Thành quả lớn từ thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào DTTS

04/01/2022
(VBSP News) Chiếm hơn 15,2% dân số toàn tỉnh và nằm rải rác trên 50% số xã trong toàn tỉnh (252 xã), đồng bào Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu... đã cùng cộng đồng các dân tộc trong tỉnh Nghệ An viết lên những trang sử truyền thống cách mạng hào hùng, hình thành sự đa dạng về bản sắc dân tộc và văn hóa trên địa bàn Nghệ An. Song, nhịp sống của đồng bào dân tộc còn chưa bắt kịp với tốc độ phát triển nông nghiệp, nông thôn chung của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo còn cao ở nhiều nơi là nỗi trăn trở không chỉ của riêng chính quyền địa phương, mà của cả những cán bộ ngân hàng áo hồng trong hành trình khai mở tư duy đưa vốn tín dụng thấm lên từng vạt đồi, nương lúa gần 20 năm qua trên mảnh đất này.
Nghe An 1

Cán bộ tín dụng Phòng giao dịch NHCSXH huyện Con Cuông trao đổi với bà con về các chương trình tín dụng ưu đãi

Khơi mở tương lai no ấm
“Thành quả lớn nhất từ nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH là thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào các dân tộc vùng cao, biên giới. Khi tư tưởng của người dân thay đổi, biết tư duy, biết nhận thức, biết xây dựng được ý chí tự lực, tự cường để vươn lên thì đó là thành quả và sẽ là tiền đề để mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới”, Bí thư huyện ủy Tương Dương Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh.
Gần 20 năm qua, nguồn vốn chính sách đã sớm bám sâu trên từng mảng rừng, vạt núi của mảnh đất này trước cả điện, đường, trường, trạm. Như bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương dù đến thời điểm này vẫn là bản 3 “không”: Không có đường giao thông, không điện lưới và không có sóng viễn thông, nhưng nguồn vốn chính sách đã có mặt ở đây từ 20 năm trước, giúp những người dân Khơ Mú thay đổi tập quản sản xuất. Từ tự cung, tự cấp, quăng chài, hái măng, làm rẫy phụ thuộc vào tự nhiên, rồi dần chuyển sang hình thức sản xuất hàng hóa nuôi trâu bò, thả cá lồng bè, làm nương, vượt qua nghèo khó vốn đã thâm căn cố đế bao đời. “Nhờ làm tốt công tác phát triển kinh tế, nên đời sống của bà con trong bản từng bước được ổn định, thu nhập bình quân đầu người hiện nay ước đạt 8 - 10 triệu đồng/khẩu/năm”, hộ làm ăn khá ngày càng tăng, cùng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH đang giúp 63 hộ nghèo và 43 hộ cận nghèo, 3 hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi góp phần cùng cả xã từng bước giảm hộ nghèo một cách bền vững.
Đồng vốn tín dụng cũng đã giúp người dân nơi đây khai hoang, phủ xanh đất trống, đồi trọc, đẩy nhanh quá trình thoát nghèo phát triển kinh tế bền vững. Như gia đình ông Phẩy Văn Bay ở thôn Trung Hương, xã Yên Khê, huyện Con Cuông quyết tâm thoát nghèo của gia đình đã có từ sớm. Vợ chồng ông cùng đồng tâm hiệp lực bảo ban nhau làm ăn. Nhưng vì không có tích lũy nên lần mò mãi thu nhập cũng chẳng có là bao. Phải đến khi được NHCSXH cho vay tiếp nguồn vốn chăn nuôi sản xuất, trồng rừng, thì thu nhập mới dần có và ổn định. “Khi đó vợ chồng tôi làm hồ sơ vay vốn NHCSXH để trồng cây keo, hiện tại, cây keo đã vào năm thứ 4, năm thứ 5 là bắt dầu thu hoạch được. Ngoài ra với tổng vốn vay 100 triệu đồng, chúng tôi cũng dành để mua 2 con trâu để chăn dắt, bây giờ cũng đã có được 6 con”, ông kể.
Với ông Kha Văn Thương ở bản Tam Bông, xã Tam Quang, huyện Tương Dương (Nghệ An), nguồn vốn chính sách cho vay không chỉ giúp ông chuyển đổi mô hình kinh tế gia đình mà còn tạo việc làm cho lao động tại địa phương. “Trước đây, cũng nuôi lợn, nuôi gà, làm ruộng, song thu nhập chẳng được bao”, ông kể. Chính vì vậy, khi được tiếp cận nguồn vốn vay của NHCSXH, ông đã quyết tâm khởi động lại nghề mây tre đan truyền thống của ông cha để lại. Nguồn vốn 50 triệu đồng của NHCSXH đã trợ giúp ông có vốn lưu động để mua vật liệu làm hằng ngày, trả lương công. Cùng với việc tìm kiếm thị trường và tập trung vào các sản phẩm bàn ghế mây tre đan và các sản phẩm thủ công khác thể hiện văn hóa của Việt Nam rất tinh tế, hàng hóa của gia đình ông làm đến đâu tiêu thụ đến đó. “Chăn nuôi còn sợ dịch chứ hiện tại chuyển về làm mây tre đan trời mưa, trời nắng, làm ở nhà được cả ngày, không phải đi đâu cả, thu nhập ổn định”, ông nói. Chuyển làm mây tre đan được 6 năm, hiện ông đang tạo việc làm cho 6 lao động làm việc với mức lương 6 - 7 triệu đồng/tháng. “Ước mong của tôi là có thêm vốn mở rộng sản xuất tạo công ăn việc làm cho dân bản ở đây cũng như xã khác, bản thân cũng muốn tạo một thương hiệu sản phẩm của người Việt, tinh hoa của người Việt đi cung cấp cho khách hàng trong nước hoặc là ngoài nước”, ông Thương kỳ vọng.

Nghe An 2

Ông Kha Văn Thương giới thiệu với cán bộ NHCSXH về các sản phẩm mây tre đan

Cần phân bổ nguồn lực đủ và kịp thời
Mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện sống cho người dân vùng DTTS được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời nhìn nhận một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững cho đồng bào được xác định là kênh tín dụng chính sách xã hội đã góp phần tăng tốc việc mở rộng độ phủ 20 chương trình tín dụng chính sách xã hội, trong đó có một số chính sách riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số trên mảnh đất này. Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An cho biết, gần 20 năm qua, chi nhánh tỉnh đã cho vay trên 29.819 tỷ đồng, cho gần 1,8 triệu lượt khách hàng vay vốn. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng được chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An thực hiện đến nay đạt trên 9.700 tỷ đồng với hơn 250 nghìn khách hàng. Trong tổng dư nợ và khách hàng đang vay vốn hiện nay, dư nợ cho vay đồng bào DTTS ở Nghệ An đạt 2.470 tỷ đồng, chiếm 25,6% tổng dư nợ, số khách hàng là DTTS hiện đang vay vốn là trên 71 nghìn hộ, chiếm 26,3%; lũy kế doanh số cho vay từ ngày thành lập đạt 7.601 tỷ đồng cho gần 483 nghìn hộ. Ngoài các ưu đãi khi vay vốn các chương trình tín dụng như các đối tượng khác, đồng bào DTTS được thụ hưởng riêng một số chương trình tín dụng đặc thù với mức lãi suất và thời hạn rất ưu đãi.
Tín dụng chính sách đã góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS, trong giai đoạn 2011 - 2015 đã giảm từ 36,19% xuống còn 16,54% (các huyện 30a giảm bình quân 6 - 7% mỗi năm); từ năm 2016 - 2017 đã giảm từ 24,04% xuống còn 17,04% (các huyện nghèo giảm bình quân 5% mỗi năm), đồng thời còn góp phần làm thay đổi đáng kể diện mạo các bản, làng ở nông thôn, đặc biệt là vùng nghèo, vùng DTTS. Nợ quá hạn và nợ khoanh đối với cho vay đồng bào DTTS thường xuyên ổn định ở mức khá thấp với tỷ lệ 0,32% và 0,57%, cho thấy hiệu quả của việc sử dụng vốn cũng nhưng ý thức tiết kiệm của đồng bào nghèo. Việc làm này có ý nghĩa đặc biệt đối với đồng bào ở vùng sâu, vùng còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, Nghệ An vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa tự cân đối thu - chi, trong khi tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vẫn còn ở mức cao, trên mức bình quân cả nước (đến năm 2017 chiếm tỷ lệ lần lượt là 7,54% và 9,86%). Bên cạnh đó, tỉnh có đến 11/21 đơn vị cấp huyện phía Tây còn nhiều khó khăn, 252 xã vùng khó khăn giai đoạn 2016 - 2020, hiện nay còn 82 xã. Vì vậy, nhu cầu vốn tín dụng chính sách hộ đồng bào DTTS rất lớn, nhất là nguồn vốn cho vay hộ sản xuất kinh doanh, cho vay giải quyết việc làm trong khi hiện nay nguồn vốn này còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Mặc dù trong những năm qua, chính sách tín dụng cho vùng nghèo, vùng DTTS là khá đồng bộ, có tính kế thừa và phát triển liên tục qua từng giai đoạn song nguồn lực còn hạn chế, phân bổ chậm làm cho thực hiện ở cơ sở gặp khó khăn. Từ thực trạng này, ông Vinh cho biết chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục tranh thủ nguồn vốn Trung ương nhằm đảm bảo nguồn lực để ưu tiên nhiều hơn nữa cho đồng bào DTTS nghèo, vùng nghèo và các huyện nghèo tích cực tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo có hiệu quả đối với hoạt động tín dụng chính sách theo Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 29-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là việc bố trí ngân sách để NHCSXH cho vay đối với người nghèo, người DTTS và đối tượng chính sách khác.
Đồng thời, chi nhánh cũng đề xuất Trung ương tăng cường bố trí nguồn lực một cách kịp thời cho các chương trình tín dụng chính sách, nhất là các chương trình tín dụng dành cho đồng bào DTTS để các chính sách này được thực thi một cách kịp thời, có hiệu quả. Tuy nhiên, ông Vinh cũng nhấn mạnh nguồn vốn chỉ là một phần để hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Để những người nghèo được vay vốn thoát nghèo bền vững thì ngoài cái nguồn vốn cần sự hỗ trợ, chỉ đạo thường xuyên của Đảng, chính quyền và cùng với sự hướng dẫn, giúp đỡ của các ngành. Trong đó địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng; tăng cường phối hợp, kết nối các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, ứng dụng KHKT vào sản xuất với việc triển khai các chính sách tín dụng tại các vùng đồng bào DTTS.

Bài và ảnh Minh Nguyễn

Các tin bài khác