Tiện lợi từ “ngân hàng lưu động”
Chúng tôi có mặt tại Điểm giao dịch xã Bản Liền của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bắc Hà đúng phiên giao dịch định kỳ hằng tháng. Các cán bộ ngân hàng có mặt từ rất sớm, mỗi người một việc, lắp đặt máy, tài liệu để chuẩn bị cho buổi giao dịch. Quá giờ nghỉ trưa, buổi giao dịch mới kết thúc. Theo quy định, vào ngày 19 hằng tháng, cán bộ ngân hàng sẽ có mặt tại Điểm giao dịch xã Bản Liền để giải ngân, thu nợ, thu lãi. Vì 1 tháng giao dịch tại xã 1 lần nên khối lượng công việc khá lớn, có hôm tổ công tác phải làm việc thông trưa. Đơn cử như buổi giao dịch sáng 19.9, tổ đã giải ngân hơn 1,1 tỉ đồng cho 17 hộ vay vốn, thu nợ gần 300 triệu đồng của 12 hộ, huy động được hơn 100 triệu đồng tiền tiết kiệm dân cư.
Là xã vùng III, địa bàn rộng, chủ yếu là đồng bào DTTS với tỷ lệ hộ nghèo cao, những năm qua, các đối tượng chính sách tại xã Bản Liền luôn được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vay vốn ưu đãi của Nhà nước thông qua NHCSXH. Hiện tổng dư nợ 9 chương trình tín dụng trên địa bàn xã đạt 20,5 tỷ đồng với phương thức cho vay ủy thác qua 4 tổ chức chính trị - xã hội và 11 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 368 hộ vay vốn.
Phó Chủ tịch UBND xã Bản Liền Vàng A Sự cho biết: Với số lượng người dân được vay vốn, gửi tiết kiệm đông và số tiền giao dịch hằng tháng khoảng 2 tỉ đồng, nếu để người dân tự lên huyện giao dịch sẽ khó khăn cho việc đi lại, tốn kém. Việc đặt Điểm giao dịch tại UBND xã đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại, thuận lợi trong tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước.
Năm 2019, anh Lâm A Luận ở thôn Đội 3 được vay 50 triệu đồng của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bắc Hà. Nhờ thủ tục vay nhanh, gọn, thời gian giải ngân hợp lý, gia đình anh đã có vốn mua con giống phát triển chăn nuôi. Anh Lâm A Luận chia sẻ: Nhà tôi cách trụ sở Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bắc Hà gần 20km. Nếu ra huyện làm thủ tục vay vốn mà có sai sót, thiếu giấy tờ, tôi phải quay về nhà để chỉnh sửa, bổ sung mất nhiều thời gian. Từ khi có mô hình lưu động của ngân hàng tại xã đã tạo thuận lợi cho người dân. Việc vay vốn, trả nợ, trả lãi hằng tháng đều được thực hiện ngay tại điểm giao dịch xã. Ngoài ra, những thắc mắc về lãi suất, thời hạn vay, thời hạn gia hạn nợ, tôi đều được cán bộ tín dụng, cán bộ tổ tiết kiệm giải thích rõ ràng ngay trong phiên giao dịch.
Bà Vàng Thị Chiêm ở thôn Đội 3 cho biết: Ngoài tạo thuận lợi về thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại, cán bộ ngân hàng còn chu đáo hướng dẫn quy trình thực hiện các thủ tục, hồ sơ vay vốn. Ví dụ như trước ngày giao dịch, các Tổ tiết kiệm và vay vốn đã rà soát và hướng dẫn người dân chuẩn bị đầy đủ giấy tờ liên quan. Nhờ đó, khi Phòng giao dịch NHCSXH huyện về làm việc tại xã, việc giao dịch diễn ra thuận lợi, nhanh chóng và an toàn.
Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bắc Hà hiện có 19 Điểm giao dịch tại các xã, thị trấn. Hằng tháng, tổ giao dịch của đơn vị với đầy đủ trang - thiết bị như máy tính, máy in, phương tiện… xuống các xã giao dịch. Để phiên giao dịch diễn ra nhanh chóng, thuận lợi, đúng thủ tục, công tác phối hợp của ngân hàng với các hội, đoàn thể được ủy thác được thực hiện tốt. Trước buổi giao dịch, các tổ chức chính trị - xã hội cùng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn tiến hành các khâu rà soát, thẩm định đối tượng vay vốn, đối tượng trả gốc, đối tượng trả lãi, gửi tiết kiệm và hướng dẫn từng người chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, hồ sơ theo quy định.
Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Bắc Hà Giang Phi Tiến cho biết: Hoạt động của các Điểm giao dịch trên địa bàn huyện ngày càng ổn định, hiệu quả với tỷ lệ giải ngân tại Điểm giao dịch xã đạt 95,5%; thu nợ đạt trên 93,6%; thu lãi đạt 99,8%, qua đó giúp hàng trăm hộ nghèo thoát nghèo mỗi năm. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch xã, giúp người dân vay vốn, trả gốc, trả lãi, gửi tiết kiệm thuận lợi; chủ động lồng ghép việc vay vốn của khách hàng với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm để người vay sử dụng vốn hiệu quả, thoát nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Kim Thoa
Các tin bài khác
- » Nghệ An đưa vốn chính sách lên vùng biên
- » Kon Plông phát huy hiệu quả nguồn vốn vay
- » Nguồn vốn ưu đãi giúp phụ nữ nâng cao thu nhập
- » Nỗ lực đưa tín dụng chính sách đến với doanh nghiệp và người lao động
- » Đào tạo trực tuyến “Tài chính xanh thúc đẩy năng lượng tái tạo tại Việt Nam”
- » Từng bước giảm nghèo ở Đắk Lắk
- » Vốn tín dụng chính sách: “Bà đỡ” xóa nghèo cho người dân vùng khó
- » Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- » Chắp cánh ước mơ khởi nghiệp của phụ nữ trẻ
- » Vượt khó hoàn thành nhiệm vụ trong đại dịch COVID-19