Điểm tựa vững chắc của người nghèo
Điểm tựa cho hộ nghèo vươn lên
Nhờ được tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay từ NHCSXH, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình DTTS và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu.
Với hộ gia đình anh Hoàng Văn Chuyên ở xóm Nà Luông, xã Thái Cường, huyện Thạch An, nguồn vốn vay ưu đãi như chiếc “phao cứu sinh” giúp gia đình anh vượt qua khó khăn. Trước đây, kinh tế gia đình chỉ trông chờ vào lúa, ngô và làm thuê qua ngày, cảnh nghèo đói cứ thế đeo bám nhiều năm. Năm 2007, thông qua kênh ủy thác của Hội CCB xã, anh Chuyên vay vốn NHCSXH 50 triệu đồng để trồng rừng, phát triển mô hình chăn nuôi trâu sinh sản. Quá trình sử dụng vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả rõ rệt. Từ nguồn thu nhập ổn định, gia đình anh có điều kiện mua sắm các vật dụng thiết yếu như tivi, tủ lạnh, máy cày…
Nhờ đồng vốn tín dụng chính sách, gia đình ông Lương Văn Giảo ở xóm Khau Súng - Khuổi Bắc, xã Quang Trung, huyện Hòa An có động lực để thoát nghèo, thay đổi cuộc sống. Vốn là một hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình ông cũng như các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo khác đều được tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, hỗ trợ nhà ở. Ông chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng cam, quýt, mận. Ngoài ra, ông nuôi bò tăng thêm thu nhập. Đến năm 2020, gia đình ông Giảo đã thoát nghèo và xây được ngôi nhà kiên cố thay thế căn nhà dột nát.
Tiêu biểu trong phát triển kinh tế gia đình gắn với nguồn vốn tín dụng chính sách còn có gia đình anh Bế Văn Tướng ở xóm Bản Niếng, xã Quang Hán, huyện Trùng Khánh. Với kinh nghiệm trồng cam, quýt lâu năm và sự cần cù, tích cực áp dụng KHKT vào sản xuất, gia đình anh mở rộng diện tích trồng trên 1ha cam, quýt. Hiện nay, khu vườn có hơn 200 cây cam, trên 100 cây quýt, phần lớn đã cho thu hoạch. Trừ chi phí, trung bình, gia đình anh thu về khoảng 300 - 400 triệu đồng/năm từ bán cam, quýt. Tiếng lành đồn xa, nhiều thương lái tìm đến vườn nhà anh đặt mua sản phẩm, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình, anh Tướng còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả cho các hộ khác trong xóm.
Vượt khó, giúp dân thoát nghèo
Gần 19 năm gắn bó với công tác tín dụng, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Trùng Khánh Hoàng Thu Phương chia sẻ: Nhớ lại nhiều năm về trước, người dân nông thôn vay vốn rất ít, thậm chí vay vốn về bà con cũng không biết đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại thu nhập, nhiều hộ vay được vốn lại đem “bỏ ống tre”. Cán bộ NHCSXH huyện cùng cán bộ xã và các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn phải tới từng nhà động viên, hướng dẫn cách làm ăn, tuyên truyền về ý nghĩa của vốn vay ưu đãi.
Hiện nay, nguồn vốn chính sách đã “phủ sóng” khắp các vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa và trở thành đòn bẩy giúp bà con phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững. Những mô hình kinh tế sử dụng vốn vay hiệu quả là minh chứng cho sự thay đổi về tư duy, nhận thức của bà con. Tín dụng chính sách không chỉ tiếp thêm sức mạnh cho công cuộc giảm nghèo ở địa phương, mà còn góp phần củng cố lòng tin của người dân vào các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tính đến ngày 31.12.2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn huyện Trùng Khánh đạt hơn 381 tỷ đồng, tăng 28 tỷ đồng so với cuối năm 2020, đạt 99% kế hoạch. Các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện dịch vụ ủy thác hơn 381 tỷ đồng với 281 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 7.167 tổ viên dư nợ.
Ngay từ những tháng đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành Ngân hàng nói chung và NHCSXH nói riêng cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, quyết liệt, bám sát chỉ đạo của Trung ương và địa phương, chi nhánh NHCSXH tỉnh Cao Bằng vận dụng linh hoạt các giải pháp huy động nguồn lực, chuyển kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nỗ lực hoàn thành mục tiêu kép “vừa giải ngân kịp thời, vừa thực hiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19”. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Đến nay, doanh số cho vay của chi nhánh đạt trên 883 tỷ đồng với hơn 17.000 lượt hộ vay, mức cho vay bình quân trên 30 triệu đồng/hộ. Tổng dư nợ đạt 2.925,7 tỷ đồng, tăng 193,2 tỷ đồng so với năm 2020, hoàn thành 88,49% kế hoạch tăng trưởng được giao. Có 55.536 khách hàng dư nợ, bình quân dư nợ 51,96 triệu đồng/hộ (tăng 4,17 triệu đồng/hộ so với năm 2020). Nợ quá hạn và nợ khoanh 3,2 tỷ đồng, chiếm 0,11%/tổng dư nợ, giảm 152 triệu đồng so với năm 2020.
Mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” là sợi chỉ đỏ, là kim chỉ nam xuyên suốt chặng đường hoạt động của NHCSXH tỉnh. Với 161 Điểm giao dịch tại trụ sở UBND cấp xã trong toàn tỉnh, cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo thuận lợi để NHCSXH nhanh chóng đưa tín dụng chính sách đi vào cuộc sống. Gần 20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách giúp 262.336 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn; tạo việc làm cho 192.500 lao động; giúp 22.359 HSSV thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ hoàn cảnh khó khăn có điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp; xây dựng 51.246 công trình nước sạch và vệ sinh, góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, sức khỏe cho người dân…
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nguyễn Thị Phương cho biết, gần 20 năm hoạt động, tín dụng chính sách xã hội đã được ghi nhận và khẳng định là một trong những giải pháp hiệu quả, công cụ hữu hiệu của Chính phủ và các cấp chính quyền địa phương trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy lùi “tín dụng đen” và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Bài và ảnh Linh An
Các tin bài khác
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách
- » Tín dụng chính sách ở Lâm Đồng: Bài cuối - Trái ngọt từ sự tận tụy
- » Tín dụng chính sách ở Lâm Đồng: Bài 2 - Chất lượng tín dụng - lựa chọn số 1
- » Tín dụng chính sách ở Lâm Đồng: Bài 1 - Trợ thủ đắc lực của cấp ủy, chính quyền
- » Vốn tín dụng chính sách - điểm tựa cho người dân Đại Lộc phát triển kinh tế
- » Hơn 5.600 hộ cận nghèo, vượt chuẩn cận nghèo vay vốn ưu đãi
- » Niềm vui từ người dân Phú Lương
- » “Giọt hồng yêu thương” vì cuộc sống cộng đồng
- » Xuân về trên mảnh đất Hà Tĩnh
- » Xuân ấm no nhờ đồng vốn nhân văn