Đổi thay vùng cao biên cương Bắc Hà

14/07/2021
(VBSP News) Trong những năm qua, tỷ lệ giảm nghèo của huyện miền núi cao biên cương Bắc Hà đạt bình quân 8,6%/năm, là một trong những địa phương có tỷ lệ giảm nghèo ấn tượng của tỉnh Lào Cai. Bên cạnh sự chủ động vào cuộc cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc trên địa bàn thì các nguồn lực đầu tư; trong đó nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự đóng vai trò đặc biệt.
Nguồn vốn ưu đãi được các hộ đồng bào DTTS ở Lào Cai sử dụng hiệu quả vào phát triển cây trồng

Nguồn vốn ưu đãi được các hộ đồng bào DTTS ở Lào Cai sử dụng hiệu quả vào phát triển cây trồng
                                                                                                                                                            Ảnh tư liệu

Bí thư Huyện ủy Bắc Hà Nguyễn Duy Hòa cho biết: Đạt được thành tích ấy, địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp phù hợp như huy động tập trung nguồn lực, lồng ghép các chương trình dự án 135, 30a, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới với nguồn vốn tín dụng chính sách. Riêng 6 tháng đầu năm 2021, toàn huyện đã có trên 5.000 lượt hộ nghèo và hộ đồng bào DTTS khó khăn được vay vốn chính sách với tổng số tiền là 106 tỷ đồng. Nâng tổng dư nợ của NHCSXH huyện lên 358 tỷ đồng để đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với lợi thế từng vùng miền, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Nguồn vốn chính sách đã tạo ra màu xanh bạt ngàn chè tuyết san, quế hồi, ngô lai, lê đào… dọc khắp tỉnh lộ 153 vào các xã Na Hối, Bản Phố, Lùng Phình… Đến các vùng sâu như: Bản Liền, Nậm Khách, Nậm Đét… đều thấy việc sử dụng đồng vốn chính sách của người dân để thâm canh đồng ruộng, đồi rừng, phát triển chăn nuôi trâu bò, ngựa… hiệu quả để sớm thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Đơn cử về Na Hối là xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, nhờ nguồn vốn chính sách đã mở rộng diện tích thâm canh năng suất 4 loại cây trồng chủ yếu: ngô lai, lúa thơm, đậu tương cao sản, mận Tam hoa. Gia đình chị Síu Thị Thu ở thôn Sín Chải A, dân tộc Mông được vay vốn NHCSXH huyện để phát triển chăn nuôi kết hợp trồng cây thuốc Atiso. Hiện nay, gia đình chị có 4.000m2 đất trồng 260 gốc mận Tam hoa, nuôi 36 con lợn, 50 con gà… thu nhập đạt hơn 100 triệu đồng/năm. “Trước đây gia đình khó khăn lắm. Nếu không có vốn vay từ NHCSXH, nhà tôi không có cuộc sống no ấm như ngày hôm nay”, chị Thu tâm sự.
Còn ở Tà Chải, một xã khó khăn điển hình của huyện Bắc Hà, có 234 hộ dân, trong đó có đến 175 hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất, đa phần là dân tộc Mông. Trước kia, người dân Tà Chải chủ yếu trồng cây lúa nương nay đã mạnh dạn vay vốn chính sách chuyển đổi sang trồng giống cây ăn quả ôn đới.
Tại thôn Na Hồ, xã Tà Chải, có gia đình ông Vàng Văn Mạnh, hàng chục năm liền nằm trong danh sách hộ nghèo. Từ khi vay vốn NHCSXH, cộng thêm việc tham gia Dự án “trồng cây ăn quả ôn đới”, ông đã cải tạo ruộng vườn để trồng táo, lê và nuôi lợn. Thu nhập từ vườn cây, chuồng trại, gia đình ông đã trả hết nợ vay ngân hàng, tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo. Từ tấm gương gia đình ông Mạnh, nhiều hộ ở xã Tà Chải đã mạnh dạn vay vốn đầu tư thâm canh ngô lai, trồng mận Tam hoa, lê Tai Nung, đào Pháp, trồng cỏ VA06 tạo nguồn thu nhập ổn định, nâng cao đời sống. Hiện nay, thôn Na Hồi có 14 hộ thoát nghèo.
Giám đốc NHCSXH tỉnh Lào Cai Nguyễn Hải Hà cho biết: Bắc Hà là huyện vùng cao biên giới, với đông đồng bào DTTS sinh sống tại nhiều xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. NHCSXH tỉnh đã chủ động khai thác, tranh thủ các nguồn vốn, tổ chức thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Đảng và Nhà nước, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS. Từ đó, giúp cho hộ vay vốn cải thiện về cuộc sống, chuyển biến về nhận thức, cách thức làm ăn, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi mục tiêu quốc gia về giảm nghèo hàng năm trên địa bàn vùng núi cao Bắc Hà.

Ngọc Khôi

Các tin bài khác