Phát huy hiệu quả nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm ở huyện Thuận Bắc
Đến thăm hộ anh Chamaléa Hải ở thôn Kiền Kiền 2, xã Lợi Hải, là một thanh niên trẻ, nhờ vốn vay từ NHCSXH cộng với chí thú làm ăn, anh đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Hải chia sẻ: “Với quyết tâm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống gia đình, năm 2019, tôi mạnh dạn làm hồ sơ và được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thuận Bắc tạo điều kiện cho vay 80 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm. Có vốn trong tay, tôi đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 6 con heo đen và 100 con gà giống về nuôi sinh sản; nhờ nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, nên đàn heo, gà sinh sản nhanh, lứa đầu xuất bán cho lãi cao. Đầu tư có lãi, tôi tiếp tục mở rộng quy mô tổng đàn heo hiện nay lên hơn 30 con và 200 con gà, mỗi năm xuất bán, đem lại lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng”.
Không chỉ riêng anh Hải, một số hộ khác như: Lai Thị Keo ở xã Bắc Sơn; Pinăng Thị Luynh, Katơr Thị Dém ở xã Phước Chiến; Nguyễn Thị Quế, Trần Ái Huỳnh Gia ở xã Công Hải… vay vốn giải quyết việc làm của NHCSXH, kinh tế gia đình ngày càng phát triển, vươn lên trở thành hộ khá giả tại địa phương.
Xác định chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay giải quyết việc làm là một trong những chương trình mang tính thiết thực, thúc đẩy nhanh quá trình giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh trên địa bàn huyện; Phòng giao dịch luôn chủ động phối hợp với UBND các xã, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về những quy định mới để người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay. Đồng thời, hằng năm, căn cứ vào nhu cầu vốn vay từ các địa phương, Phòng giao dịch thực hiện linh hoạt các giải pháp cân đối vốn tín dụng từ cấp trên giao, đẩy nhanh việc thu hồi các khoản vay đến hạn để tổ chức giải ngân vốn đến các đối tượng lao động có đủ nhu cầu vay, nhất là thanh niên, phụ nữ khởi nghiệp có phương án SXKD phù hợp.
Nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm đã góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch về tạo việc làm trên địa bàn huyện. Đặc biệt, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đồng vốn được giải ngân kịp thời, trở thành điểm tựa giúp người lao động khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Riêng trong năm 2021, Phòng giao dịch đã thực hiện cho 111 lao động vay vốn, với số tiền 6,117 tỷ đồng; nâng tổng dư nợ của chương trình đến ngày 31.12.2021 lên 13,2 tỷ đồng, với 307 lao động còn dư nợ.
Hướng tới mục tiêu mở ra nhiều cơ hội việc làm cũng như đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn cho người lao động trong thời gian tới, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Thuận Bắc Châu Văn Vé cho biết: Đơn vị tiếp tục tham mưu đề xuất tăng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ Trung ương, kiến nghị UBND huyện quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay. Đẩy mạnh phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn nâng cao chất lượng bình xét, thẩm định dự án cho vay, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng; tuyên truyền đến người vay sử dụng vốn đúng mục đích, thực hiện trả gốc, lãi đầy đủ, đúng kỳ hạn.
Hồng Lâm
Các tin bài khác
- » Động lực thoát nghèo bền vững
- » Người lao động hồi hương được tiếp sức lập thân, lập nghiệp
- » Vươn lên làm giàu từ nguồn vốn ưu đãi
- » Tín dụng chính sách góp phần đổi thay miền trung du Thanh Ba
- » Thành quả lớn từ thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào DTTS
- » Vốn tín dụng chính sách: “Bà đỡ” của hộ nghèo Lạng Sơn
- » Tín dụng chính sách giúp đồng bào DTTS Sóc Trăng vượt khó thoát nghèo
- » Nguồn lực giảm nghèo bền vững
- » Huyện Triệu Sơn phát huy hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm
- » Nguồn vốn ưu đãi tiếp sức nông dân Hội An khá giả