Vốn tín dụng chính sách: “Bà đỡ” của hộ nghèo Lạng Sơn
Cùng cán bộ tín dụng Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đình Lập đến thăm gia đình chị Hoàng Thị Viên ở thôn Tà Hón, xã Đình Lập. Dẫn chúng tôi đi tham quan cánh rừng thông bạt ngàn của gia đình, chị Viên phấn khởi cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, diện tích đất rừng lớn nhưng lại thiếu vốn để chăm sóc. Năm 2016, được sự hướng dẫn của Chi hội phụ nữ thôn, tôi đã làm hồ sơ vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng để chăm sóc 4ha rừng thông. Nhờ nguồn vốn đầu tư hiệu quả, sau 3 năm, một số diện tích thông bắt đầu cho khai thác nhựa, đem lại thu nhập bình quân gần 100 triệu đồng/năm. Đến năm 2020, gia đình tôi thoát nghèo, tôi tiếp tục vay 100 triệu đồng chương trình hộ mới thoát nghèo với lãi suất 0,6%/tháng để chăm sóc và mở rộng diện tích trồng thông”.
Cũng như gia đình chị Viên, chị Hoàng Thị Quân ở thôn Quý Xã, xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng trước đây thuộc diện hộ nghèo, kinh tế khó khăn. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay NHCSXH, năm 2020, gia đình chị đã thoát nghèo và trở thành hộ khá giả. Chị Quân cho biết: “Năm 2018, được Hội Phụ nữ xã và Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn tuyên truyền, tôi đã vay 50 triệu đồng chương trình hộ nghèo của NHCSXH để chăn nuôi lợn. Nhờ nguồn vốn tiếp sức kịp thời, đến nay, gia đình luôn duy trì đàn lợn 50 con, mỗi năm xuất bán 2 lứa, mỗi lứa 10 con, đem lại thu nhập 120 triệu đồng/năm. Năm 2020, gia đình tôi thoát nghèo, cuộc sống từng bước được cải thiện và nâng cao”.
Không chỉ chị Viên, chị Quân, những năm qua, đồng vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH được ví như “bà đỡ” của nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh. Trong 5 năm qua (2016 - 2021), đơn vị đã giải ngân trên 1.500 tỷ đồng cho 33.902 lượt hộ vay vốn. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã giải ngân vốn chương trình hộ nghèo trên 163 tỷ đồng cho 2.601 hộ vay vốn, qua đó, nâng tổng dư nợ chương trình hiện nay lên 754 tỷ đồng với trên 15.000 lượt khách hàng còn dư nợ. Một số Phòng giao dịch có dư nợ cao như: Lộc Bình (111 tỷ đồng); Hữu Lũng (110 tỷ đồng); Bắc Sơn (90,7 tỷ đồng); Bình Gia (85,2 tỷ đồng)…
Nguồn vốn vay được các hộ nghèo đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, vốn vay ưu đãi đã giúp người dân trồng mới được trên 14.000ha rừng và cây ăn quả; đầu tư chăn nuôi trên 10.000 con gia súc, gia cầm; mua sắm vật tư nông nghiệp để phục vụ sản xuất kinh doanh… Trong 5 năm qua, nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo đã giúp trên hàng nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, từng bước ổn định cuộc sống.
Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn Phạm Mạnh Hà cho biết: Để thực hiện hiệu quả chương trình, hằng năm, đơn vị chủ động tham mưu cho Ban đại diện HĐQT có văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu, kế hoạch cho các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện sát sao các chương trình nói chung, đặc biệt là nguồn vốn chương trình cho vay hộ nghèo. Mặt khác, chỉ đạo các Phòng giao dịch huyện, thành phố chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai chính sách vốn; phân công cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị - xã hội nắm danh sách hộ nghèo có nhu cầu vay vốn. Từ đó, giải ngân kịp thời và có sự định hướng để sử dụng nguồn vốn phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình.
Bên cạnh đó, để nguồn vốn phát huy hiệu quả, song song với giải ngân vốn, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giám sát chặt chẽ, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng. Qua kiểm tra hằng năm, hầu hết các hộ đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, tỷ lệ thu nợ, thu lãi hằng năm luôn đạt trên 96%. Điều đó thể hiện ở chất lượng tín dụng, hiện tỷ lệ nợ quá hạn của chương trình toàn chi nhánh chỉ chiếm 0,06% tổng dư nợ.
Chương trình cho vay hộ nghèo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Lạng Sơn thật sự trở thành nguồn lực tiếp sức cho hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ổn định và thoát nghèo bền vững. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân đạt từ 3 - 5%/năm, tạo sự phấn khởi, đồng thuận trong nhân dân, góp phần thiết thực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài và ảnh Mai Linh - Kim Huyên
Các tin bài khác
- » Tín dụng chính sách giúp đồng bào DTTS Sóc Trăng vượt khó thoát nghèo
- » Nguồn lực giảm nghèo bền vững
- » Huyện Triệu Sơn phát huy hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm
- » Nguồn vốn ưu đãi tiếp sức nông dân Hội An khá giả
- » Đưa chính sách hỗ trợ phát triển du lịch vào cuộc sống
- » Kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Cà Mau và Kiên Giang
- » Đoàn thanh niên NHCSXH huyện Quảng Ninh tham gia tặng quà Tết cho cho người nghèo
- » Đòn bẩy giảm nghèo, an sinh xã hội
- » Bắc Giang đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng chính sách xã hội
- » Cà Mau thực hiện tín dụng chính sách hiệu quả