Lao động vay vốn tạo việc làm, giảm tác động do dịch COVID-19

20/01/2022
(VBSP News) Trong tác động mạnh của dịch COVID-19, hoạt động vay vốn tín dụng chính sách của chi nhánh NHCSXH tỉnh Vĩnh Long đã giúp người dân, người lao động tự tạo và giải quyết việc làm, góp phần ổn định sản xuất, đời sống.
vinh long 1

Người dân nhận vốn vay giải ngân tại Điểm giao dịch phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long

Anh Huỳnh Thế Cường ở phường 1, TP Vĩnh Long trước đây là công nhân làm việc tại Bình Dương. Năm 2021, dịch COVID-19 bùng phát, giãn cách xã hội kéo dài, công việc tạm dừng, anh đã quyết định về quê tìm sinh kế khác. Trong lúc băn khoăn về nguồn vốn, anh được các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương thông tin đề án vay vốn giải quyết việc làm và được hướng dẫn hồ sơ thủ tục để vay 20 triệu đồng. Anh triển khai mô hình nuôi lươn giống. Từ cuối tháng 10.2021 đến nay, anh Cường đã xuất bán được 2 đợt lươn giống. Anh nói: “Có ý tưởng và được hỗ trợ nguồn vốn trên, bước đầu tôi làm mô hình nuôi lươn giống và nếu ổn định thì sắp tới tôi sẽ ở lại địa phương để phát triển sản xuất”.
Theo tổng hợp của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, có gần 20.000 lao động làm việc tại các tỉnh thành như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… trở về Vĩnh Long do ảnh hưởng dịch COVID-19. Hầu hết lao động khi về địa phương không có việc làm, đời sống khó khăn, lại không thuộc diện nhận hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Tháng 10.2021, UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định phê duyệt Đề án cho vay đối với cá nhân, hộ SXKD bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh. Đề án với nguồn vốn cho vay đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển đổi nghề, chuyển đổi việc làm của người lao động trong thời điểm hiện tại; giúp các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tạo việc làm tại chỗ đồng thời bảo đảm an toàn phòng dịch; góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tối đa thiếu việc làm, lao động thất nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Đề án có mục tiêu cụ thể giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp bởi dịch COVID-19; góp phần duy trì và giảm tỷ lệ thất nghiệp hàng năm ở mức dưới 3%;… Mức vay tối đa không quá 100 triệu đồng/lao động, thời hạn cho vay tối đa 5 năm. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 60 tỷ đồng (nguồn vốn Trung ương 30 tỷ đồng, nguồn vốn của tỉnh 30 tỷ đồng). Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Vĩnh Long Trương Thanh Hà cho biết: Vĩnh Long là một trong số ít địa phương trên cả nước có đề án này hỗ trợ người lao động và được đánh giá rất cao. Đó là sự tiếp sức đúng lúc để lao động tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống.
Nhu cầu vay vốn của người dân là rất lớn. Hiện nay, NHCSXH tiếp tục phối hợp với các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội các cấp rà soát, bình xét lập danh sách người lao động có đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn, đặc biệt người lao động là công nhân các tỉnh thành trở về địa phương để trình UBND cấp huyện phê duyệt và thực hiện giải ngân ngay. Làm sao nhanh nhất có thể để khách hàng có vốn sản xuất kinh doanh, tự tạo việc làm, vượt qua khó khăn.
Ngày 17.1.2021, tại phiên họp cuối năm của chi nhánh NHCSXH tỉnh Vĩnh Long, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh Vĩnh Long biểu dương các kết quả mà NHCSXH đạt được năm qua. Đồng thời, nêu nhiều nhiệm vụ để NHCSXH cùng các ngành, tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện năm 2022. Trong đó, tập trung thực hiện tốt các chương trình, đề án cho vay hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ phục hồi SXKD, nhất là cho vay đối với lao động khó khăn do dịch COVID-19 trở về tỉnh thời gian qua để tạo và giải quyết việc làm, ổn định đời sống. Tín dụng chính sách đã cùng địa phương kịp thời hỗ trợ người lao động sở tại, lao động từ các tỉnh thành trở về khi dịch bệnh phức tạp. Họ được hỗ trợ vay vốn làm ăn, vượt qua khó khăn và về lâu dài tạo điều kiện để ổn định sản xuất và đời sống, đóng góp phát triển kinh tế địa phương.
Theo báo cáo của chi nhánh NHCSXH tỉnh Vĩnh Long, các chương trình tín dụng chính sách năm 2021 đã tạo điều kiện cho hơn 26.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn để SXKD, tăng thêm thu nhập gia đình. Đã có hơn 2.000 hộ vay vốn thoát nghèo, thoát cận nghèo, đời sống gia đình nâng lên. Năm qua doanh số cho vay đạt 711,6 tỷ đồng, với hơn 26.000 lượt hộ vay vốn.

Bài và ảnh Minh Thái

Các tin bài khác