Khởi sắc hoạt động tín dụng chính sách xã hội

27/01/2022
(VBSP News) Năm 2021, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang - nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc ghi dấu ấn khởi sắc trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Qua đó, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay phục vụ SXKD, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội.
ha giang

Người dân xã Tân Lập, huyện Bắc Quang phát triển trồng chè từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi

Triển khai nhiệm vụ năm 2021 trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, dịch bệnh tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang đã động viên toàn hệ thống chi nhánh NHCSXH tỉnh phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch COVID19, vừa quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Để đảm bảo đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, ngoài nguồn vốn tăng trưởng từ NHCSXH Trung ương, chi nhánh đã tăng cường thực hiện hiệu quả việc huy động nguồn lực tại địa phương. Trong đó, chú trọng huy động tiền gửi tổ viên thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, huy động từ dân cư tại Điểm giao dịch xã. Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp tích cực tham mưu cấp ủy, chính quyền tăng cường bổ sung nguồn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để bổ sung cho vay theo tinh thần Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.
Phó Giám đốc phụ trách chi nhánh NHCSXH tỉnh Lê Tuấn Quang cho biết: Năm 2021 là năm có nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH lớn nhất từ trước đến nay. Hiện, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 138,3 tỷ đồng, tăng 61,6 tỷ đồng so với năm 2020. Ngoài ra, để tiếp tục tạo nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn, chi nhánh cùng các các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp tổ chức phát động ngày hội “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo” với mục tiêu “Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Qua đó, thể hiện rõ chủ trương đa dạng hóa nguồn lực với phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân cùng làm”. Nguồn vốn được giải ngân kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng, vốn vay được bảo toàn và đang phát huy hiệu quả.
Có thể khẳng định, chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác là chủ trương, chính sách đúng đắn, hợp lòng dân. Đây còn là giải pháp quan trọng góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đến cuối năm 2021, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách là hơn 3.600 tỷ đồng/85.252 khách hàng dự nợ, tăng hơn 365 tỷ đồng so với đầu năm, đạt tỷ lệ tăng 11,3%, bình quân dư nợ 42 triệu đồng/khách hàng.
Đặc biệt, thông qua các chương trình tín dụng, chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Giang đã giải ngân nguồn vốn vay cho hàng chục nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Vốn chính sách đã giúp 5.972 hộ nghèo, 3.623 hộ cận nghèo, 3.029 hộ mới nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững; thu hút và tạo việc làm cho 2.478 lao động, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, tăng thu nhập, mở rộng sản xuất, phát triển đa dạng các ngành nghề; 6.473 gia đình ở vùng khó khăn được vay vốn SXKD, phát triển kinh tế; xây dựng được 6.299 công trình nước sạch và vệ sinh bảo đảm theo tiêu chuẩn quốc gia về nước sạch; 50 hộ được vay vốn nhà ở xã hội, giúp đồng bào “an cư lạc nghiệp”. Bên cạnh đó, chi nhánh đã giải ngân số tiền 1.164 triệu đồng cho 10 doanh nghiệp vay trả lương ngừng việc đối với 129 lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Tổ tiết kiệm và vay vốn đã khẳng định vai trò “cánh tay nối dài” của hệ thống NHCSXH ở cơ sở khi tập hợp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn. Qua đó, cùng tương trợ, giúp đỡ, giám sát lẫn nhau trong SXKD, sử dụng vốn vay, trả nợ ngân hàng cũng như hình thành thói quen thực hành tiết kiệm để tạo lập nguồn vốn và quen dần với sản xuất hàng hoá, hoạt động tín dụng, tài chính. Nếu như đầu năm 2021, trong tổng số 2.569 Tổ tiết kiệm và vay vốn, toàn tỉnh có 4 tổ xếp loại Yếu thì đến cuối năm, không còn tổ xếp loại yếu; số tổ xếp loại tốt, khá chiếm 98,5%; trung bình chỉ chiếm 1,5%…
Thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi, các tổ chức chính trị - xã hội còn lồng ghép công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cách thức phát triển kinh tế. Nhờ đó, hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, vươn lên trong SXKD để tạo thu nhập. Năm 2021, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Hà Giang còn 34.848 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,54%, giảm 3,75% so với đầu năm 2021.

Bài và ảnh Thu Phương

Các tin bài khác