Tín dụng chính sách giúp đồng bào DTTS Sóc Trăng vượt khó thoát nghèo

04/01/2022
(VBSP News) Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào DTTS, chủ yếu là đồng bào Khmer và Hoa sống đan xen với đồng bào Kinh. Tại các huyện, thị xã có đông đồng bào DTTS thì hoạt động của NHCSXH đã và đang khẳng định được vai trò, vị thế của mình thông qua các chương trình tín dụng ưu đãi để giải ngân cho bà con vay vốn đầu tư tăng thu nhập, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng...
soc trang

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp đồng bào DTTS tỉnh Sóc Trăng có vốn thực hiện mô hình kinh tế, vượt khó, thoát nghèo

Nhận thức được trách nhiệm, vị trí và vai trò tín dụng chính sách trong vấn đề giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, trong đó, đặc biệt chú trọng đến huyện, thị xã có chất lượng tín dụng thấp, có đông đồng bào DTTS, trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng nguồn vốn của chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng đạt 4.200 tỉ đồng, với hơn 18.000 lượt hộ vay vốn. Riêng trong 11 tháng năm 2021, doanh số cho vay của đơn vị đạt trên 1.047 tỉ đồng, mức cho vay bình quân trên 30 triệu đồng/hộ; nâng tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đang triển khai trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 3.945 tỉ đồng, đạt 98,96% kế hoạch, với 150.059 khách hàng còn dư nợ, dư nợ bình quân là 26,3 triệu đồng/hộ, tăng 1,8 triệu đồng so với cuối năm rồi. Các huyện, thị xã có dư nợ và cho vay nhiều gồm: Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, TX Vĩnh Châu…
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho nhiều hộ DTTS có nguồn lực để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế gia đình. Ông Lý Rươl ở xã Mỹ Thuận, huyện Mỹ Tú cho biết: “Vừa qua, gia đình tôi được Phòng giao dịch NHCSXH huyện xem xét cho vay 20 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo. Có vốn trong tay, vợ chồng tôi quyết định mua 2 con bò về nuôi để cố gắng vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.
Còn anh Lâm Bêl ở xã Lạc Hòa, TX Vĩnh Châu  trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo, được vay vốn NHCSXH 15 triệu đồng để trồng trọt, chăn nuôi mà kinh tế gia đình khởi sắc. “Sau thời gian chí thú làm ăn, gia đình tôi đã trả xong nợ cho ngân hàng và tiếp tục được xem xét cho vay 40 triệu đồng chương trình cho vay hộ cận nghèo để tiếp tục đầu tư vào mô hình nuôi bò và trồng rẫy nhằm vươn lên thoát nghèo bền vững”, anh Lâm Bêl chia sẻ.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng Trần Duy Đông cho biết: Từ năm 2016 đến nay, đơn vị đã giải ngân cho vay hàng nghìn lượt hộ vay vốn, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm ngàn lao động, nhất là đồng bào DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng. Bên cạnh đó, chương trình vay vốn lao động ở nước ngoài đã giúp trên 1.000 lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài; nhiều trường hợp là HSSV có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và tại các cơ sở đào tạo nghề được tham gia vay vốn; hơn 25.000 lượt hộ vay vốn để xây trên 26.000 công trình nước sạch và gần 24.000 công trình vệ sinh đạt chuẩn. Thực hiện Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg, Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, chi nhánh NHCSXH tỉnh Sóc Trăng đã giải ngân cho hộ nghèo vay vốn xây dựng trên 4.000 căn nhà; đã hỗ trợ 50 hộ vay vốn xây mới nhà ở hoặc mua nhà ở xã hội… Nguồn vốn cho vay được thực hiện đúng đối tượng thụ hưởng, đã góp phần tích cực, có hiệu quả vào mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Quy định, thủ tục cho vay thuận lợi, nhanh gọn đến tận cơ sở đã giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác kịp thời có nguồn vốn; đặc biệt nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng người nghèo và các đối tượng chính sách khác thiếu vốn phát triển kinh tế, phải vay nặng lãi… Thông qua hoạt động tín dụng chính sách của hệ thống NHCSXH, trong những năm qua đã làm thay đổi nhận thức của một bộ phận người nghèo, cận nghèo, đặc biệt hơn nữa là đồng bào DTTS biết sử dụng vốn vào sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Vốn tín dụng chính sách góp phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách giàu, nghèo giữa các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng; giảm tỷ lệ thất nghiệp; góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hoạt động của NHCSXH đã phát huy được vay trò, đòn bẩy quan trọng với việc ổn định đời sống, tăng thêm thu nhập và phát triển kinh tế, ổn định xã hội ở địa phương.

Bài và ảnh Quang Bình

Các tin bài khác