều kiện vươn lên thoát nghèo

Nguồn vốn chính sách đã giúp nhiều gia đình chị trên địa bàn huyện Tuần Giáo có điều kiện vươn lên thoát nghèo

Là huyện “cửa ngõ” của tỉnh Điện Biên nhưng đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao. Nắm bắt điều đó, NHCSXH huyện đã phát huy vai trò là “kênh” tín dụng, cầu nối tạo điều kiện để người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, mở rộng mô hình sinh kế. Giám đốc NHCSXH huyện Tuần Giáo Lò Kiên Trinh khẳng định: NHCSXH là địa chỉ tin cậy giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

NHCSXH huyện đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai kịp thời các chính sách về tín dụng ưu đãi tới cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân. Hiện NHCSXH huyện đang thực hiện 14 chương trình tín dụng. Trong đó, một số chương trình phát huy hiệu quả cao như cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, HSSV,… Công tác quản lý nguồn vốn vay được chỉ đạo sát sao từ khâu thành lập Tổ tiết kiệm và vay vốn đến việc bình xét cho vay nên nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã được triển khai nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng. Đến hết tháng 5/2021 tổng dư nợ của NHCSXH huyện đạt 540 tỷ đồng, trong đó có 6.031 hộ nghèo được vay vốn, 1.984 hộ cận nghèo được vay,… Nhờ nguồn vốn ưu đãi mà nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tại các xã vùng sâu, vùng xa vươn lên thoát nghèo (hàng năm có từ 4 - 5% tổng số hộ vay vốn từ NHCSXH thoát nghèo). Đơn cử như Hội Nông dân huyện Tuần Giáo đang quản lý 83 Tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ trên 136 tỷ đồng, trên 5.000 hộ vay vốn. Nhờ nguồn vốn mà hàng năm có tới 70 hội viên nông dân thoát nghèo, ổn định cuộc sống, vươn lên khá giả.

Thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất, trước đây gia đình anh Lò Duy Thiểm ở bản Phung, xã Quài Cang gặp nhiều khó khăn. Cuộc sống lam lũ, kinh tế phụ thuộc vào trồng lúa nương và chăn nuôi nhỏ lẻ. Anh Thiểm mạnh dạn vay NHCSXH huyện 50 triệu đồng đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá. Anh Thiểm chia sẻ: Từ nguồn vốn đó, gia đình tôi đầu tư mua bò, lợn giống về chăn nuôi. Với kinh nghiệm thực tiễn, áp dụng KHKT, phòng bệnh đến nay đàn vật nuôi của gia đình sinh trưởng tốt với 5 con bò, 15 con lợn và gia cầm các loại. Ngoài ra, gia đình tôi còn trồng 1.000m2 ruộng; hơn 200m2 ao cá và vườn rau phục vụ bữa ăn hàng ngày. Mỗi năm trừ chi phí gia đình tôi thu nhập 60 triệu đồng. Với nguồn thu nhập trên gia đình anh Thiểm đã mua sắm được ti vi, xe máy, máy xay xát…); anh còn dự định đầu tư mở rộng thêm mô hình VAC, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Có thể khẳng định, nguồn vốn chính sách không chỉ góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, mà còn làm thay đổi diện mạo nông thôn mới tại các xã vùng cao, vùng sâu; đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 33,16%, thu nhập bình quân đầu người tăng lên 28,5 triệu đồng/người/năm.

Bài và ảnh Phương Linh

Các tin bài khác