Niềm vui từ người dân Phú Lương

24/01/2022
(VBSP News) Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, mặc dù ngân sách còn khó khăn, hàng năm UBND huyện Phú Lương (Thái Nguyên) vẫn cố gắng chuyển từ 500 triệu - 1 tỷ đồng ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, sau 7 năm, tổng nguồn vốn ủy thác của huyện chuyển sang NHCSXH đạt 3,9 tỷ đồng. Cùng với nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, nguồn vốn ủy thác của huyện đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực trên quê nhà.
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lương thăm làng nghề bánh chưng ở Bờ Đậu

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lương thăm làng nghề bánh chưng ở Bờ Đậu

Ngoài việc đảm bảo nguồn vốn cho vay hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường…, từ năm 2020, bám sát chủ trương phát triển kinh tế của huyện, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lương tập trung phân bổ nguồn vốn giải quyết việc làm các hộ dân thuộc các làng nghề, sinh sống tại các xã đang phấn đấu về đích xây dựng nông thôn mới, hoặc những xã đang phát triển sản phẩm OCOP. 7 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã giải ngân 2 tỷ đồng cho 34 hộ phát triển một số làng nghề, như: làng chè xã Vô Tranh, Tức Tranh và làng nghề bánh chưng Bờ Đậu xã Cổ Lũng
Đơn cử như ông Nguyến Tiến Hiệp ở xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh, đầu năm 2021 được Phòng giao dịch NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay nguồn vốn giải quyết việc làm với số tiền 53 triệu đồng. Ông đã đầu tư mua máy tôn sao chè bằng ga, bằng điện. Ông Hiệp cho biết: Sau khi đưa vào sử dụng, các loại máy móc đã góp phần giúp gia đình giải phóng sức lao động, nâng cao chất lượng, sản phẩm chè búp bán được giá hơn. Với 35ha chè kinh doanh, Trung Thành 1 là một trong 14 làng nghề sản xuất, chế biến chè nổi tiếng ở xã Vô Tranh.
Chủ tịch UBND xã Vô Tranh Nguyễn Đức Khuê cho biết: Vô Tranh là một trong 4 xã chủ lực của vùng chè Phú Lương. Tính đến nay, toàn xã có 570ha chè kinh doanh, sản lượng chè búp tươi đạt 7.300 tấn/năm. Với giá bán bình quân 150.000 đồng/kg chè búp khô, doanh thu mang về cho người dân trong xã trên 200 tỷ đồng/năm. Chè là cây trồng chính, ngày nay là cây làm giàu của người dân xã Vô Tranh, với 90% số dân trong xã sống nhờ cây chè. Tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn dưới 2%. Cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của tỉnh, của huyện, nguồn vốn của NHCSXH đã và đang tiếp thêm nguồn lực giúp người nghèo tự tin phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo một cách bền vững. Hiện nay, xã có gần 1.000 hộ vay vốn NHCSXH, với dư nợ trên 21 tỷ đồng.
Phú Lương không chỉ có đặc sản chè, còn nổi tiếng với làng nghề bánh chưng Bờ Đậu ở xã Cổ Lũng. Đầu năm 2021, từ nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác sang, lãnh đạo NHCSXH huyện Phú Lương đã tham mưu cho UBND huyện giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho xã Cổ Lũng duy trì, phát triển làng nghề bánh chưng Bờ Đậu, vượt qua khó khăn đại dịch COVID-19. Với số tiền 500 triệu đồng được vay, bà Nguyễn Thị Oanh - một chủ làng nghề bánh chưng giải quyết việc làm ổn định cho 10 hộ của làng nghề. Bà Oanh cho biết: Gia đình đã có nghề gói bánh chưng từ mấy chục năm nay, nhưng trước kia chỉ sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm ít vì phải tính toán bánh làm ra đến đâu buộc phải bán hết đến đó, vì không có thiết bị bảo quản; thiếu vốn. Hai năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên gia đình và cả làng nghề gặp nhiều khó khăn từ sản xuất đến tiêu thụ. Tháng 5.2021, gia đình được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Lương, với số tiền 50 triệu đồng. Nhờ số tiền được vay, gia đình đã mạnh dạn đầu tư thêm dụng cụ chế biến, như: nồi điện luộc bánh; làm phòng lạnh gói bánh, đảm bảo an toàn vệ sinh tực phẩm; mua nguyên vật liệu (lá dong, gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn), làm tem truy suất nguồn gốc, dán mã QR… nên đã giảm được rất nhiều công đoạn thủ công, sản phẩm được đầu tư nên chất lượng được nâng cao, khách hàng tin dùng.
Làng nghề bánh chưng Bờ Đậu không chỉ giúp người dân xóm 9 có thu nhập ổn định, mà còn kéo theo nhiều dịch vụ khác phát triển, như: kinh doanh bánh chưng tại chỗ; cung ứng gạo và nguyên liệu làm bánh; tận dụng tối đa phụ phẩm làm bánh (nước gạo, vỏ đậu) phát triển chăn nuôi…
Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng Vũ Văn Cương cho biết: Tính đến nay, dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt gần 17 tỷ đồng, với trên 716 hộ vay vốn. Các nguồn vốn ưu đãi đã giúp người dân yên tâm đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế; nhiều gia đình đã thoát nghèo, làm giàu. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 1,33%. Đặc biệt, năm 2021, các hộ vay nguồn vốn ưu đãi đã ổn định, mở rộng SXKD, phát huy hiệu quả nguồn vốn.

Bài và ảnh Hồ Khánh Thiện

Các tin bài khác