Người lao động hồi hương được tiếp sức lập thân, lập nghiệp
Từ khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tới nay, đã có hàng nghìn lượt người tỉnh Đắk Nông làm ăn, sinh sống ở ngoại tỉnh trở về quê hương. Điều đặc biệt là những người lao động gặp khó khăn đã không bị bỏ lại phía sau. Họ nhanh chóng được cơ quan chức năng tiếp sức vượt qua giai đoạn được cho là khó khăn, ngặt nghèo nhất trong cuộc đời.
Đơn cử như anh Huỳnh Minh Hưởng, sau khi từ tỉnh Bình Dương trở về quê nhà ở huyện Krông Nô đã được tiếp cận nguồn vốn cho vay hộ mới thoát nghèo. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và NHCSXH, anh Hưởng đã vay 72 triệu đồng. Anh Hưởng cho biết: “Lâu nay, công việc làm ăn ở xa quê của tôi hết sức bấp bênh, vất vả, thậm chí nay đây, mai đó. Khi trở về địa phương bản thân tôi cũng gặp phải muôn vàn khó khăn do thiếu nguồn vốn và tư liệu sản xuất. Trong lúc đang khó khăn nhất, như người “chết đuối”, tôi đã được các cấp chính quyền và Phòng giao dịch NHCSXH huyện Krông Nô tạo điều kiện được sử dụng nguồn vốn ưu đãi để lập thân, lập nghiệp. Từ nguồn vốn ưu đãi này, bản thân tôi đã xây dựng kế hoạch dài hơi cho việc cải tạo vườn càphê và nuôi bò để thoát nghèo bền vững”.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông Đào Thái Hoà cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã ưu tiên cho người lao động hồi hương được vay vốn ưu đãi giải quyết việc làm bằng với lãi suất cho vay các hộ cận nghèo (0,66%/tháng). Đối với chương trình này, mỗi người lao động sẽ được vay với mức tối đa là 100 triệu đồng, thời hạn vay không quá 120 tháng. Điều đặc biệt là việc người lao đông sau khi hồi hương sẽ được các cán bộ xã, phường, thị trấn và Tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở lập tức tới nhà thăm nom, nắm bắt nhu cầu cụ thể.
Chỉ cần người lao động có nhu cầu, ngân hàng sẽ hỗ trợ người dân hoàn thành mọi hồ sơ thủ tục và giải ngân vốn ngay tại địa phương. Mục tiêu của việc này là để người lao động nhanh chóng bắt tay lập thân, lập nghiệp ngay tại quê hương của mình. Theo chi nhánh NHCSXH tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị đã kịp thời rà soát và giải ngân cho hơn 1.400 lao động hồi hương với số tiền hơn 51 tỉ đồng. Trong đó, số lao động là người DTTS trở về quê được vay vốn hỗ trợ sản xuất là 471 người (chiếm 1/3 tổng số lao động được vay vốn) với số tiền hơn 17 tỉ đồng.
Điều đặc biết của chương trình này là việc người lao động hồi hương khi có nhu cầu vay vốn sẽ không cần thế chấp tài sản. Mặt khác, để người lao động hồi hương sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, chính quyền địa phương đang phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp đào tạo nghề phù hợp, nâng cao tay nghề sớm tạo sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống.
Phan Tuấn - Quỳnh Chi
Các tin bài khác
- » Vươn lên làm giàu từ nguồn vốn ưu đãi
- » Tín dụng chính sách góp phần đổi thay miền trung du Thanh Ba
- » Thành quả lớn từ thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào DTTS
- » Vốn tín dụng chính sách: “Bà đỡ” của hộ nghèo Lạng Sơn
- » Tín dụng chính sách giúp đồng bào DTTS Sóc Trăng vượt khó thoát nghèo
- » Nguồn lực giảm nghèo bền vững
- » Huyện Triệu Sơn phát huy hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm
- » Nguồn vốn ưu đãi tiếp sức nông dân Hội An khá giả
- » Đưa chính sách hỗ trợ phát triển du lịch vào cuộc sống
- » Kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Cà Mau và Kiên Giang